Cần Thơ “kéo” thành công VSIP về đầu tư nhờ quy hoạch tốt
BÀI LIÊN QUAN
Vì sao giao dịch nhà đất tại Cần Thơ những ngày qua lại trầm lắng?Khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng trước tháng 6/2023TP. Cần Thơ: Xu hướng sống trong chung cư của người trẻQuy hoạch là cốt lõi phát triển
Theo baocantho.com.vn, Bí thư thành ủy Cần Thơ, ông Lê Quang Mạnh cho biết, các Nghị quyết của Bộ Chính trị và của Chính Phủ về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đã đề ra nhiều mục tiêu cho thành phố. Trong đó, các Nghị quyết nhấn mạnh tới việc xây dựng Cần Thơ trở thành thành phố văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sinh thái của vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long.
Cần Thơ cũng được định hướng là trung tâm của dịch vụ du lịch, thương mại, bất động sản sinh thái, công nghiệp chế biến và logistics. Về nông nghiệp, thành phố sẽ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… phấn đấu trở thành đô thị hạt nhân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thành phố phấn đấu tăng trưởng bình quân 5 năm 2021 đến 2015 đạt từ 7,5-8%/năm; vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10-12,5%/năm; Về thu ngân sách hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu được giao; tốc độ đổi mới công nghệ máy móc, thiết bị đạt 12-13%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân hằng năm từ 11-15%; có 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tỉ lệ dân số được cung cấp nước sạch đạt 97%, trong đó đô thị đạt 100%, nông thôn đạt 94%; tỉ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn ở đô thị đạt 100%; tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 95%; tỉ lệ hộ nghèo ở mức dưới 0,5%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 80 - 85%; tỉ lệ đô thị hóa đạt 76%.
Thành phố cũng đặt mục tiêu phấn đấu mức tăng GRDP trong 5 năm 2026-2030 đạt 7-7,5%/ năm; vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9-11,5%/năm; phấn đấu tổng thu ngân sách hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu dự toán Trung ương giao; tốc độ đổi mới công nghệ máy móc, thiết bị đạt trên 15%/năm; 100% số hộ được cung cấp đầy đủ nước sạch; hầu hết chất thải rắn được thu gom và xử lý; tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 100%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 85-90%; về cơ bản không còn hộ nghèo; tỷ lệ đô thị hóa đạt 80%.
Được biết, TP Cần Thơ cũng đã được Quốc hội trao một số cơ chế đặc thù để phát triển trung tâm liên kết, sản xuất và tiêu thị các sản phẩm nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, Về quản lý đất đai, HĐND thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha, theo ủy quyền của Thủ tướng; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa tại Cần Thơ do Thủ tướng quy định.
Để thực hiện đạt yêu cầu nhiệm vụ trên, địa phương đã đưa vào quy hoạch và bắt tay thực hiện nhiều công trình, dự án lớn.
Riêng với việc phát triển khu công nghiệp, Cần Thơ đã quy hoạch, xây dựng hạ tầng một số khu công nghiệp bề thế, có thể kể đến như: Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh quy mô 900ha; khu công nghiệp Ô Môn quy mô 500ha.
Chính việc chủ động trong quy hoạch và xây dựng, kinh doanh hạ tầng của Cần Thơ là một trong những nhân tố quan trọng để VSIP Group trở thành chủ đầu tư khu công nghiệp Vĩnh Thạnh. Thậm chí nhà đầu tư này còn đề nghị được tăng diện tích lên 1.600 ha. Điều này là minh chứng cho hành động nhanh chóng, đúng đắn của thành phố, tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Mạnh, Cần Thơ chỉ đồng ý cho VSIP Group thực hiện giai đoạn 1 với hơn 293 ha.
Với việc được giao thực hiện hơn 293 ha giai đoạn 1 của khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, VSIP Group đã cam kết kể tư khi bắt đầu làm hạ tầng sẽ thu hút đầu tư, lấp đầy 50% diện tích sau 12 tháng. Đây là thước đo để Cần Thơ tiếp tục quy hoạch mở rộng dự án cho các giai đoạn sau.
Còn theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân thành phố, địa phương đã xác định VSIP là nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện nhiều khu công nghiệp trên khắp cả nước. Do đó, khu công nghiệp VSIP Cần Thơ được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả thu hút đầu tư, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài chất lượng.
Cam kết hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cho biết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, triển khai chủ trương, chính sách đền bù tới các cá nhân, gia đình và tổ chức bị ảnh hưởng. Đồng thời, hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục báo cáo đánh giá tác động môi trường; hỗ trợ trong công tác trình cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 KCN Vĩnh Thạnh giai đoạn 1 trong quý IV/2022; thẩm định thiết kế cơ sở và cấp phép xây dựng cho nhà đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng KCN trong quý I/2023.
