Chốt lời chứng khoán, nhà đầu tư Hà Nội chuyển sang bỏ vốn vào BĐS: Lãi chứng khoán sẽ như gió bay, nhưng lãi từ đất thì chắc chắn còn
BÀI LIÊN QUAN
Giữa lúc thị trường "giông bão", chuyên gia chứng khoán gợi ý những nhóm ngành đang được dòng tiền hướng tớiCó 1 tỷ đồng tiền mặt trong tay, chuyên gia khuyên gửi tiết kiệm hay "tất tay" vào chứng khoán?Nhờ tư duy liều lĩnh, cặp vợ chồng mua được 2 căn nhà ở Hà Nội chỉ với 20 triệu đồng tiền vốnLãi chứng khoán sẽ như gió bay, nhưng lãi từ đất thì chắc chắn còn
Với kinh nghiệm 8 năm "chơi" chứng khoán, chị Nguyễn Huyền (Nam Từ Liêm, Hà Nội) thừa nhận, mọi sóng gió trên thị trường chứng khoán chị đều cảm nhận với đủ mọi cung bậc. Có lúc chốt lời, lãi cao, cảm giác lâng lâng vì hạnh phúc. Nhưng cũng có lúc, giá cổ phiếu lao dốc, tổng giá trị tài sản âm, chị Huyền trăn trở, đau đầu nhiều ngày.
"Đầu tư chứng khoán cũng như trò chơi may rủi, lúc lời, lúc lãi. Ban đầu, cảm giác còn lên xuống vì sắc màu xanh, tím, đỏ… nhưng đến sau này tôi nhận ra rằng: Không đầu tư sẽ không giàu được. Nhưng cần phải có cách đầu tư mới thắng", chị Huyền chia sẻ.
Năm 2020, chị Huyền là một trong những người lãi đậm từ chứng khoán. Ban đầu, từ số vốn 300 triệu đồng, sau những pha "lướt sóng", mua bán giao dịch thành công, nhà đầu tư này đã nâng tổng giá trị tài sản lên tới con số 1,4 tỷ đồng.
Chốt lời từ chứng khoán, cuối năm 2020, chị Huyền rút 1,2 tỷ đồng để đầu tư vào lô đất vùng ven tại Thạch Thất. Đến tháng 10/2021, chị Huyền tiếp tục chốt lời lãi gấp đôi nhờ cơn sốt đất vùng ven bùng nổ.
Cũng trong thời điểm cuối năm 2021, số tiền 200 triệu đồng còn lại từ chứng khoán được nhà đầu tư này nhân lên gấp 3. Cụ thể, đầu năm 2022, chị Huyền quyết định dồn số lãi kiếm được từ chứng khoán cộng với số lãi từ bất động sản, chuyển sang bỏ vốn vào 3 lô đất tỉnh.
Theo chị Huyền, lãi từ chứng khoán sẽ như gió bay, hôm nay bạn thắng đậm nhưng có thể ngay ngày mai đã lỗ mạnh. Tuy nhiên, đầu tư vào đất thì tiền còn đó, tăng là tăng. Xuống tiền vào đất thường không xảy ra chuyện hôm giá lên, hôm giá xuống. Nhưng kiếm tiền từ chứng khoán có thể nhanh hơn và vốn bỏ ra ít hơn.
"Cứ có lời, tôi sẽ chuyển ngay vào đất và giữ mức vốn trong chứng khoán ở khoảng 200 triệu đồng, lưu động thêm vốn 200 triệu đồng. Nhiều người lãi đậm từ chứng khoán năm 2020, 2021 lại tiếp tục ham chơi tiếp, cuối cùng thành lỗ. Tôi may mắn bán sớm, đảo danh mục kịp thời, bỏ tiền vào đất nên vẫn còn giữ được tiền", chị Huyền chia sẻ.
Theo nhà đầu tư này, số tiền lãi từ bất động sản không thể nhanh chóng xác định bằng số tháng như có một điều chị chắc chắn là trong vòng 2-3 năm, đầu tư đất sẽ có lời. Chị Huyền cho hay, không riêng mình chị mà một số người bạn khác của chị cũng chuyển lãi chứng khoán sang đầu tư bất động sản.
