VN-Index lập đỉnh mới, nhà đầu tư nên hành động ra sao?
BÀI LIÊN QUAN
Chứng khoán sát đỉnh, lãi vay hạ nhiệt có phải thời điểm thích hợp để "xuống tiền"?Dòng tiền có “đổ” vào chứng khoán khi lãi suất cho vay margin thấp?Sôi động cuộc đua công nghệ của các công ty chứng khoánThị trường chứng khoán Việt Nam chốt tuần vừa qua ở mức 1.258,28 điểm, tăng 46,28 điểm (3,82%) so với tuần trước đó. Trong tuần, thị trường đón nhận nhiều thông tin tích cực như: CPI tháng 2 tăng 1,04% so với tháng trước, ước tính tổng kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đạt 113,96 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4,72 tỷ USD, bên cạnh đó, nhiều chỉ đạo quan trọng tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán 2024 dưới sự chủ trì của Thủ tướng,...
Trong đó, mã VCB tác động mạnh nhất đến VN-Index, giúp chỉ số chính tăng 11,6 điểm. Xếp ở các vị trí tiếp theo là HPG, FPT, GVR, MSN, DGC, SSI, MWG. Có thể thấy, đà tăng của chỉ số có đóng góp từ nhiều nhóm ngành khác nhau.
Về giao dịch khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhẹ với giá trị hơn 107 tỷ đồng trong tuần vừa qua, trong đó, HPG được mua mạnh nhất với giá trị 621 tỷ đồng, xếp thứ 2 là SSI với giá trị 521 tỷ đồng. Ở chiều bán ròng, dẫn đầu là chứng chỉ quỹ VN-Diamond (FUEVFVND) với 352 tỷ đồng.
VCB tác động mạnh nhất đến đà tăng của VN-Index tuần qua. |
Nhà đầu tư nên tiếp tục “ôm” cổ phiếu, chốt lời hay mua thêm?
Theo ông Phạm Bình Phương - chuyên viên phân tích của Chứng khoán Mirae Asset, việc chỉ số VN-Index vượt và thành công trụ vững ở mốc 1.250 điểm là diễn biến tích cực trong tuần. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán có thể sẽ phải chịu áp lực lớn tại vùng 1.250-1.270 điểm và VN-Index cần nhiều thời gian hơn để tích lũy.
Còn theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) phân tích, đà tăng của thị trường trong tuần qua có nhiều hưng phấn. Trong ngắn hạn, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm và hướng tới vùng cản mạnh 1.300 điểm. Tuy nhiên, SHS cho rằng, đà tăng vừa qua không dựa trên nền tích lũy đủ tin cậy. Công ty chứng khoán này không đánh giá cao khả năng VN-Index hình thành xu hướng tăng. Có khả năng thị trường sẽ trở lại xu hướng điều chỉnh và quay lại kênh kỳ vọng tích lũy 1.150-1.250 điểm.
Trong trung hạn, VN-Index đang dần vận động để hình thành kênh tích lũy rộng trung hạn 1.150-1.250 điểm. Chỉ số chính hiện đã tiệm cận vùng cản trên của kênh tích lũy, nên rủi ro trong trung hạn đang tăng lên.
Nhóm phân tích đến từ SHS nhận định, giai đoạn này, rủi ro cả ngắn hạn và trung hạn đang tăng lên. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng cũng như hạn chế giao dịch và mua đuổi. Trong khi đó, với tầm nhìn trung, dài hạn, thị trường đang vận động trong nhịp tăng của kênh tích lũy nhưng đã tiệm cận cản trên nên có thể sẽ rung lắc mạnh. Chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư không nên giải ngân ở giai đoạn hiện tại mà nên chờ đợi thị trường bước vào nhịp giảm ngắn hạn.
Theo quan sát của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường tiếp tục có trạng thái giằng co và thăm dò vùng 1.250 điểm. Thanh khoản giảm cùng với diễn biến nâng đỡ trong phiên cuối tuần đã cho thấy nguồn cung đang có động thái hạ nhiệt. Theo đó, vùng 1.250 điểm đang có động lực hỗ trợ và kiểm tra lại vùng này đang theo chiều hướng khả quan.
Dự kiến, thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ cũng như có cơ hội nới rộng xu thế tăng trong tuần giao dịch tiếp theo. Vì thế, nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá trạng thái thị trường. Thời điểm này, nhà đầu tư nên ưu tiên các cổ phiếu đang có tín hiệu tốt ở vùng hỗ trợ để nắm giữ hoặc mua tích lũy. Tuy nhiên, cũng nên tận dụng nhịp tăng để chốt lời các cổ phiếu đang có diễn biến thận trọng ở vùng kháng cự.
Trong khi đó, Chứng khoán VPBank cho rằng, trong các phiên giao dịch thời gian tới, VN-Index có thể sẽ kiểm nghiệm lại ngưỡng kháng cự 1.275-1.285 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể nắm giữ các cổ phiếu còn dư địa tăng trưởng và chưa tăng nóng. Còn với nhà đầu tư trung và dài hạn nên ưu tiên các nhóm dẫn dắt thị trường như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, vật liệu xây dựng, bán lẻ và hàng tiêu dùng, dầu khí,...
