Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau báo cáo xấu của Big Tech, Nasdaq mất 2%
BÀI LIÊN QUAN
Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ hai liên tiếp giữa những bất ổn trên thị trường trái phiếuChứng khoán Mỹ giảm điểm trước bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọtDow Jones bật tăng 338 điểm, chứng khoán Mỹ tiếp đà khởi sắc trong mùa kết quả kinh doanhTheo Doanh nghiệp và Kinh doanh, thị trường chứng khoán Mỹ phiên ngày 26/10 đa phần là giảm điểm sau khi các "đại gia" công nghệ thông báo lợi nhuận thấp hơn kỳ vọng khiến nhà đầu tư lo ngại triển vọng kinh tế vĩ mô đang xấu đi rõ rệt.
Theo đó, chỉ số thiện về công nghệ Nasdaq Composite giảm 2,04% xuống còn 10.971 điểm. S&P 500 cũng mất 0,74% và đóng cửa ở gần 3.831 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones nhích nhẹ 0,01% và dừng ở 31.839 điểm.
Bức tranh kết quả kinh doanh ảm đạm
Cuối ngày 25/10, sau khi thị trường đã đóng cửa, hai tập đoàn công nghệ lớn là Microsoft và Alphabet (công ty mẹ của Google) đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với một số thông tin không như kỳ vọng.
Cụ thể, Microsoft cho biết lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (ESP) quý vừa qua đạt 2,35 USD và doanh thu là 50,12 tỷ USD, cao hơn so với con số 2,3 USD và 49,61 tỷ USD mà giới phân tích dự báo.
Tuy nhiên, doanh thu từ mảng dữ liệu đám mây thấp hơn kỳ vọng. "Ông lớn" công nghệ này cũng ước tính doanh thu quý sau sẽ đạt 52,35 – 53,35 tỷ USD, thấp hơn đáng kể so với mức 56,05 tỷ USD mà các nhà phân tích của efinitiv dự kiến trước đó. Theo đó, giá cổ phiếu của Microsoft đã sụt 7,7% trong phiên 26/10.
Trong khi đó, Alphabet (công ty mẹ của Google) công bố EPS đạt ở mức 1,06 USD so với dự báo 1,25 USD, doanh thu 69,09 tỷ USD trong khi kỳ vọng là 70,58 tỷ USD. Doanh thu từ quảng cáo của YouTube đi xuống. Giá cổ phiếu Alphabet đã sụt 9,1% trong phiên 26/10, đánh dấu ngày giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.
CNBC cho rằng, các chỉ số đã nỗ lực hồi phục khi các nhà đầu tư cố phớt lờ kết quả kinh doanh tiêu cực từ Microsoft và Alphabet.
Chỉ số Dow Jones có thời điểm đã tăng hơn 300 điểm sau khi hãng thẻ tín dụng Visa công bố lợi nhuận vượt kỳ vọng, giá cổ phiếu theo đó đã tăng 4,6%. Tuy nhiên, đà tăng của các chỉ số đã không thể duy trì đến cuối phiên.
Ngoài ra, cổ phiếu của một tập đoàn công nghệ khác là Meta (sở hữu mạng xã hội Facebook)cũng ghi nhận giảm 5,6% trong phiên vừa qua. Sau khi thị trường đóng cửa, Meta đã thông báo lợi nhuận quý III và dự báo doanh thu quý IV cùng thấp hơn so với kỳ vọng của giới phân tích. Giá cổ phiếu của công ty này đã lao dốc 20% trong thời gian giao dịch mở rộng.
Theo ông Keith Buchanan, Giám đốc quản lý danh mục tại GLOBALT Investments, biến động của các chỉ số chính đã phản ánh "cuộc thi kéo co" giữa một bên là các doanh nghiệp Mỹ và bên kia là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Các nhà đầu tư hiện đang phải đánh giá một cách cân bằng những thông tin mà doanh nghiệp công bố và làm ý với kế hoạch lãi suất trong tương lai. Ông Buchanan cho rằng, những báo cáo kết quả kinh doanh đầu tiên của ngành công nghệ có ảnh hưởng lớn do đây là những lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư rót tiền vào.
“Tâm lý lạc quan được xây dựng gần như hoàn toàn dựa trên triển vọng bi quan. Sự lạc quan ở đây là việc Cục Dự trữ Liên bang sẽ chỉ thay đổi chính sách trong kịch bản tình hình kinh tế vĩ mô xấu đi nhanh chóng”, ông Buchanan cho hay.
Cổ phiếu của Boeing sụt 8,8% sau khi tập đoàn sản xuất máy bay này công bố khoản lỗ 3,3 tỷ USD trong quý III cùng doanh thu thấp hơn kỳ vọng. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của Harley-Davidson đã bật tăng 12,6% sau khi công ty sản xuất xe máy này thông báo lợi nhuận cao hơn dự báo trước khi phiên giao dịch ngày 26/10 mở cửa.
Refinitiv cho biết, 170 doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 đã công bố báo cáo tài chính quý III và 75% trong số này ghi nhận lợi nhuận cao hơn dự báo của giới phân tích.
Trong đó, viễn thông và công nghệ là những nhóm giảm sâu nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên vừa qua. Đồng thời, đây cũng là 2 nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất nên đã kéo theo S&P 500 đóng cửa trong sắc đỏ.
Kỳ vọng vào việc Fed bớt thắt chặt
Ở diễn biến khác, doanh số bán nhà mới xây tại Mỹ trong 9 tháng đã giảm 10,9% so với tháng 8 khi lãi suất vay thế chấp leo lên mức cao nhất trong hơn 20 năm qua.
Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cho thấy đi xuống cùng với diễn biến tiêu cực của doanh số bán nhà càng khiến các nhà đầu tư lo lắng hơn về triển vọng kinh tế u ám. Tuy nhiên, có thể Fed sẽ giảm nhịp độ tăng lãi suất để tránh gây thiệt hại quá lớn cho hoạt động kinh tế.
Mặt khác, hôm 26/10, Ngân hàng Trung ương Canada cũng đã thông báo tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (bqs), thấp hơn so với mức 75 điểm cơ bản mà thị trường kỳ vọng. Trước đó, ngân hàng trung ương này từng nâng lãi suất 100 bqs trong tháng 7 và 75 bps vào hồi tháng 9.
Một số dự báo cho rằng Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ nâng lãi suất thêm 75bps trong cuộc họp tháng 11, đồng thời thêm 50 bps vào tháng 12. Kể từ tháng 3 đến nay, Fed đã tiến hành nâng lãi suất 5 lần, thêm tổng cộng 300 điểm cơ bản.
Theo một cuộc thăm dò của Reuters, tình trạng biến động trên thị trường trái phiếu chính phủ toàn cầu có thể sẽ tiếp tục kéo dài thêm 6 tháng nữa khi mà các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất để chống lại lạm phát.
Hơn 1 năm sau khi lạm phát trở thành nỗi lo và 6 tháng kể từ khi Fed bắt đầu chiến dịch nâng lãi suất, tốc độ tăng giá vẫn tiếp tục ở mức cao. Kể từ khi Fed hành động, thị trường trái phiếu đã chịu mức độ biến động lớn cùng các đợt bán tháo sâu khiến cho nhiều nhà đầu tư bất an.