Doanh nghiệp “than” mất 500 ngày mới xong thủ tục NƠXH: 3 giải pháp để tháo gỡ
BÀI LIÊN QUAN
Cần mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội đối với công nhân các cụm công nghiệpĐại biểu Quốc hội đề nghị không phân biệt khi ghi tên nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấpĐừng để người dân thu nhập thấp phải mua nhà ở xã hội trên báo đài, TVDoanh nghiệp “than trời”
Câu chuyện phát triển nhà ở xã hội hiện nay đang là chủ đề rất nóng. Nó không chỉ nóng trên thị trường bất động sản, câu chuyện ngoài vỉa hè mà còn được đem đến phòng Diên Hồng của Kỳ họp Quốc hội thứ 5, Khóa XV. Nhiều ĐBQH cũng hết sức quan tâm đến phân khúc bất động sản này. Bởi sản phẩm này rất sát sườn với những người lao động, đó là các cử tri.
Thực tế cho thấy, mỗi khi có thông tin tiếp nhận hồ sơ mua nhà ở xã hội tại các thành phố lớn, người dân lại nháo nhào như kiểu có con chuẩn bị thi vào đại học. Giấy giấy, tờ tờ, hồ sơ, hộ khẩu… cố gắng để mình có được suất mua nhà ở xã hội, an cư lạc nghiệp. Tuy nhiên, tại nhiều dự án nhà ở xã hội có tỷ lệ chọi còn cao hơn cả thi vào trường đại học Top 1. Một số dự án, để vào được vòng bốc thăm mua nhà ở xã hội đã là điều hết sức khó khăn và tốn nhiều mồ hôi, công sức.
Người đi mua nhà ở xã hội đã khó, đã khổ nhưng các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội còn khó, khổ hơn. Họ là doanh nghiệp bất động sản, sản xuất, kinh doanh đều phải hướng đến lợi nhuận. Mặc dù việc phát triển nhà ở xã hội lâu nay bị đánh giá là kém hấp dẫn, tỉ suất lợi nhuận thấp nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn làm. Trước là để lấy lãi, lấy việc cho lao động, sau là để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước. Nhưng khi “nhấn ga” vào xây dựng nhà ở xã hội, nhiều doanh nghiệp nới tá hỏa vì muôn nẻo khó khăn.
Mới đây, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình vừa chia sẻ câu chuyện liên quan đến việc phát triển nhà ở xã hội mà chính Tập đoàn của ông vướng phải. Theo đó, doanh nghiệp này có 2 khu đất ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ông Đường nhấn mạnh rằng, đây là hai khu đất “sạch”, có quy hoạch của UBND TP.Hà Nội từ năm 2015. Quy hoạch này đã đưa ra các thông số rất chi tiết về mật độ, chiều cao, dân số…
Tuy nhiên, để được UBND TP.Hà Nội cấp chủ trương đầu tư nhà ở xã hội trên một lô đất tại quận Hoàng Mai, ông Đường đã phải chờ lên đến 500 ngày, tương đương với khoảng một năm rưỡi. Như vậy, sau một năm rưỡi chờ đợi, chủ trương đầu tư mới được thông qua. Từ đây, doanh nghiệp vẫn còn phải nhiều thủ tục khác để bắt đầu khởi công. Nếu việc xét chủ trương đầu tư này chỉ diễn ra trong 1-3 tháng thì doanh nghiệp có thêm rất nhiều thời gian để xây dựng.
Ông Nguyễn Mạnh Quân, một doanh nghiệp phát triển bất động sản cho biết, đối với cơ quan chức năng, hơn 1 năm là khoảng thời gian không dài nhưng đó có thể là cơ hội của doanh nghiệp đã bị tước đi. Làm doanh nghiệp bất động sản, cơ hội kinh doanh được tính theo ngày, theo tháng.
