Tín dụng đổ vào bất động sản tăng nhanh, chứng khoán giảm mạnh
BÀI LIÊN QUAN
Tín dụng ngân hàng, trái phiếu gặp khó, quỹ tín thác bất động sản bắt đầu được chú ýThị trường BĐS TP.HCM: Tăng lãi suất và dòng vốn tín dụng hạn chế sẽ thách thức các chủ đầu tư và người muaĐề xuất nới thêm room tín dụng: Doanh nghiệp BĐS liệu có hết "khát" vốn?Tính đến ngày 26/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 11,58 triệu tỷ đồng, tăng 10,835 so với thời điểm cuối năm ngoái, đây cũng là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm gần đây.
Trong báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết liên quan đến chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá, đây là con số phù hợp với diễn biến phục hồi của nền kinh tế.
Cơ cấu tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong cơ cấu GDP. Trong khi đó, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
Tính đến cuối tháng 8, nguồn tín dụng vào lĩnh vực nông - lâm - thủy sản tăng gần 7,6%, ngành công nghiệp xây dựng xấp xỉ 7,4%, tín dụng thương mại dịch vụ tăng 11,34%. Một số lĩnh vực khác như nông nghiệp, nông thôn có mức tăng gần 9,3%, tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 10,54% hay công nghiệp hỗ trợ ở mức 11,6%...
Trong đó đáng chú ý là ở lĩnh vực bất động sản với mức tăng gần 15,7% so với cuối năm ngoái, chiếm 20,92% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Trong đó, tín dụng sử dụng cho mục đích vay tự sử dụng tăng hơn 20%, và cho kinh doanh bất động sản tăng 7,35%.
Ngược lại, vốn rót vào đầu tư, kinh doanh chứng khoán lại giảm rất mạnh trên 35% và chỉ còn chiếm 0,32% tổng dư nợ tín dụng trong hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông cũng giảm 1,72% so với thời điểm cuối năm ngoái đồng thời chiếm 0,88% tổng dư nợ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết thêm đã giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ cũng như chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, nhất là với đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện những giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động như hoàn thiện hành lang pháp lý, giám sát chặt chẽ cũng như cảnh báo sớm về tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng tăng cường thêm công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng đưa nội dung thanh tra về hoạt động cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao vào kế hoạch thanh tra pháp nhân định kỳ hàng năm.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước còn yêu cầu các tổ chức tín dụng khi tiến hành cấp vốn cho lĩnh vực bất động sản phải đi đôi với việc kiểm soát chất lượng tín dụng, đồng thời tăng cường thẩm định, giám sát sử dụng vốn vay nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh.
Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: "Hạn chế mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án bất động sản có quy mô lớn", đồng thời ưu tiên đưa vốn vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thực của nhân dân.
Cùng với đó, dòng chảy tín dụng còn phải tập trung vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, có tính thanh khoản tốt, khách hàng có đủ khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, cũng như đáp ứng nhu cầu thực của thị trường và người dân.
Đối với hoạt động tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, Ngân hàng Nhà nước đã đưa nội dung này vào trong kế hoạch thanh tra chuyên ngành nhằm phát hiện các vấn đề và đưa ra các khuyến nghị cụ thể góp phần hạn chế các rủi ro.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thành lập các Đoàn thanh tra chuyên đề về hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 tại các ngân hàng thương mại cổ phần có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cao.
Siết tín dụng bất động sản, nhu cầu đổ về đâu?
Việc siết tín dụng vào bất động sản được các chuyên gia nhận định là sẽ thanh lọc và điều tiết dần dần. Kéo theo đó, những sản phẩm chất lượng, đủ điều kiện pháp lý, tiện ích đáp ứng nhu cầu thực của người mua sẽ vượt chứng ngại vật.
Theo nhận định của các chuyên gia, tín dụng siết chặt sẽ khiến cá ngân hàng xem xét kỹ lưỡng các dự án trước khi đồng ý cho vay. Nếu dự án hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, thanh khoản cao, an toàn cùng khả năng thu hồi gốc lãi khi cho vay sẽ được ưu tiên hơn.
Theo đó, các dự án muốn vay tín dụng ngân hàng cần có đầy đủ hồ sơ pháp lý như giấy phép xây dựng, giấy phép mở bán,... Hơn thế, chủ đầu tư giàu kinh nghiệm và tiềm lực tài chính vững vàng, đủ sức triển khai dự án sẽ nắm trong tay nhiều cơ hội hơn. Mặt khác, siết tín cho vay bất động sản đã phần nào kiểm soát lạm phát, giữ dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản một cách thận trọng. Đồng thời, biện pháp này cũng hạ nhiệt những bong bóng nhà đất.
Trong bối cảnh quỹ đất trung tâm ngày càng khan hiếm, các khu vực vệ tinh đã phần nào bổ sung lượng cung đa dạng phục vụ chủ yếu đối tượng là người mua nhà ở thực.
Nhà đầu tư vững tiềm lực tài chính và khách hàng mua ở thực không chỉ đón cơ hội mua nhà giá tốt ở thời điểm này, mà còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn tới từ chủ đầu tư với mục đích kích cầu thị trường.
Các chuyên gia nhận định, siết tín dụng đã tạo ra nhiều thay đổi cho thị trường bất động sản trong nước, mang đến cả nguy cơ lẫn thời cơ mà các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng để đạt giá trị lâu dài. Thị trường luôn tồn tại cơ hội cho những nhà đầu tư biết nắm bắt cơ hội, đồng thời không bỏ qua những yếu tố pháp lý hoàn thiện, cơ sở hạ tầng kết nối thuận tiện, chủ đầu tư uy tín và chất lượng dự án. Đặc biệt, khoản đầu tư hay mua để ở nên cân đối tiềm lực tài chính cũng như nhu cầu thực.