TP. HCM: Giảm gần 91% công trình xây dựng trái phép sau 5 năm
BÀI LIÊN QUAN
Vĩnh Long: Lý do chấm dứt chủ trương đầu dự án NOXH HQC Hòa Phú của Hoàng Quân Mê KôngLong An tìm nhà đầu tư cho 2 dự án NOXH hơn 7.600 tỷ tại huyện Đức HòaLộ diện liên danh 3 nhà thầu đăng ký dự án cao tốc liên vùng ở Bình DươngMới đây, Sở Xây dựng TP. HCM đã báo cáo UBND thành phố tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Sở đánh giá tình hình có chuyển biến tích cực, bình quân số vụ vi phạm trong một ngày tiếp tục giảm. Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay, toàn thành phố chỉ có 142 công trình xây dựng trái phép, bình quân 0,8 vụ/ngày. So với 6 tháng đầu năm 2019, tức thời điểm Thành ủy TP. HCM ban hành Chỉ thị 23 về tăng cường quản lý trật tự đô thị thì giảm 7,7 vụ/ngày, tương ứng gần 91%.
Đáng chú ý, một số quận không phát sinh công trình vi phạm như quận 6, 7, Tân Phú và Phú Nhuận. Các địa phương có nhiều công trình vi phạm như TP. Thủ Đức dẫn đầu với 52 công trình, kế đến là quận 8 có 26 công trình, quận 11 và Bình Tân cùng có 9 công trình. Các huyện vùng ven ít công trình xây dựng trái phép hơn, nhiều nhất cũng chỉ 5 công trình như huyện Hóc Môn, còn lại các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè chỉ 1 - 2 công trình.
Tính chung 5 năm (từ ngày 15/7/2019 - 15/6/2024), TP. HCM ghi nhận 2.977 công trình vi phạm, bình quân 1,6 vụ/ngày, giảm 6,9 vụ/ngày. Tuy nhiên, Sở Xây dựng TP. HCM nhìn nhận, vẫn còn trường hợp công chức được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng để xảy ra vi phạm trong công tác theo dõi, kiểm tra, phát hiện, tham mưu, đề xuất lập hồ sơ xử lý công trình đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Công tác tổ chức thực hiện những quyết định xử phạt hành chính dù được các địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện nhưng số công trình vi phạm trật tự xây dựng chưa cưỡng chế phá dỡ còn tồn đọng nhiều. Do vậy, Sở cho rằng cần tập trung thực hiện thường xuyên, có lộ trình cụ thể nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Gần đây nhất, trong tháng 5, TP. HCM đã tiến hành tháo dỡ 2 tầng của một công trình sai phạm hơn 1.000m2. Công trình nằm tại phường An Phú (TP. Thủ Đức), thi công vượt tầng, vượt quá mật độ xây dựng cho phép, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh.
Theo giấy phép xây dựng được UBND TP. Thủ Đức cấp ngày 18/3/2024 cho bà Nguyễn Diệp Anh, công trình này là nhà ở riêng lẻ gồm 3 phần: Phần một có diện tích hơn 760m2, 3 tầng; phần hai có diện tích hơn 390m2, 1 tầng; phần ba có diện tích hơn 285m2, 1 tầng. Tuy nhiên, chủ đầu tư không chia ra từng khu vực của các công trình mà xây liền khối. Vị trí sân ở giữa đã được bao trùm bởi tòa nhà.
Mật độ xây dựng trong giấy phép là 38,38%, hệ số sử dụng đất 0,48 nhưng công trình hiện hữu đã chiếm gần hết diện tích khu đất. Trong tháng 4/2024, cư dân xung quanh đã phát hiện sai phạm của công trình và gửi đơn khiếu nại đến phường An Phú, TP. Thủ Đức và cơ quan chức năng.
UBND phường An Phú, thông tin từ ngày từ ngày 2/4 đến ngày 3/5, phường đã phối hợp với Thanh tra xây dựng TP. Thủ Đức 6 lần đến kiểm tra, lập biên bản ghi nhận sai phạm, yêu cầu ngưng thi công. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn tiếp tục xây dựng.
Đại diện phường An Phú cho biết, chủ đầu tư đã cam kết ngày 30/5 mà vẫn chưa điều chỉnh được giấy phép thì sẽ tự tháo dỡ toàn bộ diện tích sai phép. Tời thời gian trên mà chủ đầu tư không tháo dỡ, phường An Phú sẽ tham mưu UBND TP. Thủ Đức rút giấy phép xây dựng và thực hiện thủ tục buộc tháo dỡ toàn bộ công trình. Nhưng ghi nhận đến ngày 27/5, công trình sai phạm này đã bắt đầu tháo dỡ tầng 4, 5 thuộc diện tích thi công vượt tầng hơn 1.000m2.
Hay trước đó, thanh tra xây dựng cũng đã xác định công trình nhà số 83/41B đường Phạm Văn Bạch (phường 15, quận Tân Bình) có nhiều sai phạm như diện tích xây dựng phát sinh tăng so với giấy phép xây dựng, xây dựng thêm gác gỗ trong 282 phòng. Chiều cao của công trình là 30,3m, tăng hơn so với giấy phép xây dựng 4,7m, xây sai vị trí cầu thang bộ...
Thực tế, tại địa chỉ trên là một tòa nhà cho thuê phòng trọ dạng căn hộ dịch vụ có quy mô lớn, phía trước tòa nhà có lắp cầu thang bộ dạng lối thoát hiểm khẩn cấp. Làm việc với cơ quan chức năng, chủ đầu tư công trình đã tự nguyện tháo dỡ, đập bỏ những phần xây sai phép, vượt phép để bảo đảm chiều cao công trình đúng theo giấy phép.