Cần đánh thức hàng ngàn căn hộ tái định cư đang “ngủ đông”
Nghịch lý: nhà ở xã hội thiếu, nhà tái định cư bỏ hoang
Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trên toàn quốc đến thời điểm này mới đạt 7,3 triệu/12,5 triệu m2 theo kế hoạch. Cụ thể, nhà ở cho công nhân có 54.000 căn hộ, 2,7 triệu m2. Nhà ở xã hội có 92.500 căn hộ, tương đương 4,6 triệu m2. Toàn quốc đang tiếp tục triển khai 339 dự án nhà ở xã hội nhưng tốc độ triển khai rất chậm.
Trong khi đó, tại các thành phố lớn lại tồn tại rất nhiều dự án nhà tái định cư bị bỏ hoang, chưa được sử dụng. Cụ thể, tại TP.HCM, hiện có hơn 9.000 căn hộ tái định cư và hơn 2.000 nền đất chưa sử dụng. Số lượng căn hộ tái định cư bỏ hoang nhiều nhất nằm ở khu tái định cư Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức), khu tái định cư Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh).
Hà Nội: Vì sao các khu nhà tái định cư bị “hắt hủi”, bỏ hoang?
Trong khi rất nhiều người dân có nhu cầu không có nhà ở thì không ít chung cư thuộc diện tái định cư tại Hà Nội lại bỏ hoang, không ai ở. Nhiều người cho rằng, các cơ quan chức năng nên linh hoạt cho đấu giá lại để chuyển đổi thành nhà ở xã hội, thương mại.Thủ tục mua nhà tái định cư mới nhất
Tại Hà Nội, tuy không có con số thống kê cụ thể về số căn hộ tái định cư bỏ hoang nhưng ước tính cũng phải có hàng ngàn căn hộ như thế. Có thể kể đến một số dự án như dự án nhà tái định cư N01-D17 tại ngã tư đường Duy Tân - Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy). Dự án này khởi công từ 10 năm trước xong hiện vẫn đang được bịt kín tôn, cỏ dại bủa vây xung quanh. Được biết, dự án gồm 4 tòa nhà, mỗi tòa 15 tầng.
Tiếp đó là dự án nhà tái định cư N3-N4-N5, khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên) với 3 tòa nhà gồm hơn 150 căn hộ bỏ hoang đã nhiều năm nay. Nhiều vị trí của công trình này đang có dấu hiệu xuống cấp. Phía trong công trình này, nhiều người dân đã tận dụng để trồng rau xanh sinh hoạt.
Hay như 3 tòa nhà nhà tái định cư ở đường Trần Phú (quận Hoàng Mai) cũng bị bỏ hoang lâu nay. Có thời điểm, khu vực này trở thành nơi chích hút của các đối tượng nghiện ma tuý, gây mất trật tự an ninh trên địa bàn. Cách đó không xa là 2 toà tái định cư trên đường Khuyến Lương và 1 toà hơn 10 tầng ở ngõ 156 đường Tam Trinh cũng để không nhiều năm nay.
Đề cập đến việc nhiều nhà tái định cư bỏ hoang, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, nhà nước có chủ trương xây quỹ nhà tái định cư để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của những người dân sinh sống trong các dự án thu hồi đất ở, nhà ở. Tuy nhiên, các dự án nhà tái định cư càng ngày càng bộ lộ nhiều bất hợp lý.
Thứ nhất, chất lượng của nhà tái định cư vẫn còn nhiều điều bỏ ngỏ, có sự chênh lệch lớn về chất lượng và cơ sở hạ tầng so với nhà thương mại khiến người dân không tin tưởng.
Thứ hai, việc tiến hành việc nghiên cứu, khảo sát nhu cầu thực tế của người dân trước khi xây dựng dự án tái định cư lại chưa được quan tâm, tiến hành khảo sát kỹ càng, sâu sát.
