Trong các kỳ World Cup, Euro chứng khoán Việt Nam thường biến động ra sao?
BÀI LIÊN QUAN
Điều gì giúp thị trường chứng khoán Việt Nam lấy lại 9 tỷ USD vốn hóa?Chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên thứ 2 liên tiếp sau khi quan chức Fed ra tín hiệu lãi suất sẽ còn tăng mạnhThị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực giải chấp "đè nặng"Cả thế giới trong những ngày này đang hướng sự chú ý về ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh - Vòng chung kết FiFa World Cup 2022 được tổ chức tại Qatar. Đây là một kỳ World Cup đặc biệt nhất từ trước đến nay khi được diễn ra vào mùa đông (kể từ ngày 20/11 - 18/12) thay vì những mùa hè rực lửa như trong quá khứ.
Là giải đấu của môn thể thao vua, ngày hội bóng đá này luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ, trong đó cũng có không ít nhà đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, một điều khá thú vị là thị trường chứng khoán Việt Nam thường diễn biến không mất lạc quan trong khoảng thời gian diễn ra Vòng chung kết World Cup hay Euro.
Cụ thể, từ khi đi vào hoạt động từ tháng 7/2000 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua tổng cộng 10 Vòng chung kết World Cup và Euro. Trong đó, chỉ số VN-Index đã giảm 4/5 mùa World Cup gần nhất và chỉ tăng duy nhất trong giai đoạn diễn ra World Cup 2014 tổ chức tại Brazil.
Thậm chí, VN-Index còn mất hơn 11% trong kỳ World Cup gần nhất tại Nga năm 2018. Trước đó, chỉ số chính cũng đã giảm hơn 7% trong 1 tháng "ăn bóng đá, ngủ bóng đá" với mùa World Cup 2006 tại Đức.
"Hệ số đối đầu" khả quan hơn đôi chút nhưng chứng khoán Việt Nam vẫn đang thua mùa Euro gần nhất 3/5. Dù vậy, mức độ giảm điểm trong thời gian diễn ra giải đấu lớn nhất châu Âu lại có phần nhẹ nhàng hơn.
Theo đó, lần giảm mạnh nhất của VN-Index trong các kỳ Euro là vào năm 2021 khi Vòng chung kết được tổ chức tại 11 quốc gia châu Âu. Ngoài ra, đây cũng là kỳ Euro đặc biệt nhất lịch sử khi diễn ra vào năm lẻ thay vì năm chẵn như thường lệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngược lại, kỳ Euro 2016 tại Pháp là ngày hội bóng đá mang lại niềm vui lớn nhất cho các "chứng sỹ" Việt Nam với việc VN-Index tăng gần 4,6%.
Cơ hội để chứng khoán Việt Nam "đổi vận"?
Các Vòng chung kết World Cup và Euro trong quá khứ thường diễn ra vào tháng 6 và tháng 7, đây là khoảng thời gian nhạy cảm sau giai đoạn "Sell in May" và cũng trước mùa báo cáo tài chính quý 2 hàng năm. Do đó, thị trường chứng khoán có những biến động mạnh cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, bối cảnh năm nay lại khác, World Cup 2022 diễn ra vào đúng giai đoạn vùng trống thông tin của chứng khoán trong nước sau khi mùa báo cáo tài chính quý 3 đã khép lại cũng như kỳ họp Quốc hội đã bế mạc. Liệu điều này có trở thành bước ngoặt giúp chứng khoán Việt Nam "đổi vận" trong các mùa bóng hay không thì vẫn cần thêm thời gian để trả lời.
Các thống kê chỉ mang tính chất tham khảo và thực tế không hề có mối liên hệ rõ ràng nào giữa chứng khoán Việt Nam và những ngày hội bóng đá lớn như World Cup hay Euro. Tuy nhiên, có một sự trùng hợp là World Cup 2022 lại diễn ra đúng vào giai đoạn tương đối dễ thở của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong 22 năm qua, chỉ số VN-Index từng có 12 lần tăng điểm trong tháng cuối cùng của năm với nhiều phiên tăng mạnh trên 10%. Trong 2 năm gần đây nhất, chỉ số quan trọng này đều tăng trong tháng 12.
Bên cạnh đó, chứng khoán Việt Nam cũng đang đón nhận những tín hiệu lạc quan sau chuỗi ngày mệt mỏi dò đáy. Từ vùng đáy 2 năm quanh mốc 900 điểm, VN-Index đã đảo chiều tăng 3 phiên liên tiếp cùng với thanh khoản được cải thiện đáng kể. Cùng với đó, khối ngoại cũng trở lại mạnh mẽ khi mua ròng từ đầu tháng 11 với giá trị lên tới 8.400 tỷ đồng chỉ tính riêng trên HoSE.
Tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định hơn sau những biến cố liên quan đến hoạt động thanh lọc thị trường trái phiếu và cổ phiếu đã và đang góp phần thúc đẩy giao dịch sôi động hơn. Thêm vào đó, định giá hấp dẫn với P/E của VN-Index thấp lịch sử (tương đương vùng đáy Covid và giai đoạn khủng hoảng năm 2011-2012) cũng giúp kích thích dòng tiền dài hạn trở lại với thị trường chứng khoán.
Trong phân tích mới đây của SHS cho rằng, với việc chốt tuần ở mức 969,33 điểm thì VN-Index đang dần vượt xa trên ngưỡng hỗ trợ tâm lý 900 điểm. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn chưa thể thoát khỏi xu hướng downtrend kéo dài. Nhưng SHS cho rằng, với đà hồi phục mạnh trong 3 phiên cuối tuần có thể hy vọng VN-Index sẽ phá vỡ xu hướng downtrend cũ qua đó chuyển trạng thái sang hoạt động tích cực hơn.
Một tín hiệu khác mà theo SHS nhận định cũng khá tích cực trong những phiên gần đây là sự trở lại mạnh mẽ của khối ngoại, nhiều cổ phiếu trụ đã bắt đầu có diễn biến tích cực hơn so với thị trường, điều này phát tín hiệu sớm rằng các cổ phiếu đầu ngành có thể tích lũy lại và chuyển sang giai đoạn tăng giá tiếp theo sớm hơn thị trường, xu hướng đó sẽ dần lan tỏa đến các cổ phiếu khác.
Theo đó, nhóm phân tích khuyến nghị nhà đầu tư chưa nên tham gia vào thị trường với tỷ trọng lớn trong giai đoạn hiện tại cũng như tránh mua đuổi ở vùng giá cao. Với danh mục dài hạn, nên kiên nhẫn nắm giữ bởi thị trường đã bắt đầu phát ra những tín hiệu hồi phục tích cực, còn nếu mua mới thì nên lựa chọn những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, tiềm năng tăng trưởng hoặc những cổ phiếu đầu ngành đang có xu hướng hồi phục mạnh mẽ hơn thị trường chung.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể tận dụng nhịp phục hồi hiện tại của thị trường để giao dịch "lướt sóng" ngắn hạn với những cổ phiếu vừa bước vào nhịp phục hồi trong một vài phiên qua, trong đó chú ý nhiều hơn đến nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ. Tuy nhiên, tỷ trọng cổ phiếu vẫn chỉ nên chiếm khoáng 20 - 30% tài khoản, lưu ý hạn chế sử dụng đòn bẩy trong giai đoạn này, đồng thời cần bám sát diễn biến giá trong phiên để kịp thời hạ tỷ trọng cổ phiếu nếu VN-Index bất ngờ rơi mạnh xuống dưới vùng 900 điểm.