Chứng khoán Mỹ tăng điểm tích cực phiên đầu tuần, nhà đầu tư đợi kết quả kinh doanh Big Tech
BÀI LIÊN QUAN
Chứng khoán Mỹ giảm điểm trước bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọtDow Jones bật tăng 338 điểm, chứng khoán Mỹ tiếp đà khởi sắc trong mùa kết quả kinh doanhChứng khoán Mỹ đồng loạt hồi phục, Bitcoin sẵn sàng bứt pháTheo Doanh nghiệp & Kinh doanh, thị trường chứng khoán Mỹ ngày 24/10 tiếp tục đi lên sau khi có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 6. Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 417 điểm, tương đương 1,34%, qua đó kết phiên ở xấp xỉ 31.500 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,19% lên 3.797 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite thêm 0,86% và dừng ở gần 10.953 điểm.
CNBC cho biết, các nhà đầu tư Mỹ sẽ chú ý theo dõi số liệu lợi nhuận quý III của các tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech) trong tuần này. Được biết, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Microsoft sẽ công bố vào thứ Ba (25/10). Apple và Amazon sẽ thông báo vào thứ Năm (27/10).
Theo nhận định của ông Terry Sandven, Giám đốc Chiến lược cổ phiếu tại công ty quản lý tài sản U.S. Bank, thị trường sẽ tập trung vào số liệu lợi nhuận, đồng thời ông đưa ra quan điểm lợi nhuận sắp tới sẽ ngang bằng hoặc thấp hơn với kỳ vọng.
Theo ông Sandven, số liệu lạm phát và lãi suất đều đang gây ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, những nhà đầu tư hiện nay đặc biệt chú ý vào tình hình lợi nhuận quý III cũng như dự báo kết quả kinh doanh các quý sau.
Ngày 24/10, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ đã đi lên sau khi giảm sút trong phiên cuối tuần trước. Hiện tại, lợi suất kỳ hạn 2 năm đang dừng ở mức 4,5089% còn kỳ hạn 10 năm ở mức 4,247%. Từ đầu năm 2022 đến nay, lợi suất đã gây ra áp lực lên thị trường cổ phiếu, đặc biệt là nhóm nhạy cảm với lãi suất như cổ phiếu công nghệ.
Hầu hết các nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều đi lên trong phiên vừa qua, trong đó dẫn đầu là nhóm y tế và tiêu dùng thiết yếu. Cổ phiếu công nghệ và tài chính cũng tăng mạnh hơn thị trường chung.
Thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần trước (17-21/10) đã biến động mạnh rồi ghi nhận khởi sắc nhất kể từ tháng 6. Theo đó, Dow Jones tăng 4,9%, S&P 500 và Nasdaq Composite thêm tương ứng 4,7% và 5,2% trong tuần qua. Đa phần đà tăng đều đến từ phiên cuối tuần khi Dow Jones vọt lên gần 750 điểm, S&P 500 và Nasdaq cũng tăng khoảng 2,3%.
Các nhà đầu tư phản ứng với kết quả kinh doanh của nhiều tập đoàn lớn cũng như thông tin từ Wall Street Journal cho thấy một số quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tỏ ra lo ngại về việc chiến dịch tăng lãi suất đang đi quá xa. Kể từ đầu năm 2022 đến nay, Fed đã tăng lãi suất thêm tổng cộng 300 điểm cơ bản trong 5 cuộc họp liên tiếp.
Thị trường chứng khoán châu Âu trong phiên ngày 24/10 cũng khởi sắc tương tự thị trường chứng khoán Mỹ.
Còn tại châu Á, các thị trường phân hóa khi chỉ số VN-Index của Việt Nam, Shanghai Composite của Trung Quốc đại lục và Hang Seng của Hong Kong đều lao dốc, trong khi đó thị trường Hà Quốc và Nhật Bản đóng cửa phiên đầu tuần trong sắc xanh.
Cổ phiếu của các "ông lớn" công nghệ như Alibaba và JD.com niêm yết tại Hong Kong cắm đầu lần lượt giảm 11,4% và 13,2%. Chỉ số phụ của ngành công nghệ là Hang Seng Tech Index đã lao dốc hơn 9% trong phiên 24/10.
Ông Tai Hui, Giám đốc Chiến lược Thị trường khu vực châu Á tại JPMorgan Asset Management đánh giá thị trường chứng khoán Hong Kong gần đây đã chịu tác động của hàng loạt yếu tố, bao gồm cả đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.
Cổ phiếu của Alibaba giao dịch tại Mỹ có thời điểm sụt hơn 19%, sau đó kết phiên mấy 12,5%. Diễn biến tương tự, Tencent Music Entertainment cũng có lúc giảm sâu 18%, sau đó đóng cửa ở mức giảm 5%. Một cổ phiếu công nghệ khác của Trung Quốc trên thị trường Mỹ là Pinduoduo có lúc đã cắm đầu 34% rồi kết phiên đầu tuần với mức giảm 24,6%.
Hôm 23/10, sau khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 kết thúc, ông Tập Cận Bình được bầu giữ chức vụ Tổng Bí thư lần thứ 3 liên tiếp. Giới đầu tư lo ngại ông Tập sẽ tiếp tục thực thi các chính sách gây bất lợi cho ngành công nghệ nước này.
CNBC đưa tin, các nhà đầu tư có thể đã mong đợi các biện pháp chính sách được công bố trong Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhưng thực tế lại phải thất vọng. Theo đó, Đại hội Đảng lần này chủ yếu tập trung vào các thay đổi nhân sự cấp cao trong Bộ chính trị Trung Quốc.
Reuters cho biết, vào sáng 24/10 Bắc Kinh đã công bố hàng loạt số liệu mà lẽ ra phải được thông báo trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng trong tuần trước nhưng đã bị hoãn lại. Cụ thể, GDP quý III của Trung Quốc tăng trưởng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cải thiện đáng kể so với tốc độ 0,4% trong quý II cũng như dự báo 3,4% của các nhà kinh tế do Reuters khảo sát.
Nền kinh tế thứ 2 thế giới đạt được những thành tựu trên là nhờ nhu cầu xuất khẩu cao giúp các nhà máy có sản lượng tốt, vốn đầu tư tăng mạnh cũng như chi tiêu của chính phủ được thúc đẩy.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng công bố một số thông tin tiêu cực như xuất khẩu tháng 9 chỉ tăng trưởng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức 7,1% của tháng trước đó. Đối với nhập khẩu vẫn giữ nguyên mức tăng trưởng 0,3%. SCMP cho biết, tỷ lệ thất nghiệp tại đô thị của Trung Quốc đã tăng từ 5,3% trong tháng 8 lên 5,5% trong tháng 9. Mặc dù doanh số bán lẻ tháng 9 tăng 2,5%, nhưng kém so với mức 3,3% mà các nhà kinh tế kỳ vọng và thấp hơn mức 5,4% trong tháng 8. Bên cạnh đó, giá bất động sản tiếp tục đi xuống.
Theo Reuters nhận định, chứng khoán Trung Quốc bị bán tháo đã phản ánh tâm lý lo sợ của nhà đầu tư về khả năng chính phủ tiếp tục các chính sách cách ly hà khắc cũng như ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước hơn là cho tư nhân.