Chính sách rút BHXH một lần liên tục thay đổi sẽ khiến người lao động không an tâm
BÀI LIÊN QUAN
Đề xuất quy định từ năm 2025 người đóng BHXH không được rút một lầnĐóng trùng BHXH lao động có được hưởng lương hưu?Người lao động lợi đủ đường khi đóng BHXH 15 năm là được hưởng lương hưu?Trong tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của Chính phủ gửi Quốc hội vào tháng 10/2023, ban soạn thảo đã đưa ra 2 phương án giải quyết BHXH một lần. Phương án 1 là người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, Bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần.
Phương án thứ 2 là người lao động chỉ được giải quyết không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất và phần còn lại được bảo lưu để tiếp tục tham gia, hưởng các chế độ BHXH.
Và góp ý thứ 2 phương án rút BHXH một lần, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-CN TP. Hồ Chí Minh - ông Lâm Ngọc Mẫn cho biết, khảo sát sơ bộ của Công đoàn các KCX-CN TP. Hồ Chí Minh cho thấy, đa số người lao động muốn được tự quyết định về khoản đóng BHXH của mình. Ông Mẫn cho biết: “Hiện nay, nguyện vọng của người lao động vẫn muốn được rút BHXH một lần như quy định luật BHXH hiện nay. Chính vì thế, phương án 1 là khả thi và đáp ứng được nguyện vọng của đa số người lao động”.
Cũng theo ông Mẫn, phương án 2 của dự thảo luật BHXH (sửa đổi) chỉ cho phép người lao động rút BHXH một lần cho 50% thời gian đóng BHXH sẽ không khả thi. Bởi vì người lao động vì cần tiền trang trải cuộc sống nên mới đi rút tiền. Và nếu như họ chỉ rút được tối đa 50% thì khoản tiền nhận được sẽ không giải quyết được vấn đề. Hơn thế, tiền lương hưu dựa trên 50% thời gian đóng BHXH còn lại cũng sẽ thấp hơn cho nên hầu hết người lao động được hỏi ý kiến đều không tán thành với phương án 2.
Nguyên Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Vĩ Châu (quận 7, TP. Hồ Chí Minh) - ông Đinh Tuấn Kiệt cũng kỳ vọng Quốc hội sẽ bấm nút thông qua phương án 1. Ông Kiệt cũng cho rằng phương án 1 không chỉ đáp ứng được tâm tư và nguyện vọng của số đông người lao động mà còn có thể giải quyết được dứt điểm tình trạng rút BHXH 1 lần. Trong thời gian qua, dù dự thảo luật chỉ mới được mang ra thảo luận tuy nhiên đã có lượng lớn người lao động nghỉ việc để rút BHXH một lần, trong đó phần đông là lao động có tay nghề đã khiến cho không ít doanh nghiệp lao đao.
Còn đối với doanh nghiệp sản xuất, để đào tạo được một lao động làm được việc thì phải mất thời gian từ 3 - 6 tháng. Tuy nhiên việc sửa đổi luật đã khiến cho lao động lành nghề chọn nghỉ việc, chấp nhận đánh đổi với việc đang có thu nhập ổn định, thu nhập cao. Ông Kiệt đề nghị: “Sự thay đổi liên tục từ chính sách đã đẩy người lao động vào trạng thái hoang mang, không an tâm. Có nhiều người còn đặt câu hỏi 10 năm sau, liệu rằng có sự thay đổi nào khác hay không. Khi mà chưa tìm được câu trả lời, họ chọn phương án an toàn nhất đó chính là rút BHXH một lần. Chính vì thế, chính sách cần phải căn cơ, bền vững để cho người lao động an tâm, gắn bó lâu dài”.
Phó chủ tịch LĐLĐ quận 8, TP. Hồ Chí Minh - bà Đoàn Ngọc Diễm Lan cho biết, hiện nay trong nhận thức của người lao động vẫn còn cho rằng việc rút BHXH một lần là đương nhiên và đó chính là quyền lợi của họ. Để có thể thay đổi điều này thì cần một quá trình dài. Cũng theo bà Lan, phương án 1 có thể phù hợp với nguyện vọng của những người đang tham gia BHXH. Mặc dù vậy, chưa thể đánh giá được phản ứng của nhóm lao động tham gia sau khi Luật BHXH mới có hiệu lực. Chính vì thế, có thể cân nhắc phương án 2, nghĩa là được giải quyết một phần tuy nhiên tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH. Bà Lan nói rằng: “Dù lựa chọn phương án nào thì có thể những năm đầu người lao động vẫn sẽ quyết định rút BHXH một lần, tuy nhiên lâu dài thì họ sẽ dần thay đổi nhận thức. Song song với đó, chính sách tiền lương phải được cải cách để người lao động đủ sống, chế độ hưu trí cũng phải hấp dẫn hơn”.
Giảng viên Khoa Luật Trường ĐH Văn Lang - Ths Lê Hồ Trung Hiếu cho biết, góp ý ở phương án 1 cần xem xét tính bình đẳng, tính quân thủ, khả năng và chi phí quản lý trong việc phân nhóm đối tượng trước và sau khi có hiệu lực. Đối với phương án 2 thì nên làm rõ việc người lao động có được hưởng tiếp bảo hiểm xã hội một lần sau khi đã rút 50% trước đó hay là không. Cũng theo ông Hiếu, ngoài 2 phương án dự thảo đề xuất, để có thể hạn chế việc rút BHXH một lần có thể xem xét việc thực hiện các giải pháp bổ sung như cho phép người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH thế chấp sổ BHXH hay vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội để có thể giải quyết khó khăn trước mắt. Khi mà người lao động khắc phục được khó khăn có thể trả khoản vay, tiếp tục tham gia BHXH; Duy trì thực hiện các chế độ BHXH (ốm đau, thai sản, tai nạn...), cấp thẻ BHYT miễn phí trong thời gian người lao động bảo lưu quá trình tham gia BHXH để chờ hưởng chế độ hưu trí.