Có thêm nguồn lực mới, Be Group đang làm ăn ra sao và liệu có đủ sức để “đè bẹp” Grab?
BÀI LIÊN QUAN
Cần bổ sung nguồn vốn để thị trường bất động sản phát huy tiềm năng“Mùa đông” năm nay có khiến thị trường bất động sản sụp đổ?Không đủ nguồn cung phế liệu tái chế pin xe điện, thị trường Trung Quốc trở thành “bá chủ”Mới tuần trước, theo như thông tin từ Bloomberg, Be Group (đơn vị sở hữu ứng dụng be) đã nhận được một khoản vay ít nhất là 60 triệu USD từ Deutsche Bank (Đức) nhằm tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường Việt Nam. Theo CEO Vũ Hoàng Yến, khoản vay này gồm có một điều khoản cho phép nguồn tăng tài chính lên đến 100 triệu USD.
Được biết, nguồn vốn này sẽ được sử dụng cho việc mở rộng cũng như nâng cao 3 dịch vụ cốt lõi của Be Group, đó là gọi xe trực tuyến (xe 4 bánh và 2 bánh), giao đồ ăn cùng với ngân hàng số Cake by VPBank. Ngoài ra, công ty còn sử dụng nguồn vốn mới cho việc mở rộng các thị trường mới và dịch vụ mới. Be Group ấp ủ một mục tiêu xa hơn đó là: Trở thành nền tảng tiêu dùng hàng đầu tại Việt Nam.
Be Group ra mắt vào năm 2018, hoạt động tại 28 tỉnh thành trên cả nước. Tính đến thời điểm hiện tại, ứng dụng của Be đã được cài đặt trong hơn 20 triệu thiết bị di động. Chỉ tính riêng trong nửa đầu năm nay, doanh thu của Be Group ở một số thị trường trọng điểm như TP.HCM đã ghi nhận mức tăng lên gấp 2 lần. Theo như dự kiến, nền tảng ứng dụng này có thể vượt qua con số 10 triệu người dùng trong năm tới, đồng thời đặt mục tiêu gấp đôi con số này vào năm 2026.
Nhớ lại thời điểm mới ra mắt, báo giới đã đưa ra câu hỏi về việc thị trường gọi xe công nghệ được coi là “đốt tiền”, đòi hỏi doanh nghiệp phải có được tiềm lực tài chính lớn. Khi đó, ông Trần Thanh Hải nhà đồng sáng lập và CEO Be Group thời điểm ấy cho biết: “Hãng - Be Group - có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, được huy động từ cổ đông và vốn tự có”.
Đáng chú ý, ông Trần Thanh Hải có mẹ là người thuộc Hoàng gia Campuchia, là cháu trai của Hoàng thân Norodom Sihanouk. Trước khi gắn bó với Be Group, doanh nhân này còn được biết đến với vai trò nhà đồng sáng lập, đồng thời là cựu Giám đốc kỹ thuật của VNG. Sau 1,5 năm gắn bó, ông Hải quyết định thôi vị trí CEO tại Be Group vào tháng 12/2019 vì lý do cá nhân. Thay thế ông là bà Nguyễn Hoàng Phương, trước đó giữ chức vụ Giám đốc vận hành. Tuy nhiên, đến tháng 9/2021, bà Phương cũng rời Be Group.
Thời điểm hiện tại, bà Vũ Hoàng Yến đang là CEO Be Group. Bà Yến tốt nghiệp Đại học Kinh tế London và có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử, chuyển đổi số và tài chính ngân hàng. Nữ CEO này từng có thời gian công tác tại nhiều doanh nghiệp như: Adayroi (VinGroup), Agoda, Y khoa Hoàn Mỹ... Năm 2019, bà Yến đã được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn vào trong Top 10 Gương mặt nữ quản lý chuyên nghiệp.
Trong thời gian tới, một trong số những chiến lược quan trọng mà Be Group hướng tới là trở thành một nền tảng mở, kết hợp được nguồn lực của các đối tác cùng tham gia. Hiện nay, công ty này đã bắt tay với Emddi và Liên minh taxi Việt Nam. Đồng thời, Be Group còn liên kết với hệ thống bán vé xe khách toàn quốc Vexere.vn với mục tiêu đưa dịch vụ gọi xe taxi và mua vé xe khách lên ứng dụng.