Hệ quả là, nhiều nhà tái định cư xây dựng xong bị bỏ hoang vì không phù hợp nhu cầu sử dụng của người dân, cơ sở hạ tầng kém, không có thang máy,chất lượng điện, nước, thang máy, phòng cháy chữa cháy không đảm bảo…, vị trí ở xa trung tâm và đặc biệt là các công trình nhà tái định cư xuống cấp rất nhanh.
Giải quyết bài toán thiếu nhà ở bình dân
Trước việc nhiều nhà tái định cư đang bị bỏ hoang gây lãng phí, trong khi nhà ở xã hội lại thiếu khiến người có thu nhập thấp không thể mua được nhà, nhiều ý kiến cho rằng, cần chuyển đổi nhà tái định cư sang làm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ để giải toả nhu cầu thiếu nhà ở của một bộ phận lớn người dân có thu nhập thấp đang cần nhà ở tại các thành phố.
Ông Tạ Khánh Quang, một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, thay vì thành phố phải "ôm" những căn hộ tái định cư này, thậm chí phải bỏ tiền tỉ ra duy tu, bảo dưỡng… thì có thể chuyển thành nhà ở xã hội, vừa đảm bảo mục tiêu phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố, vừa giúp người dân có nhà ở ổn định. Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường Công ty DKRA Việt Nam, cũng đồng quan điểm khi cho rằng, không nên cứ để một lượng lớn nhà tái định cư bỏ hoang lâu như vậy. Khi chuyển đổi nhà ở tái định cư thành nhà ở xã hội thì người dân có nhiều tiền có thể mua nhà ở quận 2 (TP.HCM), ít tiền hơn có thể mua ở Bình Chánh, quận 12… Cơ bản sẽ giải quyết được việc tránh lãng phí quỹ đất, quỹ nhà ở, mặt mỹ quan đô thị được cải thiện, người dân có cuộc sống yên ổn.
GS Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cũng cho rằng, đối với nhà tái định cư đang để không thì nên chuyển sang nhà ở xã hội vì nhà ở xã hội hiện đang rất thiếu. Ngoài ra, về lâu dài, chúng ta có thể ghép nhà tái định cư và nhà ở xã hội thành một khối, một phân khúc, để từ đó tính đến chuyện tiếp cận giá rẻ. Tuy nhiên, là căn hộ giá rẻ nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng công trình.
Tuy nhiên, luật sư Phạm Minh Ngọc, Đoàn luật sư TP.Hà Nội lại chỉ ra rằng, hiện giá bán nhà ở xã hội không bao gồm tiền sử dụng đất, trong khi quỹ nhà tái định cư được tạo lập lại có nhiều nguồn như: nguồn đầu tư bằng vốn ngân sách, nguồn mua lại dự án nhà ở thương mại của tư nhân và sử dụng nhà ở xã hội (của Nhà nước hoặc tư nhân) xây dựng... Do vậy, nếu chuyển nhà tái định cư sang nhà ở xã hội và bán không tính tiền sử dụng đất thì sẽ không đảm bảo nguồn ngân sách do thành phố đã bỏ ra trước đó. Vì thế, vị luật sư này cho rằng, nên đấu giá để có nguồn tiền đầu tư tiếp nhà tái định cư hoặc nhà ở xã hội thì sẽ phù hợp hơn.
Trước những ý kiến chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội, hiện Bộ Xây dựng đang yêu cầu các UBND các tỉnh, TP rà soát nhà ở tái định cư. Cụ thể, tổng hợp danh mục dự án nhà ở tái định cư cũng như việc sử dụng nhà ở tái định cơ; tổng hợp các dự án, số lượng nhà không có nhu cầu sử dụng và có nhu cầu chuyển đổi sang nhà ở xã hội, nhà ở thương mại hoặc mục đích khác. Tuy nhiên, phương thức chuyển đổi nhà ở tái định cư sang nhà ở xã hội thì vẫn đang được tiếp tục tính toán phương án khả thi.