Cách nào giảm căng thẳng cho thị trường trái phiếu cuối năm?
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường khó khăn, môi giới bất động sản ở TP. Hồ Chí Minh nghỉ việc chuyển sang dạy Yoga, bán trái cây để mưu sinhNhững điều cần biết về trái phiếu chiết khấu caoTìm hiểu về trái phiếu tích lũyÁp lực từ trái phiếu doanh nghiệp vẫn là vấn đề đáng lo ngại đối với doanh nghiệp bất động sản. Dù Nghị định 08 đã được ban hành nhưng theo các chuyên gia vẫn cần kip các giải pháp để "cứu" doanh nghiệp bất động sản.
“Một cổ nhiều tròng”
Trong quý IV/2023, áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào khoảng 57 nghìn tỷ, đã trừ các khoản mua lại, trong đó bất động sản chiếm khoảng 47%. theo thống kê mới nhất từ Chứng khoán Yuanta, lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 tương đối lớn với hơn 297 nghìn tỷ đồng trái phiếu tới hạn, trong đó nhóm bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Trong đó, bất động sản có khoảng 123 nghìn tỷ đồng trái phiếu tới hạn, tiếp theo là ngân hàng với gần 80.000 tỷ đồng, nhóm Xây dựng và Vật liệu 22.000 tỷ đồng; Du lịch Giải trí gần 20.000 tỷ đồng, còn lại là nhóm khác gồm dịch vụ tài chính.
Giá trị trái phiếu đáo hạn hàng năm. Nguồn: Yuanta |
Các doanh nghiệp bất động sản hiện đang phụ thuộc chủ yếu vào 3 nguồn vốn chính là ứng tiền từ khách hàng, phát hành trái phiếu và vốn tín dụng từ ngân hàng. Nhưng các nguồn vốn này đều đang có những khó khăn. Số liệu cũng cho thấy giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ liên tục giảm từ giữa năm ngoái và chỉ ghi nhận sự cải thiện trở lại kể từ khi Nghị định số 08/NĐ-CP và một số động thái từ phía Ngân hàng Nhà nước cho thị trường.
Nguyên nhân được xem là tâm lý khủng hoảng niềm tin của nhà đầu tư cộng với tâm lý chờ đợi cơ hội từ thị trường, nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng phải đảm bảo điều kiện đảm bảo an toàn cho hệ thống và ổn định kinh tế. Khó khăn vẫn ở phía trước bởi việc đáo hạn chỉ giúp doanh nghiệp có thời gian ổn định lại để phục hồi sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu lại nợ. Còn trên thực tế, việc đáo nợ chỉ là chuyển nợ sang thời điểm khác. Theo các chuyên gia, thị trường trái phiếu đã có một số tín hiệu tốt hơn nhưng nỗi lo áp lực đáo hạn tới năm 2026. Ở ngắn hạn, nhìn nhận về sự phục hồi của thị trường trái phiếu thời gian tới, công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, dù áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ giảm vào giai đoạn cuối năm nay và quý 1 năm sau nhưng sau đó sẽ tăng mạnh trở lại vào quý 2 năm sau.
Áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn vẫn đang đè nặng lên doanh nghiệp bất động sản. Ảnh: Nguyễn Tiến |
Theo công ty chứng khoán ACBS thì kênh huy động từ trái phiếu (chiếm tới 30% vốn vay của các doanh nghiệp bất động sản) hiện đang bị đóng băng và chưa có giải pháp giải quyết đột phá. Các doanh nghiệp bất động sản tiếp cận nguồn vốn mới khó khăn và áp lực thanh toán lớn dần khi trái phiếu đến kỳ đáo hạn.
Đại diện một doanh nghiệp bất động sản bày tỏ hiện doanh nghiệp đang khó khăn chồng chất, ngày đáo hạn đang tới gần, khả năng thanh toán thấp khiến những người lãnh đạo như chúng tôi đau đầu vô cùng. “Lãi vay ngân hàng ở mức cao ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp, cộng thêm khả năng hấp thụ của thị trường giảm, hàng tồn kho lớn… chúng tôi đứng ngồi không yên vì chưa biết lấy tiền đâu ra để đáo hạn trái phiếu” – vị này nói.