Nếu như các hãng gọi xe khác đang hướng tới mô hình trở thành siêu ứng dụng, Be Group lại mong muốn thành một nền tảng di động có thể kết hợp mọi phương thức giao thông vào ứng dụng, từ đó cung cấp cho khách hàng giải pháp “all- in-one” (tất cả trong một).
Be Group đang làm ăn ra sao?
Tương tự như Grab, Gojek cùng với các ứng dụng gọi xe khác, Be Group vẫn đang mải mê tìm cách giải bài toán làm sao để kinh doanh có lãi. Tính đến cuối năm 2021, công ty này đang phải chịu khoản lỗ lũy kế lên tới hơn 2.466 tỷ đồng. Đáng chú ý, Be Group lỗ hơn 1.500 tỷ đồng vào năm 2019, đến hai năm tiếp theo tiếp tục thua lỗ lần lượt ở mức 492 tỷ đồng và 384 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2021, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này ở mức âm 373 tỷ đồng.
Cùng cảnh ngộ, Grab Việt Nam và Gojek Việt Nam cũng lần lượt ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên đến hơn 4.300 tỷ và hơn 4.000 tỷ đồng, tính đến thời điểm cuối năm 2021. Trong 3 năm qua, doanh thu thuần của Be Group so với Gojek Việt Nam có cao hơn một chút. Thế nhưng, nếu so sánh với Grab Việt Nam, con số này vẫn còn khá khiêm tốn.
Điều đáng nói, so với lợi nhuận gộp, chi phí bán hàng của Be Group luôn ở mức cao hơn, nguyên nhân đến từ việc doanh nghiệp này thường xuyên đưa ra những chương trình quảng cáo và khuyến mại nhằm giữ chân khách hàng cũ cũng như thu hút thêm những người dùng mới. Tuy nhiên trong những năm qua, chi phí bán hàng có xu hướng giảm dần, từ mức 1.444 tỷ đồng vào năm 2019 xuống còn 627 tỷ đồng năm 2020 và gần 392 tỷ đồng vào năm 2021.
Có thể khẳng định rằng, thị trường gọi xe Việt Nam hiện đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt từ những người chơi lớn, điển hình như Grab của Singapore, Gojek của Indonesia cùng với Be Group của Việt Nam. Điều đáng nói, các nền tảng này cạnh tranh nhau không chỉ đến từ chi phí dịch vụ mà còn là chất lượng cùng với sự đang dạng hóa dịch vụ trên các nền tảng. Tuy nhiên, các nền tảng gọi xe công nghệ đều phải đối mặt với thách thức lớn nhất, đó chính là vấn đề tài chính. Đối với những doanh nghiệp không có tiềm lực tài chính, việc tồn tại và duy trì hoạt động kinh doanh thành công là vô cùng khó khăn.
Vào hồi tháng 3 năm nay, Bộ Công Thương đã tổ chức buổi tọa đàm “Bài toán cạnh tranh cho thị trường gọi xe công nghệ trong thời kỳ bình thường mới”, các ý kiến cho rằng cuộc đua tranh ở trên thị trường Việt Nam hậu dịch bệnh sẽ ngày càng trở nên khốc liệt hơn trước. Những công ty này không chỉ ganh đua về phí dịch vụ mà còn về trải nghiệm khách hàng, sự đa dạng hóa dịch vụ ở trên nền tảng này. Đáng chú ý, sự cạnh tranh tích cực này sẽ mang đến cho người dùng (cả người đi xe và người lái xe) những lợi ích nhất định.
Thực tế, xét về khía cạnh này, có rất ít người chơi có thể vượt qua được tiềm lực tài chính hiện tại của Grab. Nhiều người cho rằng, với nguồn lực mới từ Deutsche Bank, liệu Be Group có thể vượt qua được sự thống trị của Grab tại Việt Nam?