Ai tạo ra Blockchain? Tìm hiểu về các cột mốc phát triển của công nghệ Blockchain
BÀI LIÊN QUAN
Tìm hiểu về ứng dụng của công nghệ Blockchain hiện nayHệ thống BIM là gì?Tiền mã hóa là gì? Cách thức hoạt động của tiền mã hóa như thế nào?Blockchain là gì?
Blockchain còn được gọi là công nghệ chuỗi (chain) – khối (block).
Blockchain (chuỗi khối) là một cơ sở dữ liệu phân cấp dựa trên hệ thống được mã hóa vô cùng phức tạp. Blockchain dùng để lưu trữ thông tin ở trong các block cho phép truyền tải dữ liệu an toàn và các block được mở rộng theo thời gian.
Hiểu đơn giản, Blockchain có thể được xem như là một cuốn sổ cái điện tử được phân phối trên nhiều máy tính khác nhau, lưu trữ mọi thông tin giao dịch và đảm bảo những thông tin đó không thể bị thay đổi dưới bất kỳ hình thức nào.
Các thông tin được lưu trên cuốn sổ cái đó sẽ được xác nhận bởi hàng loạt máy tính được kết nối trong một mạng lưới chung. Sẽ không một cỗ máy nào có khả năng thay đổi, viết đè lên hay như xóa dữ liệu trong cuốn sổ cái đó.
Ai đã tạo ra Blockchain?
Cha đẻ của Blockchain được ghi nhận cho Satoshi Nakamoto vào năm 2008. Tuy nhiên Blockchain đã có chiều dài lịch sử từ đầu những năm 1990.
Ý tưởng về Blockchain bắt nguồn từ một ý tưởng về chuỗi dữ liệu bất biến đã được mô tả lần đầu năm 1991 bởi 2 nhà nghiên cứu là W. Scott Stornetta và Stuart Haber trên 1 bài báo có tiêu đề là: “Làm thế nào để đóng dấu thời gian một tài liệu kỹ thuật số”. Trên bài báo đó đã đưa ra những vấn đề cần giải quyết bài toán đóng dấu thời gian chính xác cho các tệp dữ liệu nhằm để ghi nhận thời gian thực để không bị chỉnh sửa và giả mạo. Tuy nhiên, cách giải thích của Stornetta và Haber được coi là không hoàn chỉnh và giới chuyên gia đã cho rằng vẫn cần một bên thứ 3 để đảm bảo. Sau đó công nghệ blockchain đã được đổi mới từ các nhà khoa học máy tính khác cho đến năm 2008 cùng với sự ra đời của bitcoin, Satoshi Nakamoto đã được ghi nhận là người phát minh ra Blockchain.
Cột mốc phát triển của công nghệ Blockchain
Năm 1991: Ý tưởng ra đời
Như đã phân tích ở trên, ý tưởng cơ bản về chuỗi khối đã được mô tả năm 1991. Ý tưởng này sử dụng một chuỗi gồm những khối bảo mật bằng mật mã để lưu trữ các văn bản đánh dấu thời gian. Năm 1992 các cây Merkle đã được tích hợp vào chuỗi khiến cho nó trở nên hiệu quả hơn bằng cách cho phép một block có thể tập hợp nhiều hơn một văn bản. Tuy nhiên, công nghệ này đã không được sử dụng và bằng sáng chế thì đã hết hạn vào năm 2004.
Năm 2004: Thuật toán POW
Nhà khoa học máy tính Hal Finney (Harold Thomas Finney II) đã đưa ra một giải pháp bảo mật được gọi là “Reusable Proof of Work” năm 2004. POW được ghi nhận là thuật toán đồng thuận đầu tiên đã được tạo ra trên mạng lưới Blockchain. Nó được sử dụng để xác nhận giao dịch và sản xuất các block mới trong chuỗi, đó là lý do còn gọi POW là thuật toán bằng chứng công việc (đáp án đúng của bài toán).
POW yêu cầu những người sở hữu các máy tính trong mạng cần phải giải một bài toán phức tạp để có thể thêm 01 block (khối) vào chuỗi. POW được xem là 01 thử nghiệm ban đầu và là những bước đi đầu tiên quan trọng trong lịch sử của tiền mã hóa.
Năm 2008: Bitcoin ra đời
Cuốn sách trắng (White Paper) đầu tiên về Bitcoin ra mắt năm 2008 với tiêu đề: Bitcoin: hệ thống tiền điện tử ngang hàng (hiện nó vẫn còn trên trang bitcoin.org) bởi 1 người hoặc là 1 nhóm người có biệt danh là Satoshi Nakamoto.
Bitcoin được khai thác trên cơ chế của thuật toán POW. Để blockchain của Bitcoin có thể hoạt động được, phải cần đến sự ra đời liên tục của block mới để chứa các thông tin giao dịch. Việc này được đảm nhận bởi thành phần có tên gọi là “Miners”. Họ sẽ phải giải đáp những bài toán phức tạp và gửi đáp án đúng đến toàn mạng lưới nhanh nhất. Nói ngắn gọn thì các miners đào Bitcoin để nhận phần thưởng bằng cách sử dụng cơ chế của POW và sau đó sẽ xác minh bằng các node phi tập trung trong mạng.