“Địa lợi” mang tới sức hấp dẫn nhà đầu tư
Theo Quyết định của Thủ tướng, dự án khu công nghiệp Vĩnh Thạnh giai đoạn 1 có tổng quy mô sử dụng đất là 293,7ha do Tổng Công ty đầu tư và phát triển công nghiệp - CTCP, Công ty liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore và Công ty cổ phần Phát triển đô thị và KCN Việt Nam – Singapore làm chủ đầu tư. VSIP Group là thương hiệu được phát triển bởi liên doanh giữa Tập đoàn Sembcorp (Singapore) và Tổng Công ty Becamex IDC (Việt Nam).
Bắt đầu từ năm 1996 với dự án VSIP 1 tại tỉnh Bình Dương (diện tích 500ha), đến nay VSIP Group đã có 11 dự án trên khắp cả nước với tổng diện tích đất hơn 11.000 ha. Tập đoàn này cũng đã thu hút hơn 1 tỷ USD vốn đầu tư từ gần 900 khách hàng ở hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tại khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 3.700 tỷ đồng (tương đương 156 triệu USD). Trong đó, nhà đầu tư góp 557 tỷ đồng (tương ứng 24 triệu USD), số còn lại là vốn huy động. Diện tích đất dùng để xây dựng hạ tầng là 291,2ha, 2,5ha còn lại được sử dụng làm hành lang an toàn lưới điện 220Kv. Dự án có thời gian hoạt động là 50 năm (đến năm 2072). Cũng theo quyết định, dự án được hoàn thành trong vòng 36 tháng kể từ ngày được bàn giao đất. Các chính sách ưu đãi và hỗ trợ được áp dụng theo quy định hiện hành.
Về địa lý, dự án nằm ở phía Tây Bắc thành phố Cần Thơ, giáp quận Thốt Nốt và huyện Cờ Đỏ ở phía Đông, giáp tỉnh An Giang ở phía Tây và giáp tỉnh Kiên Giang ở phía Nam. Mặc dù là huyện cách xa trung tâm thành phố Cần Thơ nhất nhưng Vĩnh Thạnh lại nắm giữ “địa lợi” khi nằm trong khu vực trung tâm của cung cấp nguyên liệu. Đó là, cách Kiên Giang 50km, đây là địa phương có sản lượng lúa và hải sản lớn nhất cả nước; cách An Giang và Đồng Tháp cũng là hai địa phương có sản lượng lúa, cá tra lớn chỉ 30km.
Giao thông từ huyện Vĩnh Thạnh cũng vô cùng thuận lợi với cao tốc Lộ Tẻ-Rạch Sỏi chạy qua, từ đó kết nối với TP Hồ Chí Minh thuận lợi qua tuyến quốc lộ 1, quốc lộ N1 – Rạch Sỏi – Cao Lãnh. Khi tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng hoàn thành thì việc vận chuyển hàng hóa từ Vĩnh Thạnh đi các địa phương trong vùng sẽ càng thuận tiện hơn.
Tân cảng Thốt Nốt, Cảng Mỹ Thới cũng nằm cách Vĩnh Thạnh chỉ 30km đường thủy. Do đó, có thể nói, khu công nghiệp VSIP đặt tại Vĩnh Thạnh đã có được những yếu tố địa lý, giao thông thủy – bộ rất thuận lợi. Điều này đã hấp dẫn VSIP Group “rót” tiền vào đây, trở thành khu công nghiệp VSIP đầu tiên tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Kelvin Teo, Giám đốc Điều hành Sembcorp Development cho biết, có 3 lý do chính mà VSIP chọn Cần Thơ là điểm đến. Thứ nhất, theo quy hoạch của Chính phủ Việt Nam, thành phố Cần Thơ sẽ là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên các lĩnh vực như logistics; thứ hai khu vực phát triển khu công nghiệp VSIP Vĩnh Thạnh nằm ở trung tâm vùng nguyên liệu nông, thủy, hải sản lớn của vùng và cả nước; thứ ba là quỹ đất dồi dào, kết nối giao thông thuận tiện đường bộ, đường thủy và cả đường hàng không.
Do đó, trong tương lai với sự đồng hành của chính quyền Cần Thơ, sự cam kết mạnh mẽ và quyết tâm của chủ đầu tư, khu công nghiệp VSIP Vĩnh Thạnh được kỳ vọng sẽ trở thành động lực phát triển của thành phố Cần Thơ nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tạo đà cho các tỉnh, thành khác thu hút đầu tư vào đây, đặc biệt là các dự án FDI chất lượng cao.