Căn hộ dưới 25 triệu đồng/m2 gần như “tuyệt chủng” tại hai thành phố đông dân nhất cả nước
BÀI LIÊN QUAN
Bài toán nhà ở cần được ưu tiên hàng đầuHà Nội: Nguồn cung nhà ở ngày càng khan hiếmThu nhập người dân không "đuổi kịp" đà tăng giá nhà ởKhông còn căn hộ bình dân tại đô thị lớn
Theo toquoc.vn, từ thông tin của Bộ Xây dựng cho thấy số lượng nhà ở thương mại hoàn thành trong quý II năm nay là 24 dự án, cung cấp cho thị trường 5.608 căn hộ. Số lượng dự án này bằng khoảng 109% so với quý I/2022 và bằng khoảng 70,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Số lượng nhà ở thương mại đang triển khai xây dựng là 1.091 dự án với 327.125 căn, số lượng dự án bằng khoảng 89,7% so với quý I/2022 và bằng khoảng 97,5% so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng nhà ở thương mại được cấp phép mới trong quý II chỉ là là 29 dự án với 6.753 căn
Bộ Xây dựng cho biết: "Nguồn cung về nhà ở thương mại trong Quý II/2022 vẫn chưa được cải thiện, đặc biệt là số lượng dự án được cấp phép mới chỉ bằng khoảng 42% so với cùng kỳ năm 2021".
Trong quý II năm nay, cả nước chỉ có 3 dự án nhà ở thu nhập thấp hoàn thành tại Kon Tum và Ninh Thuận, cung cấp cho thị trường 1.134 căn hộ. Cũng trong quý này, có 4 dự án nhà ở thu nhập thấp được cấp phép mới tại Thái Nguyên, Quảng Ninh, Phú Thọ và Hà Nam, dự kiến sẽ cung cấp cho thị trường 2.652 căn hộ.
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, căn hộ bình dân có mức giá dao động từ 25 triệu đồng/m2 - 30 triệu đồng/m2 tại khu vực trung tâm của các đô thị lớn hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2.
Với mức giá căn hộ dưới 25 triệu đồng/m2 chỉ xuất hiện tại một số ít các dự án nằm ở khu vực xa trung tâm. Như tại Hà Nội, huyện Đan Phượng có dự án giá 29 triệu đồng/m2, quận Hà Đông có dự án giá khoảng 27 triệu đồng/m2, huyện Hoài Đức có dự án giá 26 triệu đồng/m2.
Tại Đà Nẵng, quận Ngũ Hành Sơn có dự án giá khoảng 25,7 triệu đồng/m2. Tại TP Hồ Chí Minh, quận 8 có dự án giá khoảng 27 triệu đồng/m2, quận 9 có dự án giá khoảng 25 triệu đồng/m2.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay sản phẩm chủ đạo trên thị trường vẫn là các căn hộ phân khúc trung cấp có mức giá khoảng 30 triệu đồng/m2 đến dưới 50 triệu đồng/m2.
Tại Hà Nội, dự án Vinhomes Smart City (quận Nam Từ Liêm) có giá khoảng 36 triệu đồng/m2, dự án Keangnam (quận Nam Từ Liêm) có giá khoảng 45 triệu đồng/m2, dự án Melody Residences (quận Hoàng mai) có giá khoảng 45 triệu đồng/m2.
Tại Đà Nẵng, dự án The Sang Residence (quận Ngũ Hành Sơn) có giá khoảng 46 triệu đồng/m2,…
Tại TP Hồ Chí Minh, dự án Sunrise City (quận 7) có giá khoảng 40 triệu đồng/m2, CityLand Park Hills (quận Gò Vấp) có giá khoảng 49 triệu đồng/m2.
Đối với phân khúc căn hộ cao cấp, có mức giá trên 50 triệu đồng/m2, thị trường ghi nhận một số dự án có vị trí đặc biệt, tại trung tâm TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có mức giá quảng cáo, chào bán rất cao.
Tại Hà Nội, dự án Heritage West Lake (quận Tây Hồ) có giá khoảng 75 triệu đồng/m2, dự án T-Place (quận Hoàn Kiếm) có giá khoảng 325 triệu đồng/m2.
