Bất công người giàu lên từ đất, người mãi không có nhà
BÀI LIÊN QUAN
Nhiều kỳ vọng cho thị trường bất động sản ba tháng cuối nămVỡ mộng làm giàu từ căn hộ cho thuê, nhiều nhà đầu tư gặp khóHướng giải quyết “mớ hỗn độn” trong quy hoạch đô thị“Kẻ ăn không hết, kẻ lần không ra”
Thay vì phải bỏ những khoảng vốn lớn mạo hiểm vào kinh doanh, tốn nhiều công sức và thời gian thì nhiều người thường lựa chọn cách đầu tư vào bất động sản. Với những nhà đầu tư thì đây không chỉ là kênh giữ tiền an toàn mà còn đem lại tỷ suất sinh lời lớn, hiệu quả kinh tế cao.
Vốn dĩ, đất đai luôn được coi là kênh đầu tư truyền thống tại Việt Nam và cũng hiếm thấy quốc gia nào mà người dân lại lựa chọn đầu tư bằng cách gom đất nhiều đến như vậy. Đây còn được xem là hình thức chuẩn bị “của ăn của để” cho con cái sau này. Thế nhưng tất cả những điều trên chỉ dành cho những người có nhiều tiền, còn đối với những người có thu nhập thấp thì việc sở hữu một căn nhà trong bối cảnh hiện nay vẫn chỉ là điều quá đỗi xa vời.
Bất chấp bối cảnh thị trường bất động sản đang trầm lắng, dòng tiền của người dân vẫn còn khá mạnh, nhiều nhà đầu tư vẫn đổ xô về các tỉnh tìm mua các bất động sản vùng quê để tích trữ với niềm tin chắc chắn rằng “không tăng giá ngắn hạn thì cũng tăng giá trong dài hạn”. Anh Ngô Dũng, một môi giới bất động sản kỳ cựu chia sẻ: “Mỗi khi có dự án nào mới hay phiên đấu giá đất ở các tỉnh lẻ là lượng lớn dân từ khắp các đô thị lớn đều tìm về để mua gom và ôm hết các lô đất nơi đó, đẩy giá mặt bằng lên mức mới. Nhiều khi người dân tại địa phương đó còn không biết khu vực ấy có dự án bán. Hầu như việc mua bán chỉ là cuộc chuyền tay nhau giữa giới đầu cơ và bộ phần người dân có nhu cầu mua để tích trữ”.
Chính điều này đã làm nảy sinh tâm lý của người dân không cần làm gì, chỉ cần mua ôm đất là tự khắc sẽ trở thành “tỷ phú”. Thực tế tại Việt Nam, nhiều người giàu lên nhờ ôm đất, buôn đất khiến cho không ít người lao động, công chức nhà nước giảm tinh thần làm việc, thậm chí nhiều người nghỉ hẳn việc để tập trung buôn bất động sản. Nhiều cán bộ viên chức tâm sự rằng: “Nhìn họ kiếm tiền liên tục từ đất mà ham, chẳng phải áp lực công việc lương ba cọc ba đồng mà vẫn có nhà, có xe sang để đi”.
Mặc dù hành động ôm đất tích trữ là cách những người ta hưởng thành quả khi họ đã nỗ lực, cố gắng trong quá khứ nhưng lại vô tình lại gây thiệt hại nhiều lên xã hội khiến lãng phí tài nguyên thiên nhiên, bất bình đẳng giàu nghèo, năng lực vốn chỉ để ôm đất không đầu tư nghiên cứu sản xuất kinh doanh sẽ dẫn đến hệ lụy về lâu về dài làm chậm tiến bộ xã hội,…
Hơn nữa, xu hướng mua đấy để dành còn tạo ra áp lực tăng giá nhà, già đất ngày càng lớn, khiến nguồn cung đất sạch cho thị trường ngày càng khan hiếm. Những khoản phí cho quỹ đất trống không ngừng bị đẩy lên dẫn đến hình thành những cơn sốt đất ảo, đẩy giá nhà tăng cao và vượt xa tầm với của người dân có thu nhập thấp, thu nhập trung bình.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, bất công trong xã hội hiện nay là mặc dù nhiều người là doanh nhân giỏi nhưng sau vài năm đưa vốn vào sản xuất kinh doanh, tổng kết lại lợi nhuận và tài sản thì vẫn thua xa so với những người chỉ tập trung vốn vào mua đất chờ lên giá.
