meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Cần giải quyết nhiều “bài toán” để “khôi phục” mua sắm ở các trung tâm thương mại

Thứ hai, 27/11/2023-16:11
Hình ảnh hàng loạt trung tâm thương mại ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh “vắng vẻ” trong thời gian gần đây đã khiến cho nhiều người bất ngờ. Phải chăng các biểu tượng bán lẻ hiện đại đã không còn phù hợp với “xu hướng” của người tiêu dùng?

Mặt bằng trung tâm thương mại rơi vào tình trạng “cửa đóng, then cài”

Vắng khách là thực trạng chung của các trung tâm thương mại ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh vào thời điểm này. Điều đó cũng cho thấy, Trung tâm thương mại vẫn đang trong thời kỳ gian khó, bất chấp ngành bán lẻ luôn được dự báo lạc quan.

Trung tâm thương mại vốn dĩ là nơi vui chơi, giải trí và mua sắm được nhiều người tìm đến với đa dạng các ngành hàng, dịch vụ cao cấp. Không thể phủ nhận, kênh phân phối truyền thống này từng là “xương sống” của ngành hàng bán lẻ. Mặc dù vậy, thời gian gần đây trung tâm thương mại đã trở nên vắng vẻ, đìu hiu. Cụ thể, có nhiều gian hàng đóng cửa, niêm phong hay trả mặt bằng kinh doanh.

Dạo một vòng quanh các trung tâm thương mại lớn như Vincom, Lotte ở Hà Nội, tình trạng vắng khách hàng đến mua sắm đã không còn là chuyện hiếm. Cụ thể, các gian hàng ở trung tâm thương mại lớn này kinh doanh mặt hàng thời trang, gia dụng, đồ điện tử,... đang gặp phải tình trạng trả mặt bằng, đóng cửa hàng loạt. Và số những gian hàng vẫn còn đang kinh doanh lại đìu hiu, vắng bóng khách tham quan, mua sắm. Điều này trái ngược hẳn với khung cảnh nhộn nhịp của những năm trước dù đã bước vào giai đoạn cao điểm mua sắm cuối năm.

Cũng qua tìm hiểu, hiện nay người dân đã thận trọng hơn trong việc mua sắm cũng như hạn chế chi tiêu, đặc biệt là những mặt hàng không thiết yếu như quần áo, đồ gia dụng, điện tử, mỹ phẩm.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Cần giải quyết nhiều “bài toán” để “khôi phục” mua sắm ở các trung tâm thương mại
Doanh nghiệp trả mặt bằng khiến trung tâm thương mại vắng vẻ. Nguồn ảnh: Internet

Gia đình anh Vũ Văn Quân cho biết, trong năm 2023 do kinh tế còn khó khăn nên tần suất đi trung tâm thương mại đã giảm so với những năm trước. Anh Quân cho hay: “Trên thực tế, chủ yếu chúng tôi cho con đi chơi, còn mua sắm thì gần như không còn và cũng hạn chế đi hơn trước nhiều”.

Hiện nay, phần lớn các gian hàng bán lẻ thời trang, gia dụng và đồ điện tử ở các trung tâm thương mại đều triển khai những chương trình ưu đãi, giảm giá lớn đến 50% tuy nhiên vẫn không thu hút được khách hàng.

Không chỉ thế, hiện nay người dân vẫn đang có xu hướng mua sắm online nhiều hơn ở trên các sàn thương mại điện tử cho nên hạn chế việc đến các trung tâm thương mại. Và trên thực tế thì điều này đã giúp cho ngành giao hàng phát triển.

Chị Phùng Thị Quỳnh Anh cho biết: “Từ khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra, thói quen mua sắm của tôi đã thay đổi rõ rệt. Từ việc mua sắm quần áo, gia dụng, đồ điện tử đều chuyển từ trực tiếp sang online trên Shopee, Tiki hay thông qua livestream,... Ở đây, vừa được giao hàng tận nơi lại có nhiều chương trình giảm giá. Cũng có các gian hàng chính hãng cho nên nếu biết lựa chọn sẽ không phải mua phải hàng nhái, hàng giả”.

Đưa ra nhận định về thực trạng này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết có nhiều nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan khiến tình trạng nhiều doanh nghiệp trả lại mặt bằng ở các trung tâm thương mại lớn.