Ngày 3 tháng 01 năm 2009, Bitcoin ra đời khi Satoshi đã đào được khối bitcoin đầu tiên với phần thưởng là 50 bitcoin.
Satoshi không sáng tạo ra blockchain nhưng đó là người đầu tiên tạo ra một đơn vị tiền tệ phi tập trung dựa trên công nghệ blockchain. Người được nhận Bitcoin đầu tiên là Hal Finney, ông nhận được 10 bitcoin từ Satoshi Nakamoto tại giao dịch bitcoin đầu tiên của thế giới vào ngày 12 tháng 01 năm 2009.
Năm 2013: Ethereum và Smart Contract
Vitalik Buterin, nhà lập trình và nhà đồng sáng lập Bitcoin Magazine chỉ ra rằng Bitcoin cần một ngôn ngữ mật mã để có thể xây dựng các ứng dụng phi tập trung. Không có được sự chấp thuận của cộng đồng, Vitalik đã bắt đầu phát triển một nền tảng tính toán phân tán dựa trên blockchain mới, Ethereum, với 1 chức năng mật mã mới được gọi là hợp đồng thông minh (Smart Contract).
Ethereum và smart contract xác nhận được ra đời năm 2013.
Smart Contract là những chương trình hoặc tệp lệnh được triển khai và thực thi trên mạng lưới blockchain Ethereum. Các Smart Contract được viết bằng một số ngôn ngữ lập trình cụ thể và biên soạn thành bytecode trên một hệ thống được gọi là máy ảo Ethereum (EVM) nhằm biên dịch, đọc và thực thi.
Các nhà phát triển cũng có thể tạo và xuất bản những ứng dụng chạy trên nền tảng mạng lưới blockchain Ethereum. Các ứng dụng này thường được biết đến như là các DApp (ứng dụng phi tập trung) và cho tới nay đã có hàng trăm DApp đang được chạy trên mạng lưới blockchain Ethereum, bao gồm các sàn giao dịch, các ứng dụng về bảo mật và các nền tảng truyền thông xã hội hay các ứng dụng game.
Tiền điện tử của Ethereum được biết với mã thông báo đó là ETH. Nó có thể được chuyển giữa các tài khoản trong cùng mạng lưới.
Đặc điểm nổi bật của Blockchain
Tính bất biến: Tất cả các giao dịch khi thực hiện trên Blockchain không thể làm giả, không thể phá hủy, thêm bớt hay chèn dữ liệu. Các dữ liệu ở trong Blockchain được lưu trữ mãi mãi. Theo lý thuyết, nếu không còn Internet trên toàn cầu thì chỉ có máy tính lượng tử mới có thể giải mã Blockchain và công nghệ Blockchain sẽ biến mất.
Tính bảo mật: Thông tin, dữ liệu được phân tán và an toàn tuyệt đối chính là đặc điểm tiếp theo của Blockchain. Chỉ có người nắm giữ Private Key (khóa riêng tư) mới có thể truy cập vào các dữ liệu bên trong Blockchain.
Tính minh bạch: Bất cứ ai cũng có thể theo dõi được dữ liệu Blockchain đi từ địa chỉ này tới địa chỉ khác. Đặc biệt, ai cũng có thể thống kê và truy xuất toàn bộ lịch sử ở trên địa chỉ đó. Thậm chí người ta có thể phân quyền để cho phép người khác có thể truy cập vào một phần thông tin trên Blockchain.
Hợp đồng thông minh: Là hợp đồng kỹ thuật số được nhúng vào đoạn code if-this-then-that (IFTTT) và chúng có thể tự thực thi mà không cần có bên thứ ba, không ai có thể ngăn cản hoặc là phá hủy hợp đồng này.
Tính phi tập trung: Blockchain hoạt động độc lập dựa trên cơ chế của những thuật toán đồng thuận hoàn toàn không bị bất kỳ một tổ chức nào nắm quyền kiểm soát nên sẽ không có chuyện bên thứ 3 nắm quyền kiểm soát.
Tính phân tán: Các block chứa dữ liệu giống nhau nhưng nó được phân tán ở nhiều nơi khác nhau. Nên trong trường hợp dữ liệu gặp vấn đề mất hay hỏng thì vẫn có thể khôi phục nhờ dữ liệu còn ở trên Blockchain.
Blockchain và xu hướng tương lai
Công nghệ Blockchain ngày càng được nhiều các công ty và tập đoàn lớn phát triển với việc xây dựng một mạng lưới của riêng mình. Chính phủ của các quốc gia trên thế giới cũng dần soạn thảo luật để đưa vào chính sách trong quốc gia của họ.
Theo đó, trong thời gian tới hệ thống Blockchain chắc chắn sẽ tạo nên một cuộc cách mạng tại Việt Nam và đóng một vai trò ngày càng lớn trong việc thay đổi thế giới công nghệ.
Kết luận
Qua bài viết trên mọi người đã hiểu thêm được Blockchain là gì cũng như ai tạo ra công nghệ Blockchain. Ngày nay công nghệ blockchain đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của cá nhân, tổ chức và được sử dụng cho nhiều ứng dụng khác nhau trong cuộc sống, hy vọng nền tảng công nghệ này sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.