“Trong khi các doanh nghiệp chịu rất nhiều loại thuế phí từ việc kinh doanh thì những nhà đầu tư bất động sản không phải bỏ ra trí tuệ về cạnh tranh, điều hành quản lý, vốn sản xuất,… mà chỉ việc ngồi đợi không cũng hưởng được nhiều lợi nhuận.
Thực tiễn này đã xảy ra suốt 20 năm qua và vẫn tiếp tục tiếp diễn. Đây chính là lý do vì sao mà lĩnh vực này luôn thu hút lượng lớn các nhà đầu tư gây bão hòa thị trường, làm hoạt động kinh doanh lĩnh vực này càng ngày càng không hiệu quả”, ông Hiển nhận định.
Cần những biện pháp chấn chỉnh
Ông Cao Minh Thành, Tổng giám đốc MLAND Pro cho hay, đối với nhóm khách hàng thông thường họ sẽ tìm hiểu kỹ đến biến động của thị trường bất động sản, thời điểm nào tăng, thời điểm nào giảm. Còn với những khách hàng “nhà không có gì ngoài tiền” thì điều họ quan tâm chỉ là mua đất càng nhiều càng tốt, phục vụ mục đích tích trữ chứ không quan tâm nhiều đến giá cả hay diễn biến thị trường
Điểm yếu của kiểu “ôm đất chờ thời cơ” chính là ở chỗ ai cũng kỳ vọng lợi nhuận khủng nhưng một khi kỳ vọng càng cao thì thời gian “chôn” tiền vào đất càng kéo dài đòi hỏi các nhà đầu tư phải vững vốn, không dùng đòn bẩy tài chính và phải chấp nhận rủi ro chính sách thay đổi, phụ thuộc vào chu kỳ tăng trưởng bất định của thị trường bất động sản.
Theo các chuyên gia bất động sản, nếu cứ để tình trạng người dân cứ tiếp tục cất tiền vào đất sẽ dẫn tới dòng tiền này bị lãng quên, làm hụt dòng tiền vào kinh doanh sản xuất khiến nền kinh tế không thể phát triển, đất nước thụt lùi lại. Mặc dù đã có nhiều ý kiến về việc phải dùng thuế bất động sản tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy có sự thay đổi.
Chính sách thuế được coi là biện pháp hợp lý không chỉ nắn dòng tiền đầu tư vào đất đai một cách hợp lý mà còn giúp giảm thuế với những người đang gặp khó khăn trong việc mua nhà để an cư, những người mua nhà lần đầu hay chỉ có duy nhất một nhà.
TS. Đinh Thế Hiển cho rằng: "Những người sở hữu nhiều hơn một căn nhà để ở tức là nhiều tài sản thì cái phần hơn này cần phải nộp thuế hàng năm. Quan trọng là việc điều tiết sao cho việc thu thuế đáp ứng đúng và đủ chi phí hạ tầng, đô thị, mức thu hợp lý để mọi người vẫn có thể gia tăng tài sản mà không làm lụi mất các hoạt động mua bán".
Để làm được điều này, trước hết nền hành chính thuế của chúng ta phải đổi từ hệ thống hành chính giấy sang hành chính số. Đối với Bộ Luật dân sự cần điều chỉnh nội dung của việc đứng tên bất động sản thay người khác, đặc biệt là các trường hợp đứng tên hộ người nước ngoài, các bất động sản không giải trình được nguồn gốc cần tìm hướng giải quyết,…. Nếu chúng ta sửa được đồng bộ như trên thì việc đánh thuế mới có hiệu quả.
Thực trạng cất tiền vào đất vẫn là điều đáng lo ngại và rất khó cản được trong một sớm một chiều khi nó đang chính là lực cản cho sự phát triển của đất nước. Chính vì thế cần có sự chung tay của các cấp quản lý, Nhà nuóc có những biện pháp dài hơi định hướng lại xu hướng đầu tư của người dân, điều chỉnh lại thị trường bất động sản nếu không sẽ để lại nhiều hệ lụy cho xã hội cũng như các cá nhân đầu tư./.