Vị chuyên gia này cho hay: “Trước hết, tình hình chung cả nước hiện nay chính là sức mua kém, giảm sút rõ rệt. Sau dịch bệnh COVID-19, người dân có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn, đồng thời giá của các mặt hàng hầu hết đã tăng. Người dân cũng đã chuyển dịch sang mua sắm online, có người giao hàng tận nơi, tiết kiệm được thời gian. Kế tiếp đó là giá thuê ở các trung tâm thương mại cao, lợi nhuận thấp cho nên doanh nghiệp đã phải “bán lúa non” để bỏ. Đây chính là thực trạng đáng buồn của thị trường bán lẻ hiện nay đang diễn ra không chỉ ở trung tâm thương mại mà còn ở các chợ truyền thống”.

Cũng theo ông Phú, số liệu thống kê từ Tổng Cục Thống kê cho thấy, doanh số bán lẻ trong 10 tháng năm 2023 tăng trưởng ở mức 7%, trong khi đó, thời kỳ hoàng kim luôn ở 2 con số từ 10% trở lên.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Cần giải quyết nhiều “bài toán” để “khôi phục” mua sắm ở các trung tâm thương mại
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội

Trong thương mại, chẳng thể giải quyết bài toán đầu ra được thì chắc chắn hoạt động sản xuất cũng gặp phải muôn vàn khó khăn, đó chính là hiệu ứng dây chuyền.

Bên cạnh đó, ông Phú cũng chỉ ra nguyên nhân khách quan đến từ việc chu kỳ hàng hóa. Đáng chú ý như khi mua một chiếc tivi, tủ lạnh sẽ sử dụng được 5 - 7 năm, chính vì thế mà thị trường đang ở trong thời kỳ bão hòa.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú nói thêm: “Nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng có nhiều gian hàng ở trung tâm thương mại phải đóng cửa chính là tình trạng hàng lậu, hàng giả lấn át. Sự cạnh tranh khốc liệt giữa hàng hóa nội địa và nhập khẩu. Muốn vào các siêu thị, trung tâm thương mại thì hàng nội địa phải chịu nhiều thuế, phí dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh. Điều đó cho thấy vai trò quản lý nhà nước thực sự cần thiết, nhưng hiện nay lại chưa được phát huy”.

Để "khôi phục" mua sắm ở các trung tâm thương mại cần giải quyết nhiều bài toán nan giải

Có thể thấy, thực trạng vắng vẻ ở các trung tâm thương mại đã khiến cho nhiều doanh nghiệp phải thay đổi kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trong năm nay.

Chị Hoàng Kim Trang - đại diện kinh doanh của một công ty phân phối các thương hiệu nước hoa nói rằng, có nhiều kế hoạch phải thay đổi trong năm 2023.

Không chỉ lượng mua giảm mà mặt bằng ở trung tâm thương mại lớn như Vincom thường sẽ có giá cao hơn ở bên ngoài, diện tích nhỏ.

Anh Nguyễn Tiến Huy - chủ cửa hàng nhượng quyền Mixue chia sẻ: “Vào giữa năm nay, tôi đã tìm hiểu mặt bằng ở Vincom để mở nhượng quyền Mixue. Mặc dù vậy thì khi so sánh với việc thuê cửa hàng bên ngoài, giá mặt bằng ở Vincom đã cao hơn khá nhiều, bất tiện khi phải 10h mới có thể mở cửa cho nên lượng khách sẽ bị ảnh hưởng. Chính vì thế, tôi đã quyết định thuê cửa hàng bên ngoài để thuận tiện hơn. Đáng chú ý, tôi có bán hàng ở trên app nên tài xế vào trung tâm thương mại sẽ ngại hơn cửa hàng ở bên ngoài vì mất thêm tiền gửi xe”.

Với những yếu tố trên cũng như sự lo ngại của các doanh nghiệp bán lẻ thì việc vực dậy thị trường bán lẻ ở các trung tâm thương mại không phải là câu chuyện một sớm một chiều.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nói rằng, trong ngắn hạn, thị trường bán lẻ ở các trung tâm thương mại khó có thể hồi phục mà phải tính đến dài hạn mới mong có được kết quả. Để có thể làm được điều đó thì chuyên gia này cho biết cần phải giải quyết được nhiều bài toán trong thời gian tới.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Cần giải quyết nhiều “bài toán” để “khôi phục” mua sắm ở các trung tâm thương mại
Trung tâm thương mại nhiều chỗ bị bỏ trống. Nguồn ảnh: Internet

Đầu tiên đó là phải tổ chức được sản xuất năng suất cao, chất lượng tốt giá cả hợp lý là cái gốc của sản xuất.

