TS. Trần Khắc Tâm: “Quy định người có thu nhập đóng thuế TTCN không được mua NƠXH là thiếu công bằng”
BÀI LIÊN QUAN
Doanh nghiệp “than” mất 500 ngày mới xong thủ tục NƠXH: 3 giải pháp để tháo gỡNghịch lý về dự án NOXH: Nơi bán rẻ gần 30 lần vẫn chưa hết, nơi cả ngàn người xếp hàng tranh suất mua dù giá caoBất ngờ một dự án NOXH tại Hà Nội: Giá căn được bán thương mại cao gần gấp đôi giá căn NOXHDự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) hiện nay đang là chủ đề nóng cả trong và ngoài hành lang Quốc hội. Rất nhiều Đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về vấn đề này. Bởi lâu nay, việc an sinh xã hội cho người thu nhập thấp, đối tượng là công nhân, người lao động nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.
Tại phiên thảo luận ngày 5/6, có nhiều ý kiến đề nghị sửa quy định theo hướng "công nhân, người lao động có thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội". Như vậy, hiểu nôm na là những người có thu nhập ở mức phải đóng thuế TNCN sẽ không được mua nhà ở xã hội. Về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS.Trần Khắc Tâm, ĐBQH khóa XIII.
-Thưa ông, mấy ngày qua, dư luận đang rất quan tâm đến vấn đề nhà ở xã hội tại Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay?
-Vấn đề phát triển nhà ở xã hội hiện nay được Đảng, Nhà nước, Chính phủ hết sức quan tâm. Trong năm 2023, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách để phát triển phân khúc nhà ở này. Từ việc gỡ khó về chính sách, quy định cho đến việc đưa ra thị trường các gói tín dụng hướng đến hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, người dân mua nhà ở xã hội.
Tôi còn nhớ, cách đây không lâu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phê duyệt đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Đây là mục tiêu rất lớn để hướng đến đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Đến các khu công nghiệp mới thấy, đội ngũ công nhân họ ăn ở tạm bợ như thế nào. Một phần là do lương chưa cao, một phần là do họ cố gắng tiết kiệm để trang trải cho cuộc sống và tích lũy tiền ước mơ một ngày có thể sở hữu nhà. Vì thế, vấn đề phát triển nhà ở xã hội là vô cùng cần thiết. Và chúng ta đã thấy được sự quyết tâm của Chính phủ, Bộ Xây dựng và các cơ quan hữu quan trong việc này.
-Mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định những người có thu nhập không phải đóng thuế TNCN mới được nằm trong đối tượng mua nhà ở xã hội. Ông có đồng tình với quan điểm này?
-Đầu tiên chúng ta phải biết được rằng, theo quy định, người lao động không có người phụ thuộc, làm việc có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng thì phải đóng thuế TNCN. Và chúng ta nên đặt câu hỏi, tại các thành phố lớn, mức thu nhập 11 triệu đồng/tháng liệu đã đủ sống? Họ còn tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, tiền cho các con ăn học, tiền sinh hoạt… Vì thế, có người khéo chi tiêu thì có thể tích lũy được không nhiều, có người đủ sống, có người còn thiếu. Vì thế, tôi cho rằng nếu quy định người không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân mới được hưởng chính sách nhà ở xã hội là không phù hợp và thiếu công bằng.
Hơn nữa, chúng ta không thể loại bỏ những người đóng thuế, đóng góp cho xã hội ra khỏi đối tượng hưởng cơ chế mà cụ thể ở đây là nhà ở xã hội được.
Tất nhiên, tôi không đồng tình với quan điểm trên.
-Vậy, theo ông, làm sao để có thể có sự công bằng trong việc mua nhà ở xã hội. Bởi lâu nay có tình trạng người giàu cũng đổ xô đi mua nhà ở xã hội?