“Tôi lấy ví dụ, nếu chủ trương dự án cấp sớm hơn, dự án của chúng tôi sẽ hoàn thành sớm hơn và nghiễm nhiên tiền lãi ngân hàng sẽ giảm đi khá nhiều. Bởi hầu hết các doanh nghiệp phát triển bất động sản phải đi vay mượn từ ngân hàng để xây dựng. Bên cạnh đó, có thể mở bán vào tháng này sẽ có lượng khách cao hơn mở bán vào tháng sau. Đó là cơ hội kinh doanh. Nghĩa là, khi chúng tôi rút ngắn được thời gian vừa tiết kiệm được lãi suất vừa có thêm thời gian để đưa ra các phương án kinh doanh, bán hàng”, ông Quân nói.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - xây dựng Lê Thành từng thẳng thắn nói rằng, hiện nay, quy trình làm NƠXH đang giống hệt nhà ở thương mại, nhưng lại nhiêu khê hơn vì phát sinh thêm thủ tục duyệt đối tượng mua nhà, duyệt giá mua nhà. Đây là điều hết sức bất cập.
3 giải pháp đẩy nhanh tiến độ phát triển NƠXH
Về vấn đề này, CEO Bất động sản SENLAND Nguyễn Khắc Vinh, chuyên gia bất động sản cho rằng, việc đẩy nhanh tiến độ làm các dự án nhà ở xã hội là điều hết sức cấp thiết. Đây sẽ là một trong những yếu tố thu hút các doanh nghiệp địa ốc bắt tay vào làm nhà ở xã hội.
Theo ông Vinh, vấn đề đầu tiên cần phải giải quyết đó là trình tự thủ tục hành chính đầu tư nhà ở xã hội phải rút ngắn lại thấp nhất có thể. Bởi hiện nay, nếu giả sử có đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư làm nhà ở xã hội cũng đã mất thời gian 2 năm. Đây là khoảng thời gian rất dài và “giết chết” các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi trong thời gian 2 năm đó, tình hình thị trường chắc chắn sẽ có những biến động và có thể ảnh hưởng đến giá nhà ở xã hội. Điều này dẫn đến việc kinh doanh của chủ đầu tư và kế hoạch tài chính của người mua nhà bị ảnh hưởng.
Thứ hai, những thủ tục hành chính không cần thiết cần phải được bãi bỏ hoặc có thời hạn phải giải quyết trong vòng 1 tháng. Các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội có tỉ suất lợi nhuận chỉ 10%. Nếu thời gian để chờ các thủ tục hành chính quá lâu, tiền lãi mà doanh nghiệp phải trả sẽ “cấu vào” lợi nhuận. Có những dự án bị “om” từ chủ trương đầu tư đến giấy phép xây dựng… có khi say này tính ra không lãi hoặc lãi rất nhỏ. Trong khi đó, trách nhiệm phát triển và lựa chọn người mua hết sức ngặt nghèo và mất thời gian. “Nhiều doanh nghiệp còn nói rằng, đối với các dự án nhà ở xã hội rất dễ bị dính “phốt” vì nhiều người quan tâm. Chính vì thế, các cơ quan chức năng làm rất kỹ càng thành ra dẫn đến lâu, phiền hà cho doanh nghiệp”, ông Vinh nói.
Thứ ba, theo quy định, dự án nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại III trở lên phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Điều này dẫn đến hầu hết các địa phương không bố trí quỹ đất để phát triển dự án nhà ở xã hội độc lập. Quy định này dẫn đến việc bố trí quỹ đất không phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương… dẫn đến quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua thiếu nhiều so với nhu cầu và không tạo sự chủ động cho địa phương.
CEO SENLAND nhấn mạnh: “Để đẩy nhanh việc phát triển nhà ở xã hội, đạt mục tiêu 1 triệu căn như Chính phủ đưa ra chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cơ quan chức năng. Trong đó, vấn đề đẩy nhanh các thủ tục hành chính để đầu từ nhà ở xã hội là điều phải làm ngay”.