Xuất hiện “sóng ngầm” lãi suất huy động?
BÀI LIÊN QUAN
Lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm sẽ giúp gỡ khó nguồn vốn cho doanh nghiệpNHNN: Các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệpLãi suất ưu đãi vay mua nhà năm 2023 lên 5%/nămYêu cầu giảm lãi suất huy động
Theo tuoitre.vn, ngày 15/12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam họp bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Tại buổi họp, Hiệp hội và các ngân hàng thành viên thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất) để ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm.
Sau đó 5 ngày, tức là ngày 20/12, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Ninh ban hành văn bản yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn nghiêm túc thực hiện đồng thuận lãi suất không quá 9,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn, bao gồm cả khoản khuyến mãi.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu các ngân hàng căn cứ khả năng, năng lực tài chính để tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp với mức giảm từ 0,5 - 2%/năm, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên.
Tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tây Ninh cũng có văn bản yêu cầu các ngân hàng thực hiện cam kết đồng thuận lãi suất huy động cao nhất ở mức 9,5%/năm.
Cả Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Ninh và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tây Ninh đều nhấn mạnh sẽ giám sát chặt chẽ việc thực hiện cam kết của các đơn vị và có biện pháp xử lý nghiêm khắc với các trường hợp vi phạm cam kết.
Tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Đà Nẵng cũng vừa có văn bản gửi các ngân hàng. Theo đó, đã có 16 ngân hàng đăng ký và cam kết giảm lãi suất huy động về mức cao nhất là 9,5%/năm và lãi suất cho vay giảm từ 0,5 - 3%/năm.
"Trước tình hình khó khăn và cấp bách hiện nay, trên tinh thần hỗ trợ, đề nghị các ngân hàng đồng thuận với chủ trương giảm lãi suất huy động và cho vay nhằm giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh…", văn bản của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Đà Nẵng nêu rõ.
“Sóng ngầm” lãi suất huy động
Theo ghi nhận, sau khi có yêu cầu từ Hiệp hội Ngân hàng mặt bằng lãi suất huy động niêm yết tại nhiều ngân hàng đã giảm về vùng 9,5%/năm.
Tại Ngân hàng Saigonbank từng dẫn đầu về lãi suất huy động trên toàn hệ thống với mức lãi suất lên tới 10,5%/năm. Tuy nhiên, sau khi có lời kêu gọi, nhà băng này đã hạ mức lãi suất xuống còn 9,5%/năm đối với tiền gửi online, kỳ hạn 13 tháng. Kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất hạ xuống còn 9,4%/năm; kỳ hạn 18 - 36 tháng mức lãi suất là 9,3%/năm; kỳ hạn 6 - 11 tháng mức lãi suất là 9,2 - 9,3%/năm.
Tại Ngân hàng OceanBank, mức lãi suất cao nhất cuối tháng 11 của là 10%/năm thì nay đã hạ về còn 9,2%/năm.
Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải (MSB) kể từ ngày 19/12, điều chỉnh giảm 0,4 điểm phần trăm lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn. Mức lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn từ 13 đến 36 tháng giảm từ 9,4%/năm xuống còn 9%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm từ 9,3%/năm xuống còn 8,9%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng giảm từ 9,2%/năm còn 8,8%/năm.
Tuy nhiên, dù đã có cam kết đồng thuận hạ lãi suất nhưng “sóng ngầm” vẫn diễn ra tại một số ngân hàng bằng nhiều cách khác nhau. Phổ biến là truyền miệng, không nhắn tin cho khách hàng nhưng vẫn có ngân hàng cho áp dụng lãi suất lên đến 13%/năm với số tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên với nguồn tiền mới. Có ngân hàng cho nhân viên chào mức lãi suất 12,5 - 13%/năm ở các kỳ hạn gửi từ 6 tháng hoặc chi thêm lãi suất theo kiểu “gửi bao nhiêu tỷ tặng bấy nhiêu triệu”; ngân hàng tặng tiền 850.000 đồng nếu gửi tiết kiệm 50 triệu đồng kỳ hạn 1 tháng hoặc 600.000 đồng vào tài khoản khi gửi tiết kiệm thành công.