Chứng khoán Mỹ tăng phiên thứ 3 liên tiếp khi lợi suất hạ nhiệt, Dow Jones có thêm hơn 300 điểm
BÀI LIÊN QUAN
Chứng khoán Mỹ tăng điểm tích cực phiên đầu tuần, nhà đầu tư đợi kết quả kinh doanh Big TechChứng khoán Mỹ giảm phiên thứ hai liên tiếp giữa những bất ổn trên thị trường trái phiếuChứng khoán Mỹ giảm điểm trước bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọtTheo Doanh nghiệp và Kinh doanh, thị trường chứng khoán Mỹ ngày 25/10 tăng phiên thứ 3 liên tiếp khi nhà đầu tư đánh giá việc lợi suất trái phiếu đi xuống và các dữ liệu mới về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ.
Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 337 điểm, tương đương 1,07%, qua đó kết phiên ở gần 31.837 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite tăng tương ứng là 1,63% và 2,25%.
Trong phiên giao dịch cuối tuần trước và đầu tuần này, thị trường chứng khoán Mỹ đều đi lên rõ rệt. Hôm 21/10, Dow Jones vọt lên gần 750 điểm. Hôm thứ 2 (24/10) chỉ số Dow Jones và S&P 500 cùng tăng hơn 1%.
CNBC cho rằng, việc lợi suất hạ nhiệt đã hỗ trợ đà tăng của thị trường trong phiên gần đây. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã giảm khoảng 15 điểm cơ bản (bps) xuống còn 4,1%, lợi suất kỳ hạn 2 năm cũng giảm 3 bps xuống còn 4,47%.
Theo ông Cliff Hodge, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản Cornerstone Wealth, những biến động của lợi suất cũng như chỉ số chứng khoán là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang kỳ vọng ngày càng lớn vào việc Fed sẽ không thắt chặt quá mức.
Vị Giám đốc Cornerstone Wealth cho biết các dữ liệu kinh tế công bố ngày 25/10 vừa qua đã giúp các nhà đầu tư thêm hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thay đổi nhịp độ nâng lãi suất trong cuộc chiến chống lạm phát.
Sáng ngày 25/20, chỉ số S&P CoreLogic Case-Shiller 20-City House Price thông báo cho thấy giá nhà tháng 8 tại 20 thành phố lớn nhất của Mỹ cao hơn 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đã giảm 1,3% so với tháng liền trước.
Bên cạnh đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI) cũng giảm, qua đó cho thấy người dân đang có cái nhìn bi quan về triển vọng nền kinh tế.
CNBC dẫn lời Giám đốc chiến lược đầu tư đa tài sản tại Voya Investment Management, ông Paul Zemsky, nhận định về biến động của lạm phát và lợi suất trái phiếu là một "chiếc cầu vồng sau cơn bão lớn". Có thể thấy nền kinh tế đang chậm lại tới mức đủ để không phải lo về nguy cơ Fed tăng lãi suất lên trên mức được phản ánh vào giá chứng khoán.
“Tôi nghĩ chúng ta cuối cùng đã đạt đến điểm mà các thị trường đã phản ánh đúng mức độ thắt chặt của Fed. Sự bất định trên thị trường giảm bớt và giá có thể bắt đầu đi lên”, ông Zemsky cho biết thêm.
Hầu hết các nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều tăng trong phiên giao dịch ngày 25/10, trong đó dẫn đầu là nhóm bất động sản và vật liệu. Cổ phiếu năng lượng là nhóm duy nhất giảm nhẹ.
Sau khi số liệu niềm tin của người tiêu dùng sa sút được công bố, các chuyên gia đã nhận định rằng Fed vẫn sẽ tăng lãi suất thêm 75 bps trong cuộc họp tháng 11, tuy nhiên quyết định trong cuộc họp tháng 12 đang gây ra nhiều tranh luận.
Ông Jeffrey Roach, Kinh tế trưởng của LPL Financial cho rằng, nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % vào tháng 11 để hạ bớt áp lực lạm phát, tuy nhiên tốc độ nâng lãi suất trong tháng 12 vẫn còn tiềm ẩn nhiều điều bất ngờ. Lý do bởi nhu cầu tiêu dùng cao sẽ duy trì áp lực tăng giá.
Vị chuyên gia cho biết thêm, rủi ro lớn nhất là không ai biết tác động của các chính sách thắt chặt tiền tệ liên tiếp của Fed có độ trễ trong bao lâu, nền kinh tế có thể không cảm nhận được hoàn toàn các tác động cho đến năm sau khi nguy cơ suy thoái ở mức rất cao.
Những kết quả kinh doanh quan trọng
Bên cạnh đó, ngày 25/10, nhà đầu tư cũng tập trung phân tích nhiều báo cáo kết quả kinh doanh quý III.
Theo đó, cổ phiếu General Motors và Coca-Cola lần lượt tăng 3,6% và 2,4% sau khi hau tập đoàn này thông báo lợi nhuận cao hơn dự báo. Trong khi đó, Xerox lao dốc 14% sau khi công ty chuyên sản xuất máy in và máy photocopy này công bố lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) bằng chưa đầy một nửa so với kỳ vọng của giới phân tích.
Tính đến sáng ngày 25/10, số liệu của FactSet cho thấy trong số các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý III, có khoảng 71% ghi nhận lợi nhuận EPS vượt kỳ vọng. Sau khi thị trường đóng cửa, hai đại gia công nghệ là Microsoft và Alphabet công bố báo cáo tài chính.
Theo đó, Microsoft cho biết EPS đạt 2,35 USD và doanh thu là 50,12 tỷ USD trong quý vừa qua, cao hơn so với các con số 2,3 USD và 49,61 tỷ USD mà giới phân tích dự báo.
Microsoft ước tính doanh thu quý tới sẽ đạt từ 52,35 – 53,35 tỷ USD, thấp hơn đáng kể so với con số 56,05 tỷ USD mà các nhà phân tích của Refinitiv kỳ vọng. Giá cổ phiếu Microsoft đã giảm gần 7% trong phiên giao dịch mở rộng.
Alphabet (công ty mẹ của Google) cũng đã công bố EPS đạt 1,06 USD so với mức dự báo 1,25 USD, doanh thu đạt 69,09 tỷ USD trong khi kỳ vọng là 70,58 tỷ USD. bên cạnh đó, giá cổ phiếu Alphabet cũng sụt gần 7%.
Ông Robert Ford, CEO Abbott nhận định hôm 19/10 rằng: “Lạm phát vẫn đang là một thế lực ngoan cố trên toàn cầu. Tuy nhiên một số tác động từ lạm phát đến các lĩnh vực cụ thể của công ty chúng tôi đã bắt đầu suy giảm so với đầu năm”. EPS của Abbott trong quý III/2022 cao hơn gần 23% so với kỳ vọng.
Công ty sản xuất Dover đánh giá lạm phát đã đi xuống so với 1 năm rưỡi trước. Đặc biệt, chi phí liên quan đến nguyên liệu thô và logistics đã giảm bớt. Một số chuyên gia kinh tế cũng đưa ra quan điểm tương tự rằng các thước đo lạm phát "mềm" đang giảm nhanh hơn những chỉ báo có độ trễ mà Fed đang chú ý như CPI.