Chuyên gia Nguyễn Quang Bình: Lạm phát tác động trực tiếp đến sức mua người tiêu dùng và các nhà kinh doanh cà phê
BÀI LIÊN QUAN
Sau 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu điều giảm 14%Lạm phát xảy ra, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đôn đáo tìm đơn hàngSau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, thị trường gạo thế giới trở nên bấp bênhNhu cầu tiêu thụ cà phê giảm vì áp lực lạm phát và lãi suất
Trong khoảng thời gian tháng 7 và tháng 8, giá cà phê trong nước đã ghi nhận đợt tăng giá mạnh trong một thời gian dài nhờ hàng tồn kho ở mức thấp. Đến tháng 9 và tháng 10, giá cà phê trong nước đã bắt đầu hạ nhiệt. Tính đến ngày 5/10, giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên đang dao động ở quanh mức từ 46.500 đồng cho đến 46.800 đồng/kg, so với ngưỡng kỷ lục gần 51.000 đồng/kg được thiết lập vào cuối tháng 8 vừa qua đã giảm khoảng 8%.
Giá cà phê trong nước giảm sút theo đà suy yếu của thị trường thế giới do áp lực từ “đồng bạc xanh” đã tăng cao kỷ lục. Theo như số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu, giá cà phê phê robusta giao kỳ hạn tháng 1/2023 cùng với 3/2023 đã ghi nhận mức giảm lần lượt ở mức 3,6% và 3,5% trong tháng 9, xuống chỉ còn 2.178 USD/tấn và 2.152 USD/tấn.
Đáng chú ý, trên sàn New York, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 năm sau đã ghi nhận mức giảm 6,6% xuống chỉ còn 216,3 USCent/pound. Thời điểm hiện tại, thị trường thế giới đang trong mối lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế trên toàn cầu, từ đó khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê giảm sút. Đáng chú ý, người trồng cà phê tại Brazil cũng đã đẩy mạnh bán ra, dù kho lưu trữ hạn chế nhưng hàng vụ mới trong kho lại ở mức dồi dào. Theo số liệu từ Công ty Cung ứng và Dự báo nông sản Conab Brazil, dự báo sản lượng cà phê arabica cho niên vụ 2022-2023 sẽ ở mức 32,41 triệu bao, so sánh với niên vụ 2021-2022 đã tăng 3,1%.
Theo ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, Tổng Giám Đốc của Công ty Cổ phần giám định Cà phê và hàng hóa XNK (Cafecontrol), các quốc gia tiêu thụ cà phê chính trên thế giới (trong đó có Mỹ và châu Âu) đã đồng loạt tăng lãi suất trong thời gian qua. Đồng thái này đã đẩy chi phí kinh doanh của các công ty nhập khẩu tăng lên đáng kể trong khi hoạt động mua hàng lại trầm lắng hơn trước. Đây cũng là nguyên nhân khiến lượng tồn kho trong nước thời điểm hiện tại vẫn còn thấp thế nhưng các diễn biến đang ngày càng trái ngược khi so sánh với thời điểm tháng 7, tháng 8 vừa qua.
Cụ thể, ông Nguyễn Nam Hải khẳng định: “Nền kinh tế thế giới đang bước vào suy thoái, điều này khiến cho nhiều nước phải tìm mọi biện pháp để kiềm chế lạm phát, trong đó có việc tăng lãi suất. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu thụ cà phê”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Bình - chuyên gia ngành cà phê, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội Quốc gia - nhận định rằng, lạm phát trên thế giới đang tác động trực tiếp đến sức mua của cả người tiêu dùng và các nhà kinh doanh cà phê.
“Lạm phát cũng đồng nghĩa với việc sức mua giảm sút nhưng chi phí tài chính lại tăng cao đối với các nhà kinh doanh hàng hóa và cả chi tiêu công của các chính phủ. Đồng thời, nó còn ngăn cản việc tiết kiệm của người dân. Trong khi đó, suy thoái lại đồng nghĩa với thất nghiệp, vấn đề rủi ro vỡ nợ của những doanh nghiệp tăng lên và những gia đình có kinh tế còn khó khăn. Do đó, điều quan trọng là nên thấy trước được lực mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu giảm cũng như sức tiêu thụ cà phê của người tiêu dùng trong cả nước sẽ bị hạn chế trong những tháng còn lại của năm nay, thậm chí đến cả năm sau”, ông Bình cho biết.
Trong khi thời điểm đầu năm là 0%, mức lãi suất công bố thời điểm hiện tại của các quốc gia tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới đã lên đến 3-3,25%. Brazil - nước xuất khẩu cà phê lớn nhất trên thế giới cũng không nằm ngoài xu thế này. Cụ thể, nước này đã nâng mức lãi suất cơ bản lên con số 13,75% - mức cao nhất tại Brazil kể từ tháng 12/2016 cho đến nay.
Trong 9 tháng vừa qua, con số về xuất khẩu cà phê cũng đã thể hiện sức tiêu thụ đang dần chậm lại. Cục Xuất nhập khẩu ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 9/2022 là 100 nghìn tấn và có trị giá lên tới 240 triệu USD, so với tháng 8 đã giảm 11,1% về lượng và 9,8% về trị giá. Giá xuất khẩu cà phê cũng đang gần như đi ngang và đạt mức 2.399 USD/tấn.
Áp lực nguồn cung sẽ tiếp tục đè nặng lên giá cà phê trong thời gian tới?
Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch cà phê. Vì thế, có khá nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại rằng, thị trường tiêu thụ đang lắng xuống khiến giá vốn giảm, nay càng thêm áp lực bởi nguồn cung ở mức dồi dào. Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam Nguyễn Nam Hải cho rằng, áp lực vẫn chưa xuất hiện trong ngắn hạn bởi sản lượng cà phê mọi năm sẽ tăng mạnh từ tháng 11 và kéo dài cho đến tháng 1 năm sau. Năm nay thì khác, sản lượng cà phê có thể sẽ giảm so với mọi năm vì bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Cụ thể, ông Hải cho biết: “Điều chúng tôi đang cảm thấy lo ngại chính là tình hình biến đổi khí hậu trong năm nay quá phức tạp, mưa nhiều khiến cho hoạt động chế biến trong khoảng thời gian thu hoạch càng thêm khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng cà phê. Dự kiến trong năm nay, sản lượng cà phê sẽ giảm 10% so với năm trước đó và xuống còn khoảng 1,6 triệu tấn”.
Đáng chú ý, ông Phan Hùng Anh, Giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần Thương mại Cà phê Quang Minh (tỉnh Bình Dương) cũng chia sẻ quan điểm của mình khi trả lời phỏng vấn với trang Bloomberg. Cụ thể, ông Phan Hùng Anh cho biết: “Chúng tôi lo ngại tình trạng thiếu hụt hàng có thể kéo dài đến tháng 11. Lượng hàng nằm trong tay người dân có lẽ chỉ khoảng 2% sản lượng hàng năm, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình là 13%”.
Bên cạnh đó, cũng theo đại diện Hiệp hội Cà phê - Cacao, trong những tháng cuối năm nay, nhu cầu tiêu thụ cà phê là một điều vô cùng khó đoán. Nguyên nhân bởi, xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có hồi kết, lạm phát vẫn ngày càng tăng cao và đặc biệt là nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn đang suy thoái. Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu vẫn kỳ vọng, đà giảm giá cà phê trong thời gian tới sẽ chậm lại trong khi lượng tồn kho ở Mỹ đang ở mức thấp nhất trong vòng 23 năm qua.