meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh mở ra kỷ nguyên mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam 

Chủ nhật, 29/01/2023-20:01
Vào tháng 6/2023, dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh sẽ khởi công sau 12 năm quy hoạch. Dự án này được kỳ vọng không chỉ có tác động đột phá về hạ tầng, kinh tế, xã hội tại các địa phương nó đi qua mà còn tới cả 8 tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Dự án trì hoãn suốt 12 năm 

Theo tuoitre.vn, từ năm 2011, dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh được quy hoạch với tổng chiều dài hơn 90 km đi qua bốn địa phương gồm TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Điểm đầu của dự án tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối tại nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Đây được xem là tuyến đường có vai trò chiến lược trong việc hình thành mạng lưới giao thông liên kết các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của toàn vùng. Mặc dù có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhưng cho đến nay, sau 12 năm mới chỉ có 16 km đầu tiên thuộc đoạn Bình Chuẩn - Tân Vạn trên địa bàn tỉnh Bình Dương được triển khai và hoàn thành. Nguyên nhân là do thiếu mặt bằng và phát sinh chi phí đầu tư. 


Đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn thuộc đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành.
Đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn thuộc đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành.

Nhận thấy không thể trì hoãn xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh thêm nữa, tháng 6/2022 Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết 57 về chủ trương đầu tư phần còn lại dài hơn 74 km của dự án. Với tổng số vốn hơn 75.300 tỷ đồng, đây là dự án có kinh phí lớn nhất trong các công trình giao thông phía Nam đến thời điểm này.

Vành đai 3 được chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương có dự án đi qua thực hiện hai dự án gồm xây lắp và giải phóng mặt bằng. Tuyến đường có quy mô 6-8 làn xe, giai đoạn một sẽ làm trước 4 làn, hai bên xây đường song hành. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng sẽ được thực hiện toàn bộ để tránh tăng kinh phí giải phóng mặt bằng. Giải phóng mặt bằng là khâu mấu chốt, khó khăn, phức tạp nhất, theo tính toán ban đầu cho thấy, có khoảng 3.863 hộ dân trong diện phải giải tỏa, bồi thường ở các tỉnh dự án. 

TP Hồ Chí Minh là địa phương được giao làm cơ quan đầu mối chủ trì triển khai dự án. Dự kiến khởi công vào tháng 6/2023 và hoàn thành sau 3 năm.   

“Con gà cao sản đẻ trứng vàng”

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (chủ đầu tư dự án thành phần ở thành phố) cho biết, dự án Vành đai 3 sẽ kết nối 5 tuyến cao tốc hướng tâm, gồm: TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài và TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành tạo liên kết cho cả vùng. Công trình sẽ giúp giảm ùn tắc cũng như tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển.

Không những vậy, sau khi hoàn thành, vành đai 3 mở ra không gian mới, hình thành các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển, giảm thời gian di chuyển và chi phí logistics giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo nên lợi thế cạnh tranh lớn trong trong khu vực. 

"Công trình sẽ tạo động lực mới cho kinh tế, xã hội cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hơn 20 triệu người", ông Phúc nói.


Sơ đồ tuyến đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.
Sơ đồ tuyến đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã từng ví Vành đai 3 là "con gà cao sản đẻ trứng vàng" cho vùng kinh tế trọng điểm. Ngoài vai trò kết nối giao thông vùng, vành đai 3 sau khi hoàn thành được còn được kỳ vọng mở ra hướng mới phát triển không gian đô thị, hình thành quỹ đất lớn để khai thác và kêu gọi đầu tư. Việc khai thác quỹ đất dọc tuyến đường vành đai 3 sau khi hoàn thành sẽ tạo nguồn thu lớn cho ngân sách của 4 địa phương, nguồn ngân sách này sẽ được dùng để tái đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, kinh tế. 

