Cô giáo U50 kể chuyện làm nhà, mua 2 mảnh đất từ bàn tay trắng: Mình kiếm được 10 đồng nhưng cố gắng cất lại 7-8 đồng
BÀI LIÊN QUAN
Người phụ nữ làm nên khối tài sản hàng chục tỷ đồng từ 2 bàn tay trắng nhờ đầu tư chung cưCô gái 9X tiết lộ bí quyết mua nhà từ hai bàn tay trắng nhờ tuân theo một nguyên tắc đầu tưCô giáo tiểu học Trần Thị Nguyệt "đổi đời" nhờ nghề môi giới bất động sản: 1 ngày có thể kiếm được tiền bằng cả năm đi dạy“Thời đại ngày nay, nhiều người trẻ chỉ nói về chuyện mua sắm cho sở thích cá nhân, như là thoải mái tiêu hơn 500 ngàn đồng cho một bữa lẩu, 3 triệu đồng để mua chiếc tai nghe… Thì thời đại ngày xưa của cô, không ai dạy mình về đầu tư và kinh doanh nên cách cô chú xây nhà, mua đất, nuôi 3 con ăn học chỉ có thể thông qua làm việc chăm chỉ và tiền tiết kiệm”, đó là những lời chia sẻ của cô Trà (47 tuổi, ngoại thành Hà Nội).
Theo cô Trà, nếu mình kiếm được 10 đồng, nhưng mình cố gắng cất lại 7-8 đồng để khi hoàn thành được các mục tiêu lớn lao, tuổi già ập đến thì cũng không cần sống phụ thuộc quá nhiều vào con cái.
Cô Trà chia sẻ cô và chồng đến với nhau khi cả hai chỉ có hai bàn tay trắng. Hai vợ chồng cô đều sinh ra trong gia đình hoàn cảnh khó khăn nên thói quen tiết kiệm dường như đã “ăn sâu” vào suy nghĩ của họ.
Cô Trà cho rằng, nhiều người trẻ ngày nay không biết đến sức mạnh của tiết kiệm, đây chính là một cách quản lý tiền bạc đã giúp biết bao người cùng thế hệ với cô mua được nhà, xe giữa thời điểm kinh tế còn nhiều khó khăn. Đối với vợ chồng cô Trà, hành trình xây nhà, nuôi dạy con cái ăn học thành tài của cô chú được bồi đắp bởi duy nhất một con đường tài chính: Kiếm được tiền, sau đó, chi tiêu tiết kiệm để có khoản để dành.
Tiết kiệm được vài ngàn đồng cũng là đáng quý
Gia đình cô Trà hoàn thành xây nhà và mua mới nội thất vào năm 2007 với tổng chi phí 500 triệu đồng. Để xây nhà, vợ chồng cô còn phải vay thêm ngân hàng khoản tiền 150 triệu đồng. Ba năm kế tiếp là hành trình họ bắt đầu trả nợ và nuôi dạy con chỉ với tổng thu nhập ít ỏi 8 triệu đồng/tháng. Cô Trà chia sẻ, thời điểm đó, mỗi tháng vợ chồng cô chỉ tiêu 3 triệu đồng, số tiền còn lại họ gửi tài khoản tiết kiệm để trả nợ ngân hàng.
Chia sẻ về các gia đình đã tiết kiệm cho cuộc sống gia đình ra sao, cô Trà tâm sự, mọi khoản chi phí đều được gia đình giữ ở mức tối thiểu. Ngoài việc mua hàng hóa giá rẻ, vợ chồng cô còn thực hiện chính sách tiết kiệm với tất cả khoản tiêu dùng hàng tháng. Cụ thể, vợ chồng cô luôn nhắc nhở con cái không được vứt giấy ăn, giấy vệ sinh bừa bãi, không được để nước chảy lênh láng lãng phí và tắt đèn khi trong phòng không có ai.
Hàng ngày, cô Trà luôn đi chợ quê mua đồ về nấu ăn để tiết kiệm. Các loại rau củ chỉ cách nhau vài ngàn đồng cũng khiến cô đắn đo, cân nhắc có nên chuyển qua hàng khác hay không. Chỉ những dịp đặc biệt như cuối năm hay khi có việc cần ra Hà Nội thì vợ chồng co mới mua hàng hóa trong siêu thị, cửa hàng lớn. Khoản ăn uống hàng ngày cũng rất đơn giản, đôi khi chỉ có 2 món mặn và 1 món rau là xong bữa.
