Tình hình tài chính khó khăn, Nam Việt xin hoãn thời gian trả cổ tức 5 tháng
BÀI LIÊN QUAN
Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản là “trụ đỡ” của nền kinh tếXuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ đạt hơn 10 tỷ USD vào giữa tháng 11Quý 3/2022, doanh nghiệp thuỷ sản báo lãi tăng bằng lần so với cùng kỳHoãn trả cổ tức vì tình hình tài chính khó khăn
Mới đây, Công ty cổ phần Nam Việt (Navico, mã chứng khoán: ANV) đã thông báo về việc điều chỉnh thời gian chi trả cổ tức năm 2021 cho các cổ đông từ ngày 1/12/2022 sang ngày 27/4/2023, tức là kéo dài thêm 5 tháng so với kế hoạch ban đầu. Lý giải về nguyên nhân xin lùi lịch trả cổ tức cho các cổ đông, Thủy sản Nam Việt (ANV) cho biết, tình hình tài chính cuối năm của công ty khó khăn nên chưa kịp chuẩn bị nguồn tiền thanh toán.
Theo như kế hoạch ban đầu, Nam Việt dự định sẽ chi trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Điều này đồng nghĩa với việc các cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ được nhận về 1.000 đồng. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 1/11 còn ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 31/10. Thời điểm hiện tại, Nam Việt đang có khoảng 127,1 triệu cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, vì thế doanh nghiệp dự chi 127,1 tỷ đồng cho việc trả cổ tức lần này. Nguồn vốn thực hiện chi trả cổ tức đến từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty tính đến hết ngày 31/12/2021 là 1.066 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm cuối tháng 9, cơ cấu cổ đông của Thủy sản Nam Việt gồm có ông Doãn Tới - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đang nắm giữ khoảng 56,5% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, 2 con trai của ông Tới là ông Doãn Chí Thanh sở hữu 13,5% còn ông Doãn Chí Thiên nắm giữ 7% vốn điều lệ, còn lại là những cổ đông khác. Trong khi đó, tổng tài sản của Nam Việt cũng đã tăng thêm 800 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm và đạt 5.696 tỷ đồng. Đáng chú ý, chiếm đến hơn 700 tỷ đồng là tiền, tương đương tiền cùng với tiền gửi ngân hàng. Tính đến cuối quý 3 năm nay, tổng nợ phải trả của ANV là 2.793 tỷ đồng, bao gồm 2.156 tỷ là tiền đi vay và đa số là các khoản vay ngắn hạn từ các ngân hàng.
Xét về tình hình kinh doanh trong quý 3/2022, doanh thu thuần của Nam Việt là 1.238,7 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã tăng mạnh mẽ ở mức 89%. Đáng chú ý, giá vốn bán hàng cũng đã tăng thêm 62% kéo lợi nhuận gộp của công ty trong kỳ này lên 287 tỷ đồng, tương đương với mức tăng hơn 310%. Ngoài ra, lãi sau thuế trong quý 3 của Nam Việt là 120 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 13 tỷ đồng.
Sau khi lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của Nam Việt đã tăng 54% so với cùng kỳ năm trước và đạt 3.752 tỷ đồng. Lãi sau thuế của công ty cũng tăng 663% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 567,2 tỷ đồng. Trong năm nay, Nam Việt đặt mục tiêu 5.200 tỷ đồng doanh thu cùng với 1.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy sau 3 quý, công ty đã thực hiện được 72% mục tiêu doanh thu cùng với 65% mục tiêu lợi nhuận.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ANV từ đầu năm cho đến nay không ghi nhận tín hiệu khả quan. Kết phiên mới nhất (15/11), mã cổ phiếu ANV đã giảm sàn xuống mức 16.100 đồng/cổ phiếu.
Nhóm xuất khẩu thủy sản đối diện khó khăn do nguồn vốn tín dụng bị thắt chặt
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) cho biết, tính đến hết tháng 10 vừa qua, xuất khẩu thuỷ sản cả nước đã mang về tổng cộng 9,5 tỷ USD, ghi nhận mức tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Với con số này, VASEP nhận định rằng: “Ước tính đến cuối tháng 11, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ đạt hơn 10 tỷ USD – mốc kỷ lục lịch sử ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới”.
Điều đáng nói, trong báo cáo của VASEP gửi đến Bộ Nông nghiệp Phát triển và Nông thôn cho thấy, các doanh nghiệp thủy sản trong quý cuối năm nay đang phải đối mặt với một số khó khăn tác động đến năng lực sản xuất, xuất khẩu cũng như sức cạnh tranh trong cuối năm nay và cả năm tới. Cụ thể, theo như Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản, từ giữa năm 2022 cho đến nay, nhiều chi nhánh ngân hàng thương mại tại nhiều địa phương đã tiến hành cắt giảm hạn mức tín dụng một cách mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp thủy sản dù mới chỉ giải ngân được 60 cho đến 80%.
Động thái này khiến cho nhiều doanh nghiệp lớn có nhu cầu về vốn gặp khó, bởi họ không có đủ nguồn lực để mua nguyên liệu thủy sản cũng như vật tư phục vụ cho việc sản xuất. Đồng thời, các doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề tăng trưởng và xuất khẩu của ngành. Điều đáng nói, có những doanh nghiệp đã buộc phải ngừng thi công dù đang tiến hành triển khai những dự án sản xuất thủy sản. Chính vì thế, VASEP kiến nghị về việc xem xét cũng như có giải pháp nâng mức tín dụng cho ngành thủy sản, đặc biệt đối với những doanh nghiệp xuất khẩu.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản cũng kiến nghị đến Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo những ngân hàng thương mại có thể tạo điều kiện để các doanh nghiệp thủy sản dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn cho vay trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản đang trên đà phục hồi và tăng trưởng ấn tượng. Bên cạnh đó, VASEP cũng mong muốn Chính phủ trong thời gian tới sẽ có biện pháp bình ổn giá các loại vật tư đầu vào đối với việc chăn nuôi thủy sản, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi, con giống nuôi thủy sản và giá năng lượng cho khai thác. Đồng thời, VASE cũng mong muốn Chính phủ có thể điều chỉnh tỷ giá đồng USD sao cho linh hoạt phù hợp, có lợi hơn đối với việc xuất khẩu; giảm chi phí logistics trong nước.
Cũng tại công văn này, VASEP cũng cho biết, thời điểm hiện tại tình trạng thiếu lao động làm việc trong các nhà máy cũng là một điều vô cùng quan ngại với cộng đồng các doanh nghiệp. Việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và cam kết giao hàng, đồng thời gây ra nhiều khó khăn trong việc gia tăng công suất. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ cho quỹ đất để các doanh nghiệp có thể xây dựng nhà ở cho công nhân và gia tăng phúc lợi xã hội; ngoài ra còn có quy hoạch khu công nghiệp và đô thị cần phải xem xét đến vấn đề nhà ở công nhân cùng với hạ tầng xã hội gắn liền với khu công nghiệp.