Tuyến metro ga Hà Nội - Hoàng Mai hơn 40 nghìn tỷ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư
BÀI LIÊN QUAN
Hà Nội: Dự kiến khởi công khu 1, 2 thành phố thông minh trong tháng 6Hà Nội chốt phương án ga ngầm cạnh hồ Hoàn KiếmHà Nội: Đường xây mới tại 4 quận nội đô yêu cầu vỉa hè rộng tối thiểu 4mThủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 380 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chuẩn bị dự án đầu tư Tuyến đường sắt đô thị (metro) số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai và Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị”.
Dự án này sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Liên minh châu u (EU). Theo đề nghị của Cơ quan Phát triển Pháp - AFD, Ngân hàng Tái thiết Đức - KfW.
UBND Thành phố Hà Nội là cơ quan chủ quản dự án. Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội là chủ dự án.
Tổng mức đầu tư cho dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị đầu tư tuyến metro số 3 đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai là 343 tỷ đồng (tương đương 14,8 triệu USD). Trong đó 49 tỷ đồng (tương đương 2,1 triệu USD) là vốn đối ứng từ ngân sách của Thành phố Hà Nội. 12,6 triệu USD còn lại là nguồn viện trợ không hoàn lại của ADB và EU (ADB tài trợ 833.800 USD, EU tài trợ 10 triệu Euro tương đương 11,8 triệu USD).
Theo tờ trình của thành phố Hà Nội gửi Chính phủ, tuyến metro số 3 đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai có chiều dài 8,786km, trong đó đoạn đi ngầm là 8,13km, đoạn hầm hở dẫn dài 0,57km, đoạn đi trên mặt đất dài 0,086km.
Lộ trình đoạn tuyến chủ yếu đi ngầm theo lộ trình: Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Nguyễn Tam Trinh. Đoạn đi ngầm có kết cấu là ống hầm kép đi song song, ngầm qua nút giao Ô Đống Mác, Mai Động và kết thúc phía sau Vành đai 3 với 7 ga ngầm (Hàng Bài, Trần Thánh Tông, Kim Ngưu, Mai Động, Tân Mai, Tam Trinh, Yên Sở), 1 khu lập tàu (phía sau, sát Trạm bơm Yên Sở). Tuyến đi qua các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai.
Có 7 nhà ga trên tuyến, gồm:
Một là ga Hàng Bài xây dựng ngầm tại ngã tư phố Hàng Bài với Trần Hưng Đạo.
Hai là ga Trần Thánh Tông xây dựng ngầm dưới phố Trần Thánh Tông giáp phía Đông vườn hoa Pasteur.
Ba là ga Kim Ngưu xây dựng ngầm dưới đường Tây Kim Ngưu, đoạn giáp quảng trường cổng chính khu Công viên Tuổi trẻ.
Bốn là ga Mai Động xây dựng ngầm tại đường Nguyễn Tam Trinh (Đông Kim Ngưu), phía Nam nút giao cầu Mai Động.
Năm là ga Tân Mai xây dựng ngầm giữa đường Nguyễn Tam Trinh quy hoạch, nằm tại nút giao với đường Tân Mai.
Sáu là ga Tam Trinh xây dựng ngầm giữa đường Nguyễn Tam Trinh quy hoạch, tại vị trí trước cổng vào Metro Hoàng Mai.
Bảy là ga Yên Sở xây dựng ngầm tại tuyến đường quy hoạch kéo dài đường Nguyễn Tam Trinh, phía Nam nút giao với đường Vành đai 3 (cuối tuyến).
Sau khi đoạn tuyến đường sắt đô thị từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai trên được xây dựng xong, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sẽ kéo dài tới quận Hoàng Mai và ngược lại. Như vậy, dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 còn có nhiệm vụ kết nối với các tuyến đường sắt đô thị khác.
Tổng mức đầu tư tuyến metro ga Hà Nội đến Hoàng Mai khoảng 40.577 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay ODA (34.297 tỷ đồng từ Ngân hàng phát triển châu Á, Cơ quan phát triển Pháp và Ngân hàng tái thiết Đức) và vốn đối ứng từ ngân sách Thành phố Hà Nội (6.280 tỷ đồng, để chi giải phóng mặt bằng, tái định cư, quản lý dự án, thuế và các chi phí khác).
Thời gian xây dựng tuyến đường sắt đô thị này dự kiến từ năm 2022 đến năm 2027, vận hành từ tháng 1/2028.