meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Hà Nội: Vì sao các khu nhà tái định cư bị “hắt hủi”, bỏ hoang?

Thứ năm, 30/06/2022-05:06
Trong khi rất nhiều người dân có nhu cầu không có nhà ở thì không ít chung cư thuộc diện tái định cư tại Hà Nội lại bỏ hoang, không ai ở. Nhiều người cho rằng, các cơ quan chức năng nên linh hoạt cho đấu giá lại để chuyển đổi thành nhà ở xã hội, thương mại.

Lãng phí

Cần được hiểu, tái định cư là chính sách ổn định, bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định. Theo đó, Nhà nước bồi thường đất gọi là đất tái định cư hoặc nhà gọi là nhà tái định cư. Hiểu nôm na là khi xây dựng một tuyến đường mà cần phải giải phóng mặt bằng, lấy nhà đất của dân, Nhà nước sẽ tiến hành bồi thường và bố trí nhà cho người dân ở tái định cư, đảm bảo ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, trong khi rất nhiều người lao động thu nhập thấp đang “thèm khát” có một căn nhà để ở thì không ít khu tái định cư tại Hà Nội đang bị bỏ hoang, để mặc cho xuống cấp nghiêm trọng. Đây chính là sự lãng phí rất ghê gớm.

Đơn cử như Tòa TĐC N01 - D17 Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Tòa nhà này nằm trên “đất vàng” được thiết kế quy mô 15 tầng nổi, một tầng hầm. Tầng 1 và tầng 2 được thiết kế thương mại. 10 năm qua, dự án này đã bị bỏ hoang 10 năm nay. Được biết, chủ đầu tư dự án này là Ủy ban Nhân dân quận Cầu Giấy. Đại diện của chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án quận Cầu Giấy.




Chung cư tái định cư tại phố Tân Mai bỏ hoang nhiều năm.
Chung cư tái định cư tại phố Tân Mai bỏ hoang nhiều năm.

Trao đổi với phóng viên, chị Trần Thúy Quỳnh (một người dân sinh sống tại phố Duy Tân, Cầu Giấy) chia sẻ: “Nhìn dự án bỏ hoang cả thập kỷ mà xót ruột. Một dự án nằm trên con số sầm xuất, đông đúc như vậy mà không có người ở thì quả là rất lãng phí. Tôi cũng được biết, nhiều người dân đã kiến nghị UBND quận cho đấu giá, chuyển đổi thành làm sao để người dân được vào ở nhưng đến nay vẫn không ai trả lời. Trong khi đó thì tại khu vực này, rất nhiều người không có nhà ở phải đi thuê trọ, nhiều người khác thì phải sinh sống trong các khu nhà tập thể lụp xụp, ẩm thấp”.

Cùng cảnh ngộ, 3 tòa nhà chung cư tái định cư trên đường Tân Mai (quận Hoàng Mai) cũng bỏ hoang nhiều năm nay. Dự án này hoàn thành năm 2017, tức là khoảng 5 năm trước. 3 tòa chung cư này là dự án nhà ở tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng khu di dân Đền Lừ 3, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Sở dĩ dự án này chưa thể bàn giao vì một số hạng mục vẫn chưa được nghiệm thu.

Theo quan sát của phóng viên, do chưa đưa vào sử dụng nên 3 tòa chung cư này trở thành nơi đổ trộm rác của nhiều người dân. Lúc chúng tôi có mặt vào một buổi trưa trời nắng gắt, mùi xú uế từ những đống rác bốc lên khiến phóng viên cảm thấy khó thở.

“Vì không có ai ở nên nơi này bị biến thành nơi đổ trộm rác. Mùi thôi thối từ các đống rác bốc lên gây ô nhiễm cả một khu vực. Những tòa nhà cao đẹp như vậy mà không có ai ở, gây lãng phí cho cả tài nguyên đất và chung cư. Cũng chả hiểu vì sao đến năm là năm thứ 5 rồi mà họ vẫn chưa thể nghiệm thu hết để bàn giao. Phải có người đứng ra chịu trách nhiệm trong việc này chứ”, anh Nguyễn Thiện Thuật, một người dân sinh sống tại phường Hoàng Văn Thụ bức xúc.

Được biết, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, rất nhiều lần người dân có ý kiến về dự án này. Tuy nhiên, những người xuống tiếp xúc cử tri cũng hứa sẽ đưa vấn về này ra bàn bạc, kiến nghị cách xử lý nhưng 3 tòa nhà vẫn bỏ hoang.

Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay ngoài chung cư tái định cư tại Duy Tân, Tân Mai thì Hà Nội có rất nhiều dự án tái định cư xây xong bỏ hoang, không có người vào ở. Có thể kể đến như CT1, CT2 Khu TĐC Xuân La (phường Xuân La, Tây Hồ), Dự án xây dựng nhà TĐC (phường Thượng Thanh, Long Biên); Dự án nhà ở cao tầng khu đô thị Đền Lừ III (Hoàng Mai)….

