Bộ trưởng TN&MT: Vụ bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm cần điều tra, nếu có hành vi rõ mới có thể hình sự hóa
BÀI LIÊN QUAN
Hoàn thiện pháp luật ngăn chặn "thổi giá", bỏ cọc trong đấu giá đấtBộ trưởng Bộ Công Thương: Đảm bảo nguồn cung xăng dầu không thiếu Đấu giá đất Thủ Thiêm: Chưa rõ 2 doanh nghiệp trúng đấu giá còn lại bỏ cọc hay nộp tiềnCần điều tra thêm
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng việc này có dấu hiệu lũng đoạn thị trường và cần xử lý hình sự để tạo sức răn đe. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã cho rằng cần xử lý nghiêm hành vi liên quan tới gây lũng đoạn thị trường đất đai. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp chính sách đưa ra để thị trường vận hành hiệu quả thì công cụ hành chính, kể cả hình sự lại chưa hợp lý, song trong vụ bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm cần điều tra, nếu có hành vi rõ mới có thể hình sự hóa.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, việc đấu giá đất trong thời gian qua không chỉ thổi giá mà còn dìm giá, có hiện tượng quân xanh quân đỏ rất bức xúc. Đẩy giá làm biến động thị trường, tạo giá ảo và rút ruột tiền ngân hàng nếu tiền đó là đặt cọc. Giá đất bị đẩy lên cao quá mức, xa rời với giá trị thật sẽ khiến dẫn tới nhiều hệ lụy.
Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường cũng nhấn mạnh, "đây là hiện tượng rõ ràng có thật". Người dân "gửi" tài sản bằng đất, khi đó giá đất lên như "ngựa phi" thì ai cũng nghĩ có hiệu quả.
"Nhưng ở góc độ vĩ mô, khi người dân đầu tư vào đất đai thì xu hướng đó không mang lại hiệu quả và đấy là điều rất không tốt với nền kinh tế", Bộ trưởng nêu quan điểm.
Vì thế, Nhà nước phải điều tiết ngăn chặn vấn đề thổi giá, chính sách phải kiểm soát được tính khả thi của các dự án.
Tình trạng thổi giá, dìm giá còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng, làm biến động thị trường, thất thoát tài sản của nhà nước, tạo mặt bằng giá đất mới, gây ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống kinh tế của đất nước. "Đằng sau việc thổi giá đất còn có nhiều hệ lụy là giá đất đấu giá cao có thể là ảo, nhưng lại dùng để thế chấp vay tiền ngân hàng, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia và nhiều vấn đề khác", ông Hà nói.
Nguyên nhân của vấn đề này, theo Bộ trưởng là do giá đất được điều chỉnh bởi nhiều luật, quy định. Do đó, trình tự và thủ tục… còn nhiều bất cập. Ông cho rằng cần phải có quy định về phương thức, trình tự đấu giá với tài sản đất đai chặt chẽ hơn.
Xử lý nếu phát hiện dấu hiệu bất thường
Liên quan đến các vụ đấu giá gần đây, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc đấu giá tài sản tại Việt Nam hiện nay được quy định bởi nhiều luật, liên quan đến nhiều cơ quan.
Luật Đấu giá quy định rõ các trình tự, thủ tục. Liên quan đến tài sản nào thì lại liên quan luật chuyên ngành đó. Về chế tài áp dụng nếu vi phạm về đấu giá có các hình thức như xử lý dân sự, hành chính, hình sự. Những vụ việc xảy ra trong thời gian vừa qua, có thể áp dụng quy định về tình trạng nâng giá có dụng ý và tội đầu cơ, vì vậy cần đồng bộ hóa các quy định về đấu giá.
Trường hợp đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nếu phân tích một cách bình thường thì theo cơ chế thị trường. Nếu phát hiện ra dấu hiệu bất bình thường mà chứng minh được thì cần xử lý.
"Qua các vụ vừa rồi, cần rà soát vấn đề về trình tự, thủ tục đấu giá đảm bảo chặt chẽ hơn; rà soát khung liên quan tiền đặt cọc, phí... liên quan đấu giá về đất đai", Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết.
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu quan điểm: "Phải siết lại để bảo đảm đấu giá một cách chặt chẽ hơn". Điều này để đảm bảo đấu giá chặt chẽ hơn. Bộ trưởng Phớc đưa ra quan điểm cần xác định năng lực của nhà đầu tư, tăng tiền cọc hoặc để tránh bỏ cọc, cần gửi tiền cọc ở tài khoản của Hội đồng đấu giá. Đồng thời phải thực hiện các cam kết thực hiện sau khi đấu giá cũng cần chặt chẽ hơn để tránh tình trạng “om” đất sau khi đấu giá thành công, dẫn tới lãng phí tài nguyên đất đai của xã hội.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã thông tin về 2 lô đất còn của phiên đấu giá 4 lô “đất vàng” tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cụ thể, ông Phan Văn Mãi thông tin: "Đây là chuyện lớn và khó, vẫn chưa giải quyết xong. Hiện nay, mới có 2 đơn vị trúng đấu giá đã nói rõ việc bỏ cọc. Hai đơn vị còn lại chưa rõ phương án cụ thể bỏ cọc hay nộp tiền đúng thời hạn. Vì hai doanh nghiệp này vẫn đang trong thời hạn 90 ngày để báo cáo theo quy định; TP vẫn đang theo dõi, đánh giá để có phương án".
Vào ngày 10/12/2021, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh đã tổ chức bán đấu giá 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá lô đất có ký hiệu 3-12 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, với diện tích 10.059,7 m2 với 24.500 tỷ đồng, cao gấp 8,3 lần so với giá khởi điểm.
Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá lô đất 3-9. Doanh nghiệp này cần phải đóng 5.026 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ. Mức giá này cao gấp 6,9 lần so với giá khởi điểm.
Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất 3-8 rộng hơn 8.500 m2. Doanh nghiệp này sẽ phải đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Mức giá này cao gấp 4 lần so với mức giá khởi điểm.
Công ty CP Dream Republic trúng đấu giá lô đất 3-5 có diện tích 6.446 m2. Doanh nghiệp này sẽ phải đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng lệ phí trước bạ. Mức giá trúng đấu giá cao gấp 6,6 lần giá khởi điểm.
Sau khi trúng đấu giá không lâu, 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt và Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh đã xin bỏ cọc. Hai doanh nghiệp còn lại vẫn chưa nộp tiền trúng đấu giá.