Châu Âu nỗ lực đẩy nhanh tiến độ kế hoạch áp trần dầu Nga
Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố lệnh động viên vào hôm 21/9, nỗ lực đạt được thỏa thuận trên càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Điều đó đã khiến mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine ngày càng căng thẳng hơn. Trích dẫn một nguồn tin thân cận, tờ Bloomberg cho biết gói trừng phạt do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất có thể bao gồm cả việc áp trần giá. Như vậy, mục tiêu của Liên minh châu Âu trong việc kiềm chế giá dầu thô tăng cao và giảm nguồn thu của Nga có thể sẽ được giải quyết thông qua kế hoạch áp trần giá này.
Chi tiết thảo luận về kế hoạch áp trần giá vẫn cần được bàn bạc thêm. Hiện tại, kế hoạch trần giá vẫn chưa có thông tin chi tiết về cách thức thực hiện như thế nào cùng với lệnh cấm vận đối với nhập khẩu dầu Nga của Liên minh châu Âu, bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm nay. Do vậy, trần giá phải được áp dụng trước ngày 5.12 tới.
Cuối tuần này, đại diện các quốc gia sẽ tham gia cuộc họp với EC để bàn về những lệnh trừng phạt mới. Bên cạnh trần giá, các biện pháp sẽ được thảo luận là những lệnh hạn chế mới với các lĩnh vực như hàng xa xỉ, công nghệ và các cá nhân khác.
Theo nguồn tin của Bloomberg, đại diện của các nước thành viên EU đề ra mục tiêu đạt thỏa thuận sơ bộ về trần giá trước ngày 6/10 - thời điểm các lãnh đạo EU có cuộc họp chính thức tại Prague.
Thế nhưng, kế hoạch trên đang đối mặt với nhiều rủi ro. Tất cả các thành viên của Liên minh châu Âu cần thông qua lệnh trừng phạt. Mặt khác, mỗi quốc gia đều có nhu cầu khác nhau về năng lượng. Việc nhất trí đòi hỏi các quốc gia thành viên phải đặt lợi ích quốc gia sang một bên. Điều này nhằm góp phần bảo toàn sự thống nhất của EU.
Hungary là một trong những điểm tắc nghẽn lớn nhất hiện nay. Đến thời điểm hiện tại, Thủ tướng nước này vẫn chỉ trích những biện pháp trừng phạt có liên quan đến năng lượng nhằm vào Nga của khối EU. Hungary trước đó, cụ thể là hồi tháng 6, cũng chỉ ký lệnh trừng phạt dầu Nga của Liên minh châu Âu EU sau khi có điều khoản ngoại lệ rằng họ có thể tiếp cận dầu được vận chuyển thông qua đường ống.
Theo nhận định của các nhà phân tích, kế hoạch áp trần giá dầu Nga của EU hiện chưa rõ có đem lại hiệu quả hay không nếu những khách hàng nhập khẩu dầu lớn nhất của Nga là Ấn Độ hay Trung Quốc không tham gia vào kế hoạch áp trần này. Trong khi đó, Mỹ lại đưa ra khẳng định rằng dù nhiều quốc gia không đồng ý tham gia vào kế hoạch thì sáng kiến này vẫn có tác dụng bình thường vì có thể khiến cuộc đàm phán giá của Nga giảm bớt lợi thế.