Cách nào giảm căng thẳng?
Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC), thị trường trái phiếu là kênh huy động vốn quan trọng cần phát triển nhưng phải đảm bảo tính minh bạch. Nhằm giúp doanh nghiệp giảm áp lực đáo hạn trái phiếu cuối năm, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách như Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, Thông tư 02, Thông tư 03….hỗ trợ thị trường bất động sản.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC). Ảnh: Tinnhanhchungkhoan |
Trên thực tế, doanh nghiệp tính tới phương án đàm phán với trái chủ để gia hạn thanh toán các khoản nợ đến hạn nếu trường hợp không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nợ trái phiếu đúng hạn. Tùy vào điều kiện đàm phán thì rất có thể khoản nợ cũng sẽ được dời sang thời điểm khác. Các chuyên gia cho rằng, việc thiếu vốn đã ảnh hưởng tới hoạt động sản kinh doanh của doanh nghiệp nhưng thay vì mua lại trái phiếu khi đáo hạn nhiều doanh nghiệp đã chọn tập trung vào đàm phán để kéo dài thời gian. Số liệu trên HNX, tính đến đầu tháng 10, đã có hơn 50 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ với tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn là hơn 95.200 tỷ đồng. Có thể lấy ví dụ như thương vụ thỏa thuận của CTCP Tập đoàn R&H; CTCP Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn…
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings cho rằng, các quy định hiện hành có thể sửa đổi để các ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư,… tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Về dài hạn, ông Thuân cho rằng, cần thêm đơn vị xếp hạng tín nhiệm độc lập và đơn vị cung cấp dịch vụ định giá trái phiếu để tạo cầu cho trái phiếu doanh nghiệp và thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình phân tích, với lãi suất vay ở các ngân hang kỳ hạn dài ở cũng 11-12% thì lãi suất trái phiếu phải cao hơn nếu không khó hấp dẫn. Với 140.000 tỉ đồng giá trị trái phiếu phát hành 8 tháng đầu năm nay mà chủ yếu là phát hành riêng lẻ và người mua chủ yếu các tổ chức, định chế tài chính, ngân hàng… Cho nên, các đơn vị này sẽ có năng lực đánh giá được mức độ rủi ro, tuy vậy, với các ngân hàng thì cần lưu tâm tới vấn đề nợ xấu.
Trên thực tế, dù ngân hàng đã nỗ lực điều chỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản song việc tiếp cận từ nguồn vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp vẫn khó khăn. Phần lớn nguyên nhân là do các doanh nghiệp bất động sản không đáp ứng điều kiện vay vốn, hoặc bị vướng mắc về pháp lý. Theo Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam, các vấn đề của thị trường phải được giải quyết một cách triệt để thì doanh nghiệp bất động sản mới có thể hấp thụ các nguồn vốn mới. Bên cạnh đó, cũng cần đa dạng các nguồn tài chính như vốn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp nước ngoài…
Với động thái điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng ở mức toàn hệ thống khoảng 14% thì phần nào giúp khai thông dòng tiền cho doanh nghiệp bất động sản, có tác động tích cực cho thị trường. Khi thị trường kỳ vọng sẽ ấm trở lại, hàng tồn kho được giải phóng thì doanh nghiệp mới có thêm cơ hội để trả nợ cho trái chủ.
Ở góc độ tích cực, một số ý kiến cho rằng thị trường bất động sản sẽ còn khó khăn từ nay tới cuối năm 2024 nhưng với việc Chính phủ tập trung đẩy mạnh đầu tư công, cải thiện cơ sở hạ tầng và có chính sách gỡ vướng về mặt pháp lý cho các dự án bất động sản thì thị trường cũng sẽ “dễ thở” hơn. Mặc dù vậy ở thời điểm hiện tại áp lực đáo hạn thời gian tới vẫn rất lớn.