Thứ hai là hệ thống phân phối ở các siêu thị, trung tâm thương mại phải mở rộng cửa đón hàng nội địa để gia tăng sức cạnh tranh. Đáng chú ý, cần phải xây dựng được chuỗi cung ứng ngắn để đi từ sản xuất cho đến bán lẻ để giảm chi phí cũng như nâng cao lợi nhuận.

Thứ ba đó là cần thiết phải có cơ chế để việc giao dịch, mua bán ở trên thị trường trở nên minh bạch hơn tránh ép cấp, ép giá và đẩy giá, quan trọng là phải chống độc quyền ở các siêu thị, trung tâm thương mại để có thể phát triển theo phương thức chia sẻ. Cần thiết có sàn giao dịch để siêu thị sẽ mua ở đó về phân phối có được giá tốt, người dân được hưởng, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng được hợp lý hơn.

Thứ tư là cần xây dựng kỷ luật sản xuất, kỷ luật thị trường, tính nghiêm minh và công bằng. Doanh nghiệp nào thiếu uy tín, trách nhiệm và gian thương sử dụng chất cấm cần phải có biện pháp xử lý triệt để. Doanh nghiệp nào bán giá cao hơn thị trường thì cần phải có cơ chế kéo giá xuống, thu hồi chênh lệch.

Thứ năm cần phải kiểm soát thị trường, công khai, minh bạch và chống gian lận thương mại, chống buôn lậu, hàng nhái/giả. Song song với đó, cần xây dựng hạ tầng thương mại bao gồm đường giao thông, chợ, siêu thị,.... để có thể giảm chi phí cũng như nâng cao chất lượng. Đáng chú ý, những người thực thi pháp luật cũng cần làm trong sạch, tránh tình trạng bảo kê và tiêu cực.

Cuối cùng là cần luật hóa lợi nhuận trong một chuỗi sản xuất, tiêu dùng. Người nông dân cũng cần phải được hưởng lợi nhuận lớn nhất, tuy nhiên Việt Nam thì ngược lại là đơn vị trung gian bán lẻ.

Tổng kết, vấn đề để phục hồi thị trường bán lẻ đang đi xuống như hiện nay, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng cốt lõi vẫn là vai trò của quản lý Nhà nước cần phải giải quyết được các vấn đề trên trong dài hạn.

Theo: taichinh.kinhtechungkhoan.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Thái Bình có thêm khu công nghiệp hơn 330ha

Hoạt động M&A bất động sản sẽ có một cuộc sàng lọc lớn

Cao tốc Nam Định - Thái Bình dài hơn 60km sẽ khởi công vào thời điểm nào?

Quảng Ninh quy hoạch cả hòn đảo làm khu du lịch nghỉ dưỡng

"Nhập cuộc" đường đua NOXH, Nam Định sắp có dự án hơn 900 tỷ đồng với 1.100 căn hộ

Đường Vành đai 2: TPHCM bồi thường theo giá đất mới, tối đa 111 triệu đồng/m2

Vì sao Long An thông báo dừng lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 2 dự án NOXH?

Bình Dương: Khu dân cư nghìn tỷ sắp "hồi sinh" sau nhiều năm bị cơ quan chức năng "tuýt còi"

Tin mới cập nhật

Bitcoin trượt về mức 90.000 USD, cơn “sốt” tiền điện tử đang hạ nhiệt

8 giờ trước

Huawei chính thức ra mắt hệ điều hành mới, "đoạn tuyệt" với android

8 giờ trước

TP. HCM: 5 công trình tiêu biểu được xếp hạng Di tích Kiến trúc – Nghệ thuật cấp thành phố

8 giờ trước

Giao dịch bất động sản chỉ được công chứng trong phạm vi tỉnh

8 giờ trước

Vì sao NOXH cho thuê vẫn chưa "hút" nhà đầu tư?

8 giờ trước