Dòng tiền duy trì tốt trong thị trường, lan tỏa và luân chuyển xoay vòng trong các nhóm ngành. (Ảnh minh họa) |
“Săn” cơ hội ở nhóm cổ phiếu có triển vọng
Theo ông Nguyễn Đình Thuận, Chuyên viên phân tích Chứng khoán KB Việt Nam, thị trường chứng khoán vừa có tuần giao dịch ở trạng thái tương đối tích cực với dòng tiền lan tỏa sang nhiều nhóm ngành khác nhau. Từ ngân hàng, dòng tiền luân phiên tìm tới các nhóm ngành khác như chứng khoán, thép, dầu khí, thủy sản,...
Trong tuần này, vị chuyên gia cho rằng, trong kịch bản cơ sở, VN-Index có thể tiếp đà phục hồi với thanh khoản duy trì nhưng sẽ xuất hiện nhiều hơn những pha rung lắc trên đường đi lên. Đặc biệt, ông Thuận lưu ý tới rủi ro VN-Index có nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn cũng sẽ tăng dần khi thị trường tiếp cận gần các ngưỡng kháng cự tại vùng cao và xuất hiện áp lực chốt lời.
Theo đó, vị chuyên gia cho rằng dòng tiền sẽ tìm đến nhóm ngành có yếu tố tích cực từ triển vọng kết quả kinh doanh tốt trong năm 2024 và giá cổ phiếu đang ở vùng nền tích lũy hoặc chỉ mới phát đi tín hiệu tăng. Trong đó, một số nhóm ngành với câu chuyện kỳ vọng trong năm 2024 có thể lưu ý như nhóm bán lẻ với kỳ vọng tăng trưởng kết quả kinh doanh phục hồi từ nền thấp, nhóm bất động sản khu công nghiệp với câu chuyện dòng vốn FDI, nhóm xuất khẩu với trạng thái nhu cầu phục hồi,... Ngoài ra, một số nhóm ngành trễ nhịp hơn so với thị trường cũng có thể nhận được sự chú ý của dòng tiền trong những phiên tới.
Trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư được khuyến nghị nên nắm giữ cổ phiếu với mức tỷ trọng vừa phải. Danh mục nên ưu tiên duy trì những mã có triển vọng kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2024 cũng như giá đang ở nền tích lũy hoặc vừa phát đi tín hiệu tăng. Với danh mục có tỷ trọng cổ phiếu cao, nhà đầu tư nên cân nhắc hạ dần tỷ trọng với những mã đã tăng nóng và xuất hiện dấu hiệu suy yếu, vi phạm xu hướng tăng.
Nhà đầu tư nên chấp nhận rủi ro cao hơn, nhịp chỉnh là cơ hội gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. (Ảnh minh họa) |
Về thời điểm giải ngân mới, vị chuyên gia cho biết, nhà đầu tư nên tránh mua đuổi tại những nhịp tăng sớm và kiên nhẫn chờ gia tăng tỷ trọng khi VN-Index có nhịp điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ đáng lưu ý cùng xu hướng của dòng tiền vẫn được duy trì tích cực.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đình Thuận cũng kỳ vọng vào sự trở lại của dòng vốn ngoại trong thời gian tới. Nếu Việt Nam được các tổ chức thế giới nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi trong năm 2025, hàng tỷ USD từ các quỹ đầu tư lớn của nước ngoài sẽ được giải ngân vào thị trường Việt Nam.
Đồng thời, Việt Nam là quốc gia với tiềm năng phát triển kinh tế mạnh mẽ cùng nền chính trị ổn định. Thêm vào đó, những nỗ lực của Chính phủ thời gian gần đây trong việc cải thiện môi trường đầu tư càng khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh vĩ mô ổn định và định giá thị trường hiện nay vẫn tương đối hợp lý, dòng vốn ngoại còn nhiều động lực để trở lại đầu tư vào thị trường Việt Nam trong tương lai gần.
Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam, đà hưng phấn của nhóm ngân hàng đã lan tỏa sang một số nhóm cổ phiếu khác như chứng khoán, thép, bất động sản, thực phẩm,... Nhìn chung, các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang thay nhau dẫn dắt giúp VN-Index bật tăng mạnh về điểm số.
Hiện nay, dòng tiền vào chứng khoán đang quá mạnh và bản chất thị trường không có nhiều lý do để điều chỉnh quá sâu, vị chuyên gia đến từ Yuanta cho rằng mức hỗ trợ 1.200-1.210 điểm khá mạnh cho những nhịp điều chỉnh sắp tới.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, chỉ số VN-Index vẫn sẽ có sức bật tốt lên vùng 1.300 điểm, tích cực hơn là 1.414 điểm. Tuy nhiên, rung lắc sẽ khó tránh khỏi trong quá trình đi lên, nhưng chuyên gia đánh giá đây là cơ hội gia tăng tỷ trọng cổ phiếu cho tầm nhìn trong cả ngắn, trung và dài hạn.
Về chiến lược đầu tư ở thời điểm hiện tại, chuyên gia Yuanta cho rằng nhà đầu tư nên chấp nhận rằng rủi ro sẽ cao hơn. Cơ hội vẫn xuất hiện ở một số nhóm cổ phiếu mới bắt đầu ghi nhận đà tăng như thép, hay một vài cổ phiếu bất động sản và chứng khoán./.