Nhiều người gặp khó khi thực hiện hoàn thuế thu nhập cá nhân
Gian nan đi hoàn thuế
Hoàn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là người nộp thuế được trả lại phần nộp thừa trong năm hoặc có thu nhập tính thuế chưa đến ngưỡng phải nộp. Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định, cá nhân không có người phụ thuộc, thu nhập dưới 132 triệu đồng/năm thì có thể làm thủ tục hoàn phần nộp thừa. Trường hợp có người phụ thuộc (bố, mẹ, vợ, con, anh, chị) thì với mỗi người, phần thu nhập được khấu trừ thêm 52,8 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân phản ánh đang gặp khó khăn trong quá trình làm thủ tục hoàn thuế TNCN. Chị Nguyễn Huyền Trang (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị đang làm việc tại một công ty truyền thông. Ngoài lương từ công ty, chị còn có thêm thu nhập từ các công việc nhận thêm bên ngoài. Nhưng những khoản này khá nhỏ, khiến việc tổng hợp thu nhập và các chứng từ chứng minh số thuế tạm khấu trừ khá mất thời gian.
Chị Trang chia sẻ, các thủ tục khác như kê khai, giấy tờ, hồ sơ gửi về cơ quan thuế… khá phức tạp, rườm rà. Nhiều khi hồ sơ chưa đạt nên phải sửa, bổ sung, chờ mấy tháng mới xong. Chị đã phải làm đi làm lại vì thiếu chứng từ, hồ sơ nhiều lần. Thấy mất quá nhiều thời gian, tôi đã thuê dịch vụ kế toán với chi phí 2 triệu đồng để họ hỗ trợ làm hồ sơ hoàn thuế. Chị Trang bảo, chấp nhận bỏ ra chi phí để được hỗ trợ giải quyết, chứ chị chật vật mãi mà chưa xong.
Trong khi đó, chị Phạm Thị Phương Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) thấy thủ tục phức tạp quá nên đã từ bỏ tiền hoàn thuế TNCN. Chị Mai cho biết, năm 2022, ngoài thu nhập chính, chị còn nguồn thu nhập thứ 2 từ việc nhận làm cộng tác cho một công ty.
Sau khi kết thúc công việc, chị kiểm tra thì được biết tổng số thuế bị khấu trừ tại đơn vị này là gần 10 triệu đồng. Chị đã liên hệ xin các chứng từ khấu trừ để làm thủ tục hoàn thuế TNCN nhưng có lúc họ nói bận, khi thì trả lời còn phải kiểm tra… Chị thấy họ không có tinh thần hỗ trợ nên chấp nhận từ bỏ số tiền này.
Trường hợp của bà P.B.T.N. (TP. Thủ Đức, TP. HCM) thì phức tạp hơn. Trước năm 2021, bà N. làm công nhân tại một công ty may nên đã dùng chứng minh nhân dân đăng ký mã số thuế (MST). Sau đó, bà xin nghỉ việc. Năm 2022 và 2023, bà N. có khoản thu nhập vãng lai nên muốn làm thủ tục hoàn thuế TNCN nên đã đăng ký MST mới bằng căn cước công dân.
Ngày 3/4/2024, bà N. nhận được quyết định đồng ý hoàn thuế của năm 2022. Nhưng ngay sau đó, ngành thuế thông báo rằng bà không thể được hoàn thuế do đã có MST cũ. Bà xin hủy MST cũ nhưng Cục Thuế TP. HCM không đồng ý. Nơi đây hướng dẫn rằng, nếu muốn hủy thì phải hủy MST mới, đồng thời làm thủ tục hoàn thuế lại từ đầu. Bà N. nộp hồ sơ hủy MST mới theo hướng dẫn thì ngành Thuế lại thông báo không thể hủy bởi quyết định hoàn thuế trước đó đã báo vào MST mới.
Bà N. chia sẻ, mất hơn nửa năm, nhiều lần đến cơ quan thuế, bà vẫn chưa thể hoàn thành thủ tục hoàn thuế TNCN.
Anh T.Q.H. (quận 3, TP. HCM) cũng khổ sở khi làm thủ tục hoàn thuế TNCN năm 2022. Anh H. kể, ngày 16/5/2024, anh nhận được thông báo chấp nhận đề nghị hoàn thuế. Đến ngày 30/5, anh lại nhận được thông báo việc hoàn thuế bị ngừng do công ty nơi anh làm việc trước đó đã khấu trừ thuế TNCN tại nguồn cho anh và công ty này chưa trả nợ thuế năm 2022 - 2023.
Anh bức xúc chia sẻ, anh bị khấu trừ thuế TNCN để đóng cho Nhà nước nhưng không nhận được phần tiền hoàn của mình. Công ty không trả nợ thuế là lỗi của công ty, sao lại bắt người lao động chịu thiệt.
Nên có kiến thức về kê khai thuế
Anh Nguyễn Thủy - chuyên viên một doanh nghiệp tư vấn dịch vụ kế toán cho hay, việc quan trọng nhất khi làm thủ tục hoàn thuế là phải đầy đủ hồ sơ, chứng từ, đặc biệt là chứng từ khấu trừ thuế TNCN. Nếu không có chứng từ này, người nộp thuế không thể lấy lại tiền hoàn. Một vấn đề nữa khi xử lý dịch vụ thuế cho khách hàng mà anh thường gặp là nhiều người có 2 mã số thuế.
Anh Thủy lấy ví dụ một trường hợp khách hàng của anh. Người này có 1 mã số thuế được đăng ký bằng chứng minh thư cũ từ năm 2012. Gần đây, khách hàng này có thêm mã số thuế thứ 2 được cấp theo căn cước công dân. Cả hai mã này đều đang hoạt động. Vị khách này không được cơ quan thuế chấp nhận hồ sơ hoàn thuế, lý do hồ sơ có 2 mã số thuế. Vì vậy, anh phải hỗ trợ làm các thủ tục xin đóng mã số thuế, sau đó mới tiếp tục làm hồ sơ hoàn thuế.
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. HCM (Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM) cũng cho rằng, người lao động và doanh nghiệp đang gặp khó khi làm thủ tục hoàn thuế.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như người lao động chưa nắm được các quy trình thủ tục; lượng người nộp hồ sơ hoàn thuế quá đông khiến hệ thống bị quá tải, tiến độ giải quyết bị chậm; do không có nhân sự am hiểu về kế toán nên doanh nghiệp không chịu xác nhận thu nhập để người lao động được hoàn thuế.
Theo luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, để việc hoàn thuế thuận lợi, người nộp thuế cần có kiến thức về kê khai thuế để biết phần thu nhập nào có tính thuế và không tính thuế. Ngành Thuế cũng cần tuyên truyền cho doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ xác nhận thu nhập cho người lao động.
Hiện các đại lý thuế có bộ phận tư vấn làm hồ sơ kê khai hoàn thuế TNCN miễn phí, những người làm thủ tục lần đầu tiên nên liên hệ các đại lý để được hướng dẫn.