Vành đai 3 tạo động lực phát triển vùng TP Hồ Chí Minh
BÀI LIÊN QUAN
Đơn giá bồi thường dự án Vành đai 3 TP. HCM dự kiến cao nhất trên 40 triệu đồng/m2Chính phủ quyết nghị khởi công xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM vào 30/6/2023Dự án bất động sản sôi “sùng sục” cùng sức nóng của công trình đường Vành đai 3 TP Hồ Chí MinhMong mỏi của hơn 20 triệu người
Theo zingnews.vn, TP Hồ Chí Minh không những là đầu tàu kinh tế - xã hội của vùng Nam bộ mà còn của cả nước. Do đó, hạ tầng giao thông thuận lợi là một trong những điều kiện tiên quyết để thành phố phát triển. Hiện nay, áp lực giao thông giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận là rất lớn.
Do đó, Dự án đường Vành đai 3 đi qua 4 tỉnh thành: TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương và Đồng Nai được kỳ vọng sẽ giúp kết nối các tỉnh thành trên cũng như tạo ra liên kết vùng hiệu quả, tạo đà phát triển vượt trội trong thời gian tới cho vùng đất hơn 20 triệu dân, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh sẽ được kỳ vọng giảm tải áp lực giao thông.
Ngược dòng thời gian, ngày 28/9/2011, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt quy hoạch chi tiết Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.
Suốt 11 năm qua, kể từ khi được giao nhiệm vụ, các tỉnh, thành có dự án chạy qua đã nỗ lực hoàn thiện hồ sơ, lập kế hoạch chi tiết để thực hiện dự án tầm cỡ này. Đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh, địa phương này đã phối hợp với 3 tỉnh còn lại tổ chức hàng loạt hội thảo, hội nghị để ghi nhận ý kiến, phản biện khoa học của các chuyên gia, đơn vị liên quan. Qua đó, các địa phương rút ra được nhiều bài học, giải pháp hiệu quả khi triển khai dự án, đặc biệt là trong vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng. 4 tỉnh, thành đã hình thành nên cơ chế phối hợp, trong đó TP Hồ Chí Minh là đầu mối, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Quy chế này đưa ra khung tiêu chuẩn, giải pháp kỹ thuật, sự đồng bộ về mỹ quan, ứng dụng khoa học công nghệ…
Trên thế giới, các thành phố lớn đều được quy hoạch với các tuyến vành đai bao quanh. Từ đó, giao thông được kết nối hướng tâm vào nội đô. Đồng thời, các dự án, khu dân cư… được xây dựng dọc theo vành đai.
Do đó, dự án đường Vành đai 3 kết nối TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với không chỉ người dân 4 tỉnh, thành này mà còn cho cả khu vực Nam bộ. Tính cấp bách, quan trọng và lợi ích của dự án là điều hiển nhiên.
Tại các phiên thảo luận tại Quốc hội về dự án này, các đại biểu Quốc hội cũng đã đặc biệt quan tâm và dành nhiều thời gian phân tích các lợi ích, ý nghĩa mà dự án mang lại. Như đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng về lý thuyết các dự án đường vành đai tạo nên không gian phát triển cho đô thị. Đồng thời giảm tải áp lực giao thông, tạo ra sự kết nối không gian phát triển cho cả vùng. Khi tuyến đường này hình thành thì các vùng lân cận quanh đường sẽ hình thành lên các trung tâm đô thị, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối. Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng.
Động lực tăng trưởng, phát triển đô thị khu vực
Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Vành đai 3 của TP Hồ Chí Minh đã được Quốc hội biểu quyết thông qua. Dự án sẽ được đầu tư theo hình thức đầu tư công, bắt đầu thực hiện từ năm 2022. Vành đai 3 có 8 dự án thành phần, mỗi địa phương làm 2 dự án gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp. Hiện thành phố thực hiện song song việc giải phóng mặt bằng và việc lập dự án đầu tư và hoàn chỉnh ranh mốc, bàn giao cho các địa phương để thực hiện nhanh công tác này.
Việc quy hoạch, khai thác quỹ đất hai bên đường, thành phố sẽ linh hoạt điều chỉnh, đặc biệt là đưa ra các giải pháp giao thông kết nối để mang lại hiệu quả hơn. Theo đó, hiện số vốn cho dự án này là hơn 17.000 tỷ đồng đã bố trí cho Bộ Giao thông Vận tải và chuyển về từng địa phương để thực hiện (TP Hồ Chí Minh là 10.627 tỷ đồng, Đồng Nai là 856 tỷ đồng, Bình Dương là 4.266 tỷ đồng, Long An là 1.397 tỷ đồng).
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế cả nước khi góp 45% GDP, cũng như chiếm 43% nộp ngân sách. Tuy nhiên, giao thông vẫn là vấn đề gây “nghẽn” đối với sự phát triển của vùng. Đây cũng là điều mà nhiều chuyên gia đã từng chỉ ra.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam thì vùng kinh tế trọng điểm phía Nam lâu nay bị “nghẽn” từ hạ tầng giao thông, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế. Kinh tế - xã hội sẽ chịu thiệt hại nếu chậm kết nối giao thông. Do đó, việc thúc đẩy dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh sớm ngày nào sẽ tốt ngày đó. Dự án sẽ kết nối đô thị trong vùng, tạo nên sức bật, bùng nổ phát triển tại thành phố năng động bậc nhất đất nước. Hạ tầng này còn kết nối được đô thị liên vùng, góp phần giảm chi phí logistics và cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Không chỉ TP Hồ Chí Minh, tất cả các tỉnh, thành mà tuyến đường đi qua đều được hưởng lợi. Hiện nay, tất cả những hạ tầng lớn và trọng điểm trong liên kết vùng đều nằm ngoài TP Hồ Chí Minh. Đơn cử như sân bay quốc tế Long Thành ở Đồng Nai, cảng biển lớn nhất lại nằm ở Bà Rịa – Vũng Tàu, trong khi đó ga xe lửa lớn lại ở tận Bình Dương. Khi đường Vành đai 3 khép tuyến, TP Hồ Chí Minh sẽ kết nối được thị trường hơn chục triệu dân của mình với hạ tầng để cùng phát triển, tạo sự lan tỏa về phát triển đô thị, cư dân đến thu hút đầu tư.
Theo các chuyên gia, dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh sẽ giải quyết các vấn đề về hạ tầng giao thông, giảm áp lực cho giao thông nội đô TP Hồ Chí Minh và tăng cường kết nối để mở rộng không gian phát triển đô thị.