-Theo tôi, việc quy định người có thu nhập thuộc diện đóng thuế TNCN không được mua nhà ở xã hội là không phù hợp nhưng cũng nên mổ xẻ sâu hơn. Ví dụ, quy định những người có thu nhập cao trên 20 triệu đồng/tháng thì không nằm trong đối tượng mua chẳng hạn. Còn chúng ta vẫn tiếp nhận những người có thu nhập dưới 20 triệu đồng mua nhà ở xã hội nhưng không được ưu tiên bằng người có thu nhập dưới 10 triệu đồng. Như thế, rất nhiều người vẫn sẽ tiếp cận được nhà ở xã hội nhưng cũng có người được ưu tiên hơn vì thu nhập thấp hơn, khó khăn hơn.
Còn tôi cho rằng đối với quy định người có thu nhập phải đóng thuế TNCN không được mua nhà ở xã hội chắc chắn sẽ gây ra những phản ứng trong dư luận.
Đối với việc nhiều người giàu cũng “xếp hàng” mua nhà ở xã hội. Vấn đề này các chuyên gia cũng đã nói rất nhiều lần. Chúng ta nên công khai danh sách những người có hồ sơ được xét duyệt mua nhà ở xã hội để người dân có thể kiểm tra chéo. Khi phát hiện người có điều kiện tốt, người giàu vẫn nằm trong đối tượng duyệt mua thì trách nhiệm thuộc về đơn vị xét duyêt. Chúng ta xử lý thật nặng đối với một vài trường hợp sẽ là sự cảnh tỉnh, răn đe cho các trường hợp khác. Thậm chí, có thể mời công an vào cuộc xem có tiêu cực trong việc “đi đêm” giữa người mua và đơn vị xét hồ sơ.
-Theo ông, đối với những khó khăn trong việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay, gốc vấn đề nằm ở đâu?
-Câu chuyện thừa cầu, thiếu cung trong việc phát triển nhà ở xã hội hầu như ai cũng biết. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang rất loay hoay trong vấn đề này. Bởi phát triển nhà ở xã hội đang gặp rất nhiều khó khăn.
Thứ nhất, doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội không mặn mà với phân khúc này vì thủ tục hành chính rất lâu trong khi đó tỉ suất lợi nhuận từ loại hình nhà ở này không cao.
Thứ hai, việc phát triển nhà ở xã hội còn đang vướng về mặt pháp lý dẫn đến doanh nghiệp nản lòng. Có doanh nghiệp tốn đến gần 2 năm mới xin được chủ trương để đầu tư và sau đó lại tốn rất nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục khác. Đây là điều cần phải tháo gỡ nếu muốn các nhà đầu tư chung tay làm nhà ở xã hội.
Thứ ba, nhiều ngân hàng cũng không muốn cho vay để làm nhà ở xã hội. Bởi mức lãi suất hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội rất thấp. Nếu để lãi suất cao, chắc chắn người dân không vay. Bởi họ thu nhập thấp, không thể kham nổi lãi suất cao.
Chính vì thế, chúng ta không nên quá khắt khe về siết đối tượng được mua nhà ở xã hội và tạo mọi điều kiện, cơ chế thoáng hơn, nhanh hơn để doanh nghiệp phát triển phân khúc này. Và cũng cần hiểu, tạo cơ chế thoáng hơn nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Đến khi các doanh nghiệp thấy phát triển nhà ở xã hội thuận lợi, có lời, họ sẽ tập trung phát triển loại hình nhà ở này. Cung, cầu lúc đó gần nhau hơn người thu nhập thấp có nhà, nhà đầu tư bán được sản phẩm. Và điều quan trọng hơn là kéo các nhà đầu tư sang phát triển nhà ở xã hội, nhà ở bình dân chứ không phải chăm chăm làm nhà ở thương mại. Đó mới là cái gốc của vấn đề giúp thị trường bất động sản bền vững hơn.
Xin cảm ơn TS.Trần Khắc Tâm!