Từ ngày 1/2/2022, thuế giá trị gia tăng giảm còn 8%
BÀI LIÊN QUAN
Xây dựng nhà ở giá rẻ: Doanh nghiệp chỉ cần chính sáchMinh bạch hoạt động đấu giá đất nhằm đem lại nguồn lực tái thiết kinh tế hậu Covid-19Toàn cảnh sự việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất Thủ ThiêmGiảm thuế giá trị gia tăng
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vào ngày 28/1/2022.
Nghị định số 15/2022/NĐ-CP gồm 03 điều. Quy định rõ về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng và chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
“Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng chỉ áp dụng với các mặt hàng hóa, dịch vụ có thuế suất mức 10%; không phân biệt phương pháp tính thuế của tổ chức hay cá nhân áp dụng theo phương pháp khấu trừ hay phương pháp tốt lệ % trên doanh thu”, Bộ Tài chính thông tin.
Áp dụng Nghị định số 15, thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ được giảm 2%. Áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%, sau khi giảm còn 8%.
Mức giảm thuế giá trị gia tăng trên sẽ không được áp dụng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Đó là công nghệ thông tin, viễn thông, kinh doanh bất động sản, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn.
Các phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định rõ cách xác định hàng hóa, dịch vụ không được áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng. Giúp thuận tiện cho tổ chức, cá nhân và cơ quan quản lý thuế áp dụng, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật chuyên ngành hiện hành.
Nghị định 15 cũng cụ thể hoá quy định cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.
Để đảm bảo việc giảm thuế giá trị gia tăng đúng quy định. Đồng thời, chính sách giảm thuế đến đúng đối tượng thụ hưởng là người mua hàng hóa, dịch vụ, cơ sở kinh doanh áp dụng phương pháp kê khai sẽ giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trực tiếp trên hóa đơn. Đối với cơ sở kinh doanh gồm cả hộ và cá nhân kinh doanh... sẽ áp dụng phương pháp khoán sẽ giảm 20% mức tỷ lệ để tính thuế trên hóa đơn.
“Cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng thì không được giảm thuế giá trị gia tăng”, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Như vậy, trong trường hợp người bán lập hóa đơn mà chưa giảm thuế suất giá trị gia tăng cho hàng hóa, dịch vụ thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót. Bên cạnh đó, người bán phải lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn có giảm thuế cho người mua.
Nghị định giảm thuế giá trị gia tăng này được áp dụng từ ngày 1/2/2022 (Mùng 1 Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022) đến hết ngày 31/12/2022.
Giảm thu ngân sách nhà nước hơn 49.000 tỷ đồng
Đánh giá tác động của Nghị định 15 tới ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính thông tin, khi nghị định có hiệu lực áp dụng vào thực tế sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước trong năm 2022 khoảng 51.400 tỷ đồng. Trong đó, 49.400 tỷ đồng từ việc giảm thuế giá trị gia tăng. Và 2.000 tỷ đồng từ chính sách khấu trừ chi phí tài trợ, ủng hộ phòng, chống Covid-19 khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Số tiền thuế được giảm này sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, người dân vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Từ đó người dân và cộng đồng doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động, đóng góp vào công cuộc khôi phục lại nền kinh tế của Việt Nam hậu đại dịch và góp phần thúc đẩy thực hiện an sinh xã hội.
Giải thích về chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng. Bộ Tài chính cho biết, trong 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát là 2020 và 2021, sự tăng trưởng kinh tế của đất nước liên tiếp giảm ở mức thấp. Điều này ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 5 năm (2021 - 2025).
Hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, chi phí đầu vào tăng vọt. Cùng với đó, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa bị đứt gãy. Nảy sinh các vấn đề về lao động, việc làm, an sinh, an ninh, trật tự an toàn xã hội,..
Vì vậy, tại kỳ họp bất thường của Quốc hội diễn ra vào đầu tháng 1/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có quy định giảm thuế giá trị gia tăng; cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Nghị định 15 quy định áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng 10%.
Thuế giá trị gia tăng là gì?
Điều 2 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 quy định, thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.
Điều 3 Thông tư 219/2013/TT-BTC nêu rõ, người nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam, không phân biệt ngành nghề, hình thức, tổ chức kinh doanh (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa, mua dịch vụ từ nước ngoài chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là người nhập khẩu) bao gồm:
Các tổ chức kinh doanh được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước (nay là Luật Doanh nghiệp), Luật Hợp tác xã và pháp luật kinh doanh chuyên ngành khác.
Các tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức sự nghiệp và các tổ chức khác.
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (nay là Luật đầu tư); các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân tại Việt Nam.
Cá nhân, hộ gia đình, nhóm người kinh doanh độc lập và các đối tượng khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu.
Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ (kể cả trường hợp mua dịch vụ gắn với hàng hóa) của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân mua dịch vụ là người nộp thuế, trừ trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng.
Quy định về cơ sở thường trú và đối tượng không cư trú thực hiện theo pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được thành lập để hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.