"Năm 2021, bạn tôi thắng lớn khi chơi chứng khoán, kiếm hơn 1 tỷ. Cuối năm 2021, bạn tôi rút toàn bộ vốn để mua lô đất. Mảnh đất của bạn tôi hiện được khách trả tăng 50%", chị Huyền chia sẻ.
Quan điểm của nhà đầu tư này ở thời điểm hiện tại đó là không bỏ toàn bộ vốn vào chứng khoán. Không dồn tất cả trứng vào một giỏ, phân bổ danh mục đầu tư lớn, không đam mê quá nhiều và quan trọng đầu tư theo hướng nhìn dài hạn.
Được biết, tổng số vốn mà chị Huyền dùng để đầu tư chỉ dao động ở mức 200 triệu đồng. Nếu cổ phiếu xuống giá, chị xác định không bán, nhưng nếu có lời, chị sẽ rút phần chênh ra để đầu tư vào đất.
Năm 2022 kiếm tiền từ chứng khoán sẽ khó hơn
Năm 2021, thị trường chứng khoán đã chứng kiến nhiều dấu ấn nổi bật. Đó là sự bùng nổ của các nhà đầu tư cá nhân, dòng tiền đạt kỷ lục và những cú tăng điểm vượt mốc lịch sử. Nếu tính theo giá trị đồng USD, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng đến 37,3% vào năm ngoái.
Ông Michael Kokalari, kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital đánh giá năm 2022 dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng ít nhất 7% nhờ việc phục hồi tiêu dùng nội địa và khả năng trở lại nhanh của du lịch quốc tế.
Cùng góc nhìn, ông Nguyễn Anh Đức - Giám đốc khối phát triển khách hàng tổ chức Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, hậu dịch bệnh, tiêu dùng nội địa bắt đầu tăng đã hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh doanh của các doanh nghiệp. Đồng thời việc xuất khẩu vẫn duy trì tốt, các gói kích thích kinh tế, đầu tư công được tung ra cũng giúp thu nhập của doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề tăng trưởng như tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản, xây dựng, ngân hàng và chứng khoán.
Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam có khoảng 4 triệu tài khoản chứng khoán, chiếm 4,2% - 4,3% dân số. Trong đó, số nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 90% khối lượng giao dịch hàng ngày trên thị trường chứng khoán của Việt Nam. Trong khi đó, với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan hiện đang có 10% dân số tham gia thị trường hay Đài Loan có con số hơn 90%.
Điều này cho thấy tiềm năng về làn sóng nhà đầu tư cá nhân mở tài khoản sẽ còn tiếp tục gia tăng. Đồng nghĩa dòng tiền mới tiếp tục chảy vào thị trường. Ông Đức dự báo, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp và yếu tố dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân sẽ là động lực cho thị trường chứng khoán tiếp tục duy trì đà tăng trong năm 2022 này.
Các chuyên gia tới từ Công ty Chứng khoán KBSV cũng đánh giá xu hướng tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn tiếp tục duy trì trong năm nay với 2 yếu tố kỳ vọng chính là đại dịch Covid-19 dần suy giảm sau khi chương trình tiêm chủng vaccine được triển khai hiệu quả và gói kích thích từ Chính phủ. Cùng với đó, đà tăng của thị trường còn được hỗ trợ bởi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao của nhóm doanh nghiệp niêm yết trong năm qua.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng lưu ý khác với năm trước, năm nay các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán sẽ khó kiếm tiền dễ như năm 2021, bởi thị trường đang trong giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng. Mặt khác, khi nền kinh tế quay lại tăng trưởng thì chính sách tiền tệ sẽ thắt chặt hơn, không còn nhiều dòng tiền rẻ như trước nữa. Khi đó thị trường chứng khoán sẽ phân hóa mạnh và không phải cổ phiếu nào cũng tăng giá như năm 2021.