Tại chung cư CT1, CT2 khu TĐC Xuân La, sở dĩ đã hoàn thành nhưng vẫn chưa thể đưa vào sử dụng vì hoạt động đấu nối xử lý nước thải vẫn chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, hệ thống PCCC của các tòa nhà này vẫn chưa được nghiệm thu. Hiện nay, muốn hoàn thiện các hạng mục này, thành phố phải chi ra số tiền lên đến 60 tỷ đồng.

Giải bài toán nhà TĐC bỏ hoang bằng cách nào?

Việc các chung cư tái định cư bỏ hoang đã xảy ra từ khá lâu nhưng đến nay nhiều khúc mắc tại công trình vẫn chưa được các cơ quan chức năng đưa ra lời giải. Trong khi người có nhu cầu nhà ở vẫn rất nhiều nhưng các tòa nhà xây chỉ để cho cỏ mọc khiến cho tài nguyên đất bị lãng phí một cách trầm trọng.

Trao đổi về vấn đề này, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ hội KTS Hà Nội chia sẻ, việc nhà tái định cư bỏ hoang hoặc xây xong xuống cấp nghiêm trọng là câu chuyện báo chí đã phản ánh rất nhiều. Hà Nội cần thống kê chi tiết các chung cư dạng này để có biện pháp xử lý.




KTS Trần Huy Ánh.
KTS Trần Huy Ánh.

Theo KTS Trần Huy Ánh, những tòa nhà tái định cư đều năm ở vị trí khá thuận lợi. Thậm chí, có những tòa nhà tái định cư nằm trên đất vàng. Chúng được xây dựng bằng tiền ngân sách Nhà nước. Đối với những chung cư bỏ hoang nhiều năm, Nhà nước cần tiến hành thu hồi lại để đấu giá. Những khu này có thể xây dựng nhà ở thương mại đối với chung cư nằm ở vị trí trung tâm hoặc khu xa hơn thì xây dựng nhà ở xã hội. Việc bỏ hoang là vô cùng lãng phí, thất thoát tài nguyên.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ kinh tế Vũ Tú Nam cho rằng, sở dĩ nhiều người không muốn ở các chung cư tái định cư vì họ lo ngại về chất lượng công trình. Bởi có rất nhiều dự án tái định cư xây xong, khi người dân vào ở được một thời gian thì xuống cấp nghiệm trọng như nứt nẻ, bong tróc tường. Bên canh đó, một phần nguyên nhân khác là do tiện ích của khu tái định cư rất ít và không hợp lý. Có chung cư thuộc diện tái định cư diện tích trên 60m2 nhưng chỉ có 1 nhà vệ sinh khiến gia chủ cảm thấy bất tiện.

Theo Tiến sĩ Vũ Tú Nam, ông từng trao đổi với khá nhiều doanh nghiệp, họ cũng hào hứng tham gia đấu giá lại các căn chung cư tái định cư bỏ hoang. Tuy nhiên, vấn đề trong khâu định giá các lô đất này được thực hiện như thế nào mới là vấn đề. Nếu định giá thấp thì Nhà nước sẽ bị thiệt và ngược lại. “Có nhiều khu đất tái định cư nằm ở vị trí mà các doanh nghiệp “mơ” cũng không được. Vì vậy, việc đấu giá các khu tái định cư bỏ hoang là điều nên làm”, Tiến sĩ Vũ Tú Nam nói.

Tiến An
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Kết thúc đấu giá đất Hoài Đức: 2 lô đắt nhất 15 tỷ đồng/lô, gấp 14 lần khởi điểm

Người dân TP.HCM vẫn thấp thỏm chờ kết quả khi nộp hồ sơ đất đai trước giờ G

Nhiều quy định phòng cháy chữa cháy mới có thể “làm khó” loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh

Giá bất động sản tăng vọt do thiếu cạnh tranh?

Nên tách nhà ở xã hội khỏi dự án thương mại

Một số địa phương không có dự án NOXH nào được khởi công từ năm 2021 đến nay

Không nên chỉ cho thuê NOXH do công đoàn đầu tư

Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Hà Nội khẩn trương xây dựng bảng giá đất mới

Tin mới cập nhật

"Nhập cuộc" đường đua NOXH, Nam Định sắp có dự án hơn 900 tỷ đồng với 1.100 căn hộ

18 giờ trước

Thấy gì từ gần 26.000 sản phẩm tồn kho của doanh nghiệp bất động sản?

18 giờ trước

Thí điểm mở rộng đất xây dựng nhà ở thương mại: Tránh tạo cơ chế xin cho

18 giờ trước

Kết thúc đấu giá đất Hoài Đức: 2 lô đắt nhất 15 tỷ đồng/lô, gấp 14 lần khởi điểm

18 giờ trước

Công nghệ đang định hình tương lai cho người mua nhà lần đầu như thế nào?

1 ngày trước