Các ngân hàng chịu áp lực tăng lãi suất tiền gửi
BÀI LIÊN QUAN
Dự báo mặt bằng lãi suất trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăngTrên đường đua tăng lãi suất tiết kiệm tháng 6/2022, ngân hàng nào có lãi suất cao nhất?Các ngân hàng gấp rút thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% để thúc đẩy hồi phục nhanh nền kinh tếÁp lực tăng lãi suất đầu vào
Theo baodautu.vn, nhằm kìm hãm tốc độ lạm phát tăng mạnh nhất trong vòng 41 năm qua tại Mỹ, Fed đã mạnh tay nâng lãi suất thêm 0,75%. Đây là mức tăng lãi suất cao nhất trong vòng 30 năm qua tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Động thái tăng lãi suất của Fed theo các chuyên gia đánh giá sẽ tác động tới lãi suất VND. Tuy nhiên, trước mắt tác động này không nhiều bởi các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã dự báo trước được điều này.
Theo TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh), việc Fed tăng lãi suất USD chưa tạo sức ép lên tỷ giá và lãi suất USD. Tuy nhiên, trong dài hạn, nếu tiếp tục có các đợt tăng lãi suất tiếp theo sẽ ảnh hưởng nhất định lên lãi suất VND.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiếp tục yêu cầu ngân hàng thương mại giảm lãi vay nhằm hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp cần phục hồi sản xuất, kinh doanh hậu đại dịch Covid-19. Do đó, xu hướng lãi suất tiết kiệm tăng, nhưng mức tăng của các ngân hàng chưa nhiều bởi lãi suất cho vay khó có thể tăng trong bối cảnh này.
Về chính sách tiền tệ, các chuyên gia nhận định, NHNN cũng như ngân hàng trung ương các nước mới nổi ở châu Á chưa chịu áp lực tăng lãi suất ngay sau khi Fed nâng lãi suất USD. Đó chủ yếu là do lạm phát ở các nền kinh tế này còn đang ở mức thấp, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chưa đến mức tăng vọt, cho phép ngân hàng trung ương các nước này có chính sách thích ứng từ từ.
Tại Việt Nam, trong tháng 5/2022, CPI tăng 2,86% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, đã tăng 2,48% so với hồi đầu năm 2022. Điều này khiến mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% trong năm nay rất khó khăn.
Đồng thời, trong bối cảnh giá các loại nhiên liệu leo thang, giá các loại lương thực, hàng hóa tiêu dùng tăng mạnh khiến áp lực lạm phát càng lớn. Sự cạnh tranh trên thị trường vốn khiến các nhà đầu tư lựa chọn đổ tiền vào chứng khoán, bất động sản khiến các ngân hàng chịu sức ép rất lớn trong việc thu hút dòng vốn từ người dân.
Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng luôn duy trì ở mức cao, khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng chịu nhiều áp lực. Một số ngân hàng thậm chí đã sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được phân cho năm 2020. Điều này cho thấy nhu cầu vốn đang rất lớn. Vì vậy cuộc đua huy động vốn sẽ ngày quyết trong nửa năm còn lại, bởi ngân hàng nào cũng muốn tăng cường huy động để có đủ nguồn vốn cho vay.
Các ngân hàng trong “cuộc đua” tăng lãi suất
Trong nửa năm, hàng loạt các ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm. Một số ngân hàng thương mại như Techcombank đã tăng 0,3 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi tại quầy với kỳ hạn; tăng 0,3 - 0,45 điểm phần trăm đối với các kỳ hạn ngắn hơn. VPBank tăng thêm 0,3 điểm phần trăm lãi suất đối với tiền gửi các kỳ hạn 13, 24 và 36 tháng, đưa lãi suất lên 6,4%/năm. Một số ngân hàng thương mại tư nhân khác cũng gia nhập cuộc đua lãi suất như NCB, ACB, SHB, OceanBank, BaoVietBank, PGBank…
Trước cuộc đua tăng lãi suất gửi tiết kiệm này, các ngân hàng thuộc nhóm Big 4 cũng không đứng ngoài cuộc. Theo đó, ngân hàng BIDV điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm lãi suất ở tất cả kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, hiện cố định ở 5,6%/năm. Ngân hàng Vietcombank cộng thêm 0,1 điểm phần trăm cho hình thức gửi trực tuyến lên mức 5,6%/năm.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia đánh giá động thái tăng lãi suất tiết kiệm của một số ngân hàng trong thời gian qua nhằm tăng nguồn tiền gửi trong bối cảnh nhu cầu tín dụng trong năm 2022 đã tăng nhiều so với năm 2021. Việc tăng lãi suất sẽ giúp người gửi tiền được hưởng mức lợi cao hơn, đồng thời cũng góp phần củng cố nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng ở các kỳ hạn, qua đó đáp ứng nhu cầu tín dụng tốt hơn từ đây đến cuối năm.
Về quan điểm cho rằng ngân hàng đang thiếu tiền nên phải tăng lãi suất huy động thời gian qua, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang tương đối ổn dù không được dồi dào như những năm vừa qua khi mà tín dụng tăng mạnh trong nửa đầu năm nay. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức tương đối ổn.
Về vấn đề tăng lãi suất huy động ảnh hưởng tới quá trình kiềm chế lạm phát, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, sẽ có tác động nhưng không quá nhiều. Bởi lãi suất cho vay mới là tác nhân ảnh hưởng tới việc kiểm soát lạm phát.
“Lãi suất huy động tăng giúp hút bớt lượng cung tiền trong nền kinh tế để điều hướng nhiều hơn vào sản xuất kinh doanh thay vì đầu cơ, chi tiêu”, TS. Cấn Văn Lực nói.
Dự báo về mức độ giảm lãi suất cho vay trong năm 2022, TS. Cấn Văn Lực cho rằng điều này khó xảy ra. Bởi lãi suất đầu vào có xu hướng tăng, cùng với đó mặt bằng lãi suất chung của các quốc gia trên thế giới cũng tăng. Do đó, giữ bình ổn được lãi suất cho vay trong năm đã là một thành công.
“Hệ thống ngân hàng có thể phải chấp nhận chênh lệch lãi suất đầu vào tăng lên, đầu ra không tăng được. Chênh lệch lãi suất ròng sẽ giảm đi so với những năm trước. Ngân hàng buộc phải tìm cách đa dạng hóa hoạt động để tăng nguồn thu”, TS. Lực nhận định.
Tổng kết hoạt động ngân hàng nửa đầu năm 2022, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nêu rõ: “NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đồng thời sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế”.
Trong điều hành lãi suất, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: “NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành mặc dù chịu áp lực từ xu hướng nới lỏng tiền tệ, tăng lãi suất trên toàn cầu, nhằm tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh”.