Về các khoản chi mua hàng hóa khác như đồ gia dụng, đồ chơi cho con,... vợ chồng cô Trà thường mua đồ ở chợ quê hoặc hỏi người này người kia chỗ bán giá rẻ để mua. Nhìn chung, thời điểm đó, gia đình cô có quan điểm: Tiết kiệm được vài ngàn đồng cũng đáng quý rồi.
Thời điểm những năm còn nợ mua nhà, chuyện đi du lịch đối với gia đình cô Trà là quá xa vời. Cô cho biết, trong 3 năm trả nợ mua nhà và kể cả vài năm sau đó, họ cũng không bao giờ dành tiền cho khoản mục này.
Còn chuyện mua trang phục, gia đình cô Trà thống nhất chỉ mua đồ mới cho các con, còn hai vợ chồng hạn chế tối đa mua quần áo mới. Là một người phụ nữ nhưng chuyện làm tóc và làm móng đối với cô Trà là nhu cầu xa xỉ mà họ không bao giờ nghĩ đến.
Mặc dù tiết kiệm hết mức các khoản chi phí trong sinh hoạt là vậy, thế nhưng có một hạng mục chi tiêu mà vợ chồng cô Trà không bao giờ tiết kiệm đó là khoản đầu tư dành cho chuyện học hành của các con, từ mua quần áo, đồ dùng học tập cho đến nhu cầu học thêm. Bởi gia đình cô quan niệm: Chỉ có học hành mới tạo cơ hội thoát nghèo!
Hành trình mua 2 mảnh đất và có khoản tiết kiệm 600 triệu đồng
Năm 2010, sau khi hoàn thành mục tiêu trả hết nợ xây nhà, vợ chồng cô Trà vẫn không bao giờ xem nhẹ nguyên tắc tiết kiệm chi tiêu. Trong suốt 12 năm sau đó, dù còn nuôi 3 con ăn học nhưng cả hai vẫn dành ra được khoản tiền 600 triệu đồng, đáng nói họ còn tranh thủ mua được 2 mảnh đất gần nhà.
Đi qua quãng thời gian tiết kiệm từng đồng để vất vả trả nợ làm nhà, cô Trà tổng kết như sau: “Nếu có tiền thì nên cân nhắc làm nhà và mua nhà ngay. Bởi cô để ý, giá nhà đất chỉ có tăng lên chứ không bao giờ dám xuống. Đó cũng là lý do mà vợ chồng cô chấp nhận làm nhà trong khi hai vợ chồng cần vay đến 50% giá trị, còn đang nuôi 3 con nhỏ. Bởi chỉ sau đó 7-8 năm, cô khảo sát thì biết tiền xây căn nhà tương tự với nhà cô đã lên đến 1 tỷ đồng”.
Bên cạnh đó, cô Trà cho rằng, tiết kiệm tiền, sau đó gửi vào ngân hàng sẽ có sức mạnh tài chính rất lớn. Tuy nhiên, người trẻ ngày nay thường dễ dàng bỏ qua. “Ngày xưa, cô chú kiếm chưa đến 10 triệu đồng nhưng vẫn làm được nhà. Vậy mà mấy chục năm sau, tại sao những người trẻ lương tháng vài chục triệu mà không để ra được khoản nào?”, cô Trà nói.
Trong suốt nhiều năm, vợ chồng cô Trà luôn giữ một nguyên tắc: Tiền vợ kiếm dùng để trả tất cả chi phí cuộc sống, còn thu nhập của chồng thì để gửi tiết kiệm. Được biết, thời điểm đó, cô Trà kiếm được khoảng 7-10 triệu đồng/tháng từ công việc giáo viên, trong khi chồng cô làm tự do nhận thu nhập khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng.
Thời điểm hiện tại, hai vợ chồng cô Trà vẫn đang nỗ lực làm việc để khi về già không phải sống phụ thuộc tài chính vào con cái. Cô Trà dự tính nguồn thu của cả hai vợ chồng khi nghỉ hưu như sau: Cô có tiền lương hưu từ công việc giáo viên, trong khi đó chồng cô có thu nhập từ cửa hàng nhỏ mà chú đã mở cách đây 1 năm.