Tại Đà Nẵng, dự án M Landmark Residence (quận Hải Châu) có giá khoảng 120 triệu đồng/m2.
Tại TP Hồ Chí Minh, dự án Vinhomes Golden River Ba Son (quận 1) có giá khoảng 170 triệu đồng/m2, Dự án Grand Marina Saigon (quận 1) có giá khoảng 300 triệu đồng/m2.
Hết quý II/2022, Bộ Xây dựng nhận định giá căn hộ chung cư vẫn tăng cao so với thời điểm cuối năm 2021. Mức độ tăng giá các phân khúc tập trung trong quý I/2022 chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng quý II/2022.
Trong quý II năm nay, không chỉ ghi nhận xu hướng đứng giá của các căn hộ chung cư, thị trường còn ghi nhận giá nhà ở riêng lẻ, đất nền cho xây dựng nhà ở tại các dự án cũng đang chững lại. Tình trạng này xuất hiện ở hầu hết các địa phương khi các hoạt động đầu tư, kinh doanh, dịch vụ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác được phục hồi, bình thường trở lại.
Ở một số địa phương như Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, Vũng Tàu, Đắk Lắk… đã xuất hiện tình trạng các nhà đầu tư nhỏ lẻ tự mua gom đất ở, đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm. Lợi dụng các thông tin về quy hoạch, đầu tư hạ tầng để phân lô, tách thửa và chào bán tràn lan gây mất ổn định cho thị trường bất động sản.
Các địa phương đã phải đưa ra các biện pháp ngăn chặn như siết chặt, dừng việc phân lô bán nền đối với các giao dịch đất đai trên địa bàn.
Người lao động “ngóng” nhà giá rẻ
Có thể thấy, cơ cấu sản phẩm bất động sản tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh đang mất cân đối lớn, khi thừa căn hộ cao cấp, thiếu căn hộ bình dân.
Tại Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững được tổ chức vào ngày 14/7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng thừa nhận cơ cấu sản phẩm bất động sản còn bất hợp lý lớn.
“Phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa nhưng "thiếu gay gắt" nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Đối với nhà ở xã hội mới đạt 7,3 triệu m2/12,5 triệu m2 theo yêu cầu, mục tiêu của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia”, ông Nghị nói.
Cả nước đang tiếp tục triển khai 355 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, quy mô khoảng 377.000 căn, tổng diện tích khoảng 18,84 triệu m2. Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước chỉ hoàn thành 3 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 6.000 căn, với tổng diện tích khoảng 300.000 m2 sàn xây dựng.
Riêng dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp: đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 01 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 400 căn hộ, với tổng diện tích 21.500 m2.
Với mức giá bán bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở không ngừng “phi mã” như hiện nay thì ngay cả những dự án nhà ở xã hội cũng đang rời xa tầm tay của người lao động tại các đô thị.
Tại TP Hồ Chí Minh, hiện mỗi mét vuông nhà ở xã hội có giá 20-25 triệu đồng, tương đương 1-1,6 tỷ đồng/căn. Người mua được vay tối đa 900 triệu đồng và không quá 70% giá trị căn hộ, thời gian trả trong 15 năm.
Tuy nhiên, với mức thu nhập hiện nay của phần lớn người lao động tại các thành phố lớn nếu muốn mua nhà chỉ có thể để dành khoảng 20 - 25% thu nhập. Trong khi đó, giá cả sinh hoạt lại tăng từng ngày, khiến việc tích lũy mấy trăm triệu đồng để trả trước khoản mua nhà trả góp là bất khả thi.
Ngoài ra, để mua một căn hộ giá 1-1,6 tỷ đồng thì thời gian trả góp cần kéo dài hơn so với quy định là trong 15 năm. Cùng với đó là những rào cản về các quy định để có thể đáp ứng hồ sơ mua nhà.
Để giải quyết nhu cầu an cư của người lao động tại các đô thị lớn cần phải có những biện pháp như bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định. Đồng thời, thúc đẩy việc cải tạo lại chung cư cũ để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.