Bất động sản tăng giá để chống trượt giá khi lạm phát tăng cao?
BÀI LIÊN QUAN
Điều gì đã giúp bất động sản nghỉ dưỡng thoát cảnh "đóng băng"?Liệu tình trạng “sốt đất” có tiếp tục xảy ra trong năm 2022?Hạ tầng “làm nóng” bất động sản ven đôNgay trong những tháng đầu năm 2022, áp lực kiểm soát lạm phát tại Việt Nam đã trở thành vấn đề cấp thiết được đưa ra trong quản lý kinh tế vĩ mô. Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra, bình quân 2 tháng đầu năm 2022, so với cùng kỳ năm ngoái CPI tăng 1,68%, lạm phát cơ bản tăng 0,67%. Theo các chuyên gia kinh tế phân tích, nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát trong năm 2022 gồm tổng cầu tăng đột biến trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19; sự phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào nguyên vật liệu nhập khẩu; cùng với đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Năm 2022, Quốc hội Việt Nam đưa ra chỉ tiêu CPI tăng khoảng 4%. Vào thời điểm tháng 1, đây là mục tiêu được đánh giá hoàn toàn "nằm trong tầm tay" của Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi vấp phải những biến động không ngờ tới của tình hình kinh tế - chính trị thế giới, mục tiêu này lại trở thành một sức ép không hề nhỏ.
Theo Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, khi tỷ lệ lạm phát tăng cao, bất động sản luôn được đánh giá là một kênh trú ẩn an toàn giúp giảm thiểu rủi ro. Dù vậy, ông cũng cho rằng những đợt lạm phát lớn cũng có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế và làm giảm đi nhu cầu về thuê hay mua bất động sản.
Cũng theo vị chuyên gia này chia sẻ, với mục tiêu không chế và duy trì lạm phát trong khoảng 4% của Quốc hội là có thể đạt được. Mặc dù thế, dưới bối cảnh bất ổn chính trị trên thế giới trong đó chiến tranh Nga - Ukraine đang tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam.
Tiêu biểu là trong vòng 6 tháng trở lại đây, tình trạng giá dầu tăng mạnh từ 70 USD/thùng lên đến mốc trên 120 USD/thùng. Các chuyên gia quốc tế cũng đưa ra dự báo giá dầu có thể tăng lên đến 200 USD/thùng nếu nguồn cung dầu từ Nga bị cắt giảm. Tương tự đó, biến động giá kim loại quý cũng tăng lên đáng kể. Theo thống kê của sàn Kitco, ở thị trường quốc tế giá vàng thế giới trong 1 tháng qua tăng đỉnh điểm lên đến 1,991.16 USD/ounce. Cùng với đó, giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới có sự chênh lệch lớn, gần chạm mốc 69 triệu đồng/lượng vào ngày 18/3. Những biến động này đã dẫn đến các nguyên vật liệu, chi phí sản xuất tăng cao và kéo theo là giá hàng hóa cũng tăng theo.
"Như vậy, dưới tác động của chiến tranh cũng như những ảnh hưởng vẫn còn tồn tại của Covid-19 khiến mục tiêu giữ lạm phát ở mức dưới 4% là rất thử thách cho nền kinh tế cũng như chính sách tài khóa. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được trường hợp khả năng phục hồi của nền kinh tế hậu Covid-19 diễn ra đúng như kỳ vọng và tình hình chiến tranh giữa Nga và Ukraine được giải quyết ổn thỏa thông qua các đàm phán sớm", ông Khương phân tích.
Theo TS. Sử Ngọc Khương, Việt Nam có đảm bảo khống chế lạm phát ở mức 4% được hay không phụ thuộc vào 3 biến số chính sau:
Thứ nhất là sự tác động của chiến tranh đến kim loại quý, giá dầu, nguyên liệu đầu vào của các lĩnh vực sản xuất sẽ ảnh hưởng giá trị của các sản phẩm.
Thứ hai là căng thẳng trong thương mại giữa Nga và các nước phương Tây với những biện pháp trừng phạt gây ra xung đột về thương mại giữa nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cụ thể là, việc xuất nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hóa trở nên khó khăn hơn do vận chuyển hàng không, hàng hải bị hạn chế.
Thứ ba là nguyên nhân dịch bệnh. Trên thực tế, chúng ta đang kỳ vọng các nền kinh tế trên thế giới có thể quay trở lại trạng thái bình thường, sống chung với dịch Covid-19. Tuy nhiên, mục tiêu phục hồi và phát triển nền kinh tế hậu Covid-19 thực hiện cũng không phải dễ dàng. Nguyên nhân là do sức đề kháng của các doanh nghiệp hiện nay khá thấp, lãi suất vay tăng, kéo theo chi phí sản xuất và nguyên vật liệu cũng tăng trong bối cảnh hiện tại.
Theo ông Khương phân tích, trước những biến động như chiến tranh, khủng hoảng tài chính, dịch bệnh có 3 kênh trú ẩn tài sản lớn là bất động sản, dầu mỏ và kim loại quý. Khi tỷ lệ lạm phát có xu hướng tăng bởi những bất ổn về chiến tranh, kinh tế - chính trị trên thế giới, nguồn tài chính đầu tư vào bất động sản được xem như là phương pháp giúp bảo toàn dòng vốn trước rủi ro. Điều này giúp nhà đầu tư bảo toàn giá trị tài sản, đồng thời tránh sự bất ổn định ở những kênh đầu tư khác.
"Trong bối cảnh bất ổn kinh tế - chính trị thế giới, lạm phát tăng nhanh và nguồn cung khan hiếm, thị trường bất động sản bao gồm cả phân khúc nhà ở và thương mại tại Việt Nam được đánh giá sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới và là kênh đầu tư giúp giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh lạm phát", ông Khương nhấn mạnh.
Cùng quan điểm trên, nhà đầu tư kỳ cựu tại TP.HCM - ông Lê Quốc Kiên cũng cho rằng, một điều chắc chắn là khi lạm phát tăng cao, vật giá càng leo thang, người có tiền lại càng không giữ tiền mà bỏ hết vào tài sản, trong đó bất động sản luôn nắm giữ vai trò chủ lực để tích trữ tài sản chống trượt giá.
"Với những người đang nắm giữ tài sản bất động sản, thì càng lạm phát, vật giá càng leo thang, thì họ lại càng tăng giá bán để chống trượt giá (trừ những người bị kẹt tài chính phải giảm 5%-10% để ra hàng). Khi toàn thị trường ai ai cũng đẩy giá bán lên thì tự khắc sẽ lập mặt bằng giá mới", ông Kiên nhấn mạnh quan điểm.
Nhà đầu tư kỳ cựu này cũng cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu, sắt thép đều tăng cao và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, kéo theo đó tất cả hàng hóa đều tăng giá. Theo đà tăng này cùng biến động lớn của giá vàng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giá nhà đất và dẫn tới thổi bùng làn sóng đầu cơ tích trữ tài sản.