“Bình giữ nhiệt” khổng lồ đang gấp rút hoàn thiện tại Đức - giải pháp đối phó khi thiếu khí đốt từ Nga
Nhìn xa xăm về phía khu công nghiệp gần bờ sông Spree ở thành phố Berlin, có tòa tháp màu gỉ sắt trông giống như những chiếc bình pha cà phê của người Đức. Tòa tháp này được xây dựng lên để sưởi ấm cho người dân Đức trong trường hợp trời trở lạnh và không có khí đốt.
Hãng tin AP cho biết tòa tháp này sở hữu chiều cao 45m, có thể chứa 56 triệu lít nước nóng. Theo công ty tiện ích Vattenfall, công trình này được xây dựng như là một giải pháp nếu Nga cắt nguồn không khí đốt đến Đức vì nó sẽ giúp sưởi ấm cho rất nhiều ngôi nhà tại Berlin vào mùa đông năm nay.
“Đó là một chiếc bình giữ nhiệt khổng lồ để dự trữ nhiệt khi không cần thiết và chúng tôi có thể dùng nó để sưởi ấm nếu cần”, theo bà Tanja Wielgoss, Giám đốc cấp cao của Vattenfall.
Vốn sử dụng nhiên liệu là khí đốt, than hoặc chất thải, các hệ thống sưởi ấm tại Đức đã tồn tại được hơn một thế kỷ. Tuy nhiên, hầu hết đều không được thiết kế để có thể dự trữ lượng nhiệt lớn.
Những cơ sở này chỉ đốt cháy nhiên liệu vừa đủ tạo ra lượng nhiệt mà người dùng cần. Ở một mặt khác, quá trình này lại thải ra một lượng lớn khí nhà kính nên trái đất bị nóng dần lên theo thời gian.
Trong khi đó, tòa tháp khổng lồ đang được gấp rút thi công ở trên có thể giữ nước ở nhiệt độ sôi bằng cách dùng năng lượng gió trên khắp nước Đức và điện năng từ nhà máy năng lượng mặt trời.
Theo AP, bình giữ nhiệt tại Vattenfall sẽ vận hành hiệu quả giống như khối pin khổng lồ khi năng lượng tái tạo tại Đức vượt quá mức nhu cầu tiêu thụ. Bình giữ nhiệt này sẽ lưu trữ nhiệt, thay vì điện.
“Có những lúc bạn phải tắt các tuabin gió vì lượng điện dồi dào trong các lưới diện không thể dùng được. Và đây chính là thời điểm tòa tháp của chúng tôi phát huy công năng, nó tiếp nhận lượng điện dư thừa đó”, theo bà Wielgoss.
Công trình trên có giá trị đạt khoảng 50 triệu euro (tương đương 52 triệu USD). Nó có thể đáp ứng đủ nhu cầu nước nóng của đa phần người dân Berlin vào mùa hè và 10% vào mùa đông với công suất nhiệt khoảng 200 megawatt.
Theo bà Wielgoss, tòa tháp này cũng có thể sử dụng nguồn nhiệt chiết tách từ nước thải. Sau khi hoàn thiện vào cuối năm, cơ sở này sẽ trở thành nơi lưu trữ nhiệt lớn nhất châu Âu. Bên cạnh đó, cũng đang có một cơ sở lớn hơn là được lên kế hoạch xây dựng tại Hà Lan.
Đức nên hoàn thành hệ thống giữ nhiệt như vậy càng sớm càng tốt, theo Bà Bettina Jarasch, quan chức hàng đầu về khí hậu của Berlin. Bà nói: “Nếu xét về vị trí địa lý, Berlin phụ thuộc nhiều hơn vào nhiên liệu hóa thạch của Nga so với những nơi khác của Đức, bởi vậy, chúng tôi cần phải nhanh chân”.
Bà nhấn mạnh: “Từ xung đột tại Ukraine, và khủng hoảng năng lượng như hiện nay, chúng tôi nhận thấy mình phải hành động nhanh hơn. Trước mắt, cần phải trung hòa khí thải nhà kính và sau đó trở nên độc lập về nhập khẩu năng lượng”.
Nỗ lực giảm việc sử dụng đốt tự nhiên của Đức đang chứng kiến mức độ hiệu quả. Trong 5 tháng đầu năm nay, tiêu thụ khí đốt đã giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu được công bố bởi hiệp hội BDEW - một tổ chức đại diện cho ngành công nghiệp sản xuất điện của Đức.
Mức sụt giảm này có thể do thời tiết đang trở nên ôn hòa hơn. Tuy nhiên, cũng có thể đến từ việc kinh tế của nước Đức đang chững lại.
Giám đốc Wielgoss có một niềm tin rằng cho dù Nga quyết siết chặt nguồn cung khí đốt ở châu Âu sau lệnh trừng phạt của phương Tây thì khách hàng của Vattenfall sẽ không phải chịu cảnh buốt giá trong mùa đông.
“Những khách hàng của chúng tôi ở Đức sẽ được bảo vệ khỏi cái lạnh giá của mùa đông. Họ sẽ không bị thiếu hụt năng lượng để sưởi ấm. Tuy nhiên chúng tôi vẫn kêu gọi mọi người nên tiết kiệm nhiên liệu bởi mỗi lượng tiết kiệm đều có ích cho quốc gia”, bà chia sẻ.