Xuất hóa đơn điện tử khi mua bán vàng: Nhiều nơi muốn có phải...chờ
BÀI LIÊN QUAN
Nhiều người gặp khó khi thực hiện hoàn thuế thu nhập cá nhânPhát hành chứng chỉ vàng có thể “trị” đầu cơ tích trữ?Bán vàng online: Nếu không tăng nguồn cung sẽ chỉ ổn định được thời gian ngắnNơi có nơi không
Quan sát tại một cửa hàng vàng trên phố Cầu Gỗ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho thấy, khi các khách hàng hỏi mua vàng, chủ cửa hàng cho biết các loại vàng miếng SJC, vàng nhẫn trơn 9999 của SJC đều không còn hàng, chỉ bán các loại trang sức nhẫn, bông tai, dây chuyền…do tiệm chế tác
Khi được hỏi có hóa đơn điện tử không, chủ cơ sở khẳng định có nhưng chỉ xuất cho vàng SJC, còn các loại vàng khác chỉ có hóa đơn viết tay. Lý do được người này đưa ra là, tâm lý chung của mọi người đều là “mua đâu bán đó”, trong khi trên từng sản phẩm mua tại cửa hàng đều có khắc tên tiệm, loại vàng, chỉ cần nhìn vào sản phẩm là biết.
Thực tế, ngay lúc đó, có khách hàng đến bán vàng và nhân viên chỉ cần tiến hành thử tuổi vàng rồi báo giá mua lại chứ cũng không yêu cầu hóa đơn mua sản phẩm trước đó. Khi người mua nhất định muốn xuất hóa đơn điện tử, chủ cửa hàng này nói nếu muốn nhận thì phải chờ, còn nếu muốn có ngay thì không thể. Nếu người mua không chờ đợi được, cửa hàng xin phép không bán hàng.
Tại một cửa hàng khác cũng trên phố Cầu Gỗ, khi được hỏi mua vàng có xuất hóa đơn không điện tử không, chủ tiệm cho biết có cung cấp hóa đơn điện tử cho khách hàng lẻ nhưng khách hàng để lại thông tin, chờ người phụ trách nhập liệu sẽ gửi hóa đơn vào email, thời gian chờ đợi có thể ngay hôm sau, có khi vài ngày, chưa kể lỗi mạng, trục trặc đường truyền.
Đề cập đến vấn đề cung cấp hóa đơn điện tử cho khách mua vàng, chủ một cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, ngay từ những ngày đầu tháng 6, cửa hàng đã gắn bảng yêu cầu khách mang theo CCCD khi đến giao dịch để xuất hóa đơn điện tử.
Tuy nhiên, từ khi áp dụng hóa đơn điện tử, chi phí kinh doanh đã tăng lên rất nhiều từ việc thêm nhân công, chi phí sản phẩm cũng tăng vì để đảm bảo chứng từ, phải nhập vàng từ doanh nghiệp lớn, không lấy từ các đầu mối nữ trang truyền thông như trước đây nên giá sẽ cao hơn.
Thậm chí có trường hợp, khách hàng không chịu cung cấp thông tin, cho chụp hình CCCD để xuất hóa đơn điện tử, một số người còn bỏ đi mua vàng nơi khác.
Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thu Vân - giám đốc một công ty cung cấp dịch vụ kế toán thuế cho biết, hóa đơn điện tử bán lẻ thì không nhất thiết cần CCCD, khách hàng chỉ cần cung cấp họ tên. Việc xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối thẳng với cơ quan thuế cơ bản nhanh chóng, không nhiều phức tạp.
Những trường hợp gặp khó với việc xuất hóa đơn, có thể nhân viên bán hàng hoặc chủ cửa hàng chưa tìm hiểu kỹ về thủ tục xuất hóa đơn điện tử nên “chưa tìm được tiếng nói chung” với khách hàng. Ngay cả với trường hợp khách hàng không muốn lấy hóa đơn, cửa hàng vẫn làm thủ tục xuất hóa đơn cho từng lần bán, ghi nhận doanh thu để minh bạch nghĩa vụ với cơ quan thuế.
Doanh nghiệp gặp khó với chứng từ
Ông Nguyễn Văn Dưng – Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hòa TP.HCM cho biết, do đặc thù vàng là ngành kinh doanh có điều kiện nên các doanh nghiệp luôn tuân thủ quy định của Nhà nước và đã kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế. Tuy nhiên, đa số những khó khăn trong quá trình thực hiện của các doanh nghiệp là liên quan đến chứng từ về nguồn gốc, xuất xứ vàng.
Ông Dưng lý giải, do hơn chục năm qua, Ngân hàng Nhà nước không cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng nên các doanh nghiệp chủ yếu mua vàng trôi nổi trên thị trường. Nay phải hoàn thiện chứng từ nên cần sự hướng dẫn của cơ quan thuế để từng bước, đồng bộ.
Tương tự, một chủ tiệm vàng cũng cho biết, quy định của cơ quan Nhà nước đã ban hành những người kinh doanh không thể chống đối nhưng hiện nay không ít cửa hàng vẫn còn hàng mua từ nhiều năm trước như nhẫn, nữ trang của khách hàng cũ, hoặc khách lạ đều không có hóa đơn chứng từ thì bây giờ khó chứng minh nguồn gốc để xuất hóa đơn điện tử.
Chị Thu – chủ một cửa hàng vàng trên ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) cũng bày tỏ lo lắng, với số vàng nhập từ PNJ có hóa đơn thì mình bán lại cũng có hóa đơn nhưng số vàng mua của khách nhiều nguồn vàng cũ, đã nấu lại thành 1 cục khi bán khách hàng hỏi hóa đơn và nguồn gốc thì cửa hàng không thể chứng minh được.
Hiện, cả nước có trên 12.500 doanh nghiệp mua bán chế tác vàng bạc và hơn 5.000 hộ, cá nhân gia công mặt hàng này. Phần lớn người dân khi mua vàng trang sức, mỹ nghệ không lấy hóa đơn, dẫn tới khó khăn cho ngành thuế trong kiểm soát giao dịch.
Mới đây, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, hiện mua bán vàng bằng tiền mặt rất dễ dàng. Do vậy, để chống thất thu ngân sách, ngành thuế đề xuất Ngân hàng Nhà nước phối hợp để đưa kinh doanh vàng vào quản lý thanh toán qua tài khoản ngân hàng.
Việc này giúp kiểm soát dòng tiền, chống rửa tiền và thực hiện chủ trương Chính phủ về thanh toán tiền mặt.
Theo Luật Quản lý thuế, thanh toán trực tuyến được áp dụng với tổ chức khi giao dịch từ 20 triệu đồng trở lên, để họ được khấu trừ, tính vào chi phí. Do đó, nếu hạn chế tiền mặt khi mua bán vàng, giới chuyên môn cho rằng cần sự vào cuộc từ phía Ngân hàng Nhà nước.