“Cô biết những người trẻ như con mình lập nghiệp không hề dễ dàng, đó còn chưa tính bài toán tài chính càng khó khăn sau khi lập gia đình. Do đó, cô muốn khi về già, bản thân không bị phụ thuộc vào con mà còn có tiền lo cho chúng nó mua chung cư ở Hà Nội”, cô Trà tâm sự.
Chia sẻ về những nguyên tắc quản lý tài chính của mình, cô Trà cho biết:
Thứ nhất, tiết kiệm hết mức có thể, ít nhất là 50% số tiền kiếm được. Ở mỗi giai đoạn của cuộc sống, cô Trà đều cố gắng dành dụm, hạn chế tiêu xài phung phí. Đối với vợ chồng cô, việc có tiền trong túi quan trọng hơn là vẻ đẹp bên ngoài.
Thứ hai, nếu dự định kinh doanh riêng thì hãy tính sớm trước khi lập gia đình. Giải thích về điều này, cô Trà cho rằng, sau khi có gia đình, chúng ta sẽ không thể đánh đổi quá nhiều rủi ro mà việc kinh doanh và đầu tư mang lại. Chia sẻ về thực tế bản thân, cô Trà cho biết, vợ chồng cô không có chỗ dựa tài chính từ bố mẹ hai bên. Nếu kinh doanh thất bại, lại còn đang nuôi con thì biết lấy tiền từ đâu trang trải? Vì thế, nếu có tiền thừa, vợ chồng cô chú chỉ chọn các hình thức gửi tiền an toàn như tiết kiệm và mua vàng.
Sau cùng, cô Trà nhấn mạnh những lời khuyên và cách quản lý tài chính của cô có lẽ không còn đúng 100% và phù hợp với thế hệ trẻ hiện nay, đặc biệt là Gen Z. Tuy nhiên, những thói quen này lại phù hợp với thế hệ cô - những người đã chứng kiến nhiều đợt kinh tế suy thoái, giai đoạn mà người ra cho rằng: “Chỉ cần để yên tiền một chỗ là ổn nhất”.
Tiết kiệm để đảm bảo cho chất lượng cuộc sống
Thật khó để không cảm thấy lo lắng cho ví tiền của bản thân khi trải qua một năm bão giá, lạm phát và tình trạng sa thải hàng hoạt diễn ra trên toàn thế giới. Có lẽ mong muốn lớn nhất của tất cả mọi người là có nền tảng tài chính đủ an toàn để trải qua năm 2023 vui vẻ. Có một khoản tiền đề phòng cho những trường hợp rủi ro bất ngờ xảy ra là cách để cảm thấy an tâm hơn.
Tiết kiệm cho cuộc sống tốt hơn là điều mà ai cũng mong muốn, nhưng tiền đề chính là chúng ta phải có sự kiên trì và tỉnh táo, đồng thời cũng cần kết hợp với những thói quen tốt để kiểm soát bản thân trong việc chi tiêu. Kiếm tiền phải đi đôi với tiết kiệm, có như vậy tiền bạc mới còn mãi, cuộc sống sung túc đủ đầy.
Dưới đại dịch, chúng ta nhận thức rõ ràng hơn bao giờ hết rằng những thay đổi đang không ngừng diễn ra trên thế giới này. Và khi đối mặt với sự bất ổn, cách tốt nhất là có sự chuẩn bị, đồng thời bù đắp cảm giác an toàn trong lòng.
Nếu bạn từng tự hỏi tiền quan trọng như thế nào, bạn sẽ hiểu ngay khi bản thân hoặc người nhà đổ bệnh. Một khoản tiết kiệm có thể không đáng nói trong những ngày bình thường. Nhưng những tai nạn sẽ không cho chúng ta thời gian để chuẩn bị và một khi tai họa ập đến, chúng ta thường trở tay không kịp, chật vật đến bí bách.
Bỗng một ngày nào đó, khi phát hiện số tiền mà chúng ta đang sở hữu có thể kéo dài sinh mạng thì bạn mới hiểu cảm giác an toàn do tiền bạc mang lại là không thể thay thế.
Không có gì xấu hổ khi nói về tiền bạc, nỗ lực kiếm tiền không bao giờ sai, nó chỉ sai khi bạn đánh mất bản thân trong quá trình này mà thôi. Tiết kiệm là cách để tạo nên cảm giác an toàn vững chắc cho bản thân và gia đình.