Trong bối cảnh hạ tầng giao thông khu vực thiếu và yếu, giao thông nội đô vốn đã quá tải và ngày càng chịu thêm áp lực phương tiện, ùn tắc giao thông trên các trục đường cửa ngõ, lãnh đạo các địa phương có dự án đi qua bày tỏ quyết tâm nhanh chóng thực hiện dự án này đúng tiến độ. 

"Tiến độ chung của Vành đai 3 hiện cơ bản đáp ứng. 4 tỉnh, thành liên quan đang khẩn trương triển khai các phần việc để kịp khởi công dự án vào tháng 6", ông Mãi nói.


Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh sẽ mở ra cơ hội mới cho 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh sẽ mở ra cơ hội mới cho 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh không chỉ là con đường chiến lược tạo liên kết vùng, mà cho thấy thay đổi rất lớn trong cách làm. Đây là dự án trọng điểm quốc gia nhưng giao cho TP Hồ Chí Minh làm đầu mối triển khai. Điều này cho thấy rõ cơ chế phân cấp, phân quyền cũng như vai trò của các địa phương khi làm công trình lớn.

"Dự án cũng được áp dụng một số giải pháp đặc thù nên nếu làm tốt có thể tính toán tạo thành cơ chế chung cho các dự án lớn khác", ông Lịch nói. Trên cơ sở triển khai dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, nên nghiên cứu hình thành cơ chế khai thác quỹ đất gắn với xây dựng hạ tầng, vì nếu khai thác tốt quỹ đất dọc tuyến sẽ tạo nguồn lực khổng lồ để tái đầu tư cho địa phương.

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng cho dự án, ông Ngô Thịnh Đức, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, thành viên hội đồng cố vấn cho dự án Vành đai 3 cho biết, công tác giải phóng mặt bằng là thách thức lớn nhất của dự án. Do đó, nên có các chính sách bồi thường, tái định cư thống nhất giữa các tỉnh, thành và chặt chẽ trong việc triển khai. Bốn địa phương có dự án đi qua phải tính toán chủ động nguồn vật liệu thi công, đặc biệt trong bối cảnh nhiều dự án lớn khác đang cùng lúc triển khai tại khu vực phía Nam. 

Tại TP Hồ Chí Minh, dự kiến giá bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng bởi đoạn tuyến qua địa bàn quản lý dài hơn 47 km theo dự toán với đất ở từ 18,7 - 40,1 triệu đồng/m2, hỗ trợ chuyển đổi nghề với đất trồng cây lâu năm từ 3,8 - 8,2 triệu đồng/m2, với đất trồng cây hàng năm dự kiến từ 3,2 - 6 triệu đồng/m2.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Nhà trọ, chung cư mini không cam kết về PCCC sẽ bị dừng hoạt động

Công an Hà Nội yêu cầu dừng giao dịch 77 lô đất dịch vụ tại La Khê, Hà Đông

Khu vực sẽ được đầu tư hơn 1.250 tỷ đồng xây dựng dự án công viên lớn thứ 2 Hà Nội: Gấp đôi công viên Thống Nhất, gấp 5 công viên Hòa Bình

Hà Nội quy định chung cư thương mại 70-100 m2 chỉ 3 người ở

Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có thể hiệu lực từ 1/8

Xây dựng chính sách mới về hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo

7 trường hợp sắp không được cấp sổ đỏ, người dân cần nắm chắc trong tay

Quy định mới về tách thửa đất người dân cần biết

Tin mới cập nhật

TP.HCM: Sáu tháng đầu năm, bất động sản là ngành tăng trưởng thấp nhất

2 giờ trước

Bình Định xây dựng khu giải trí đêm 300 tỉ đồng bên bờ biển Quy Nhơn

2 giờ trước

Từ 1/7: ADN và giọng nói sẽ được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp

20 giờ trước

Siết tỷ lệ cấp tín dụng tối đa với một khách hàng: Ngân hàng mong muốn có ngoại lệ

20 giờ trước

Éo le cầu gần 400 tỷ xây xong đã lâu nhưng người dân vẫn phải gọi đò sang sông

20 giờ trước