Thuế, phí đang tạo “gánh nặng” cho giá xăng
BÀI LIÊN QUAN
Xăng "đu đỉnh", một hãng taxi truyền thống mua hàng loạt ô tô điện về phục vụ kháchThủ tướng yêu cầu theo dõi kỹ thông tin nhập khẩu xăng dầu từ MalaysiaKỷ nguyên oto điện đang mở rông: Doanh số xe xăng giảm vĩnh viễn từ năm 2024, thế giới tiết kiệm 2,5 triệu thùng dầu/ngàyGiá sau xô giá trước
Theo VnExpress, tại lần điều chỉnh giá gần nhất (ngày 21/6), giá xăng đã tiếp tục tăng cao. Hiện tại, giá xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, lên mức là 31.300 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 500 đồng, lên mức 32.870 đồng/lít. Đây là mức giá kỷ lục chưa từng có trong lịch sử.
Nếu tính từ lần điều chỉnh giá hồi tháng 1/2022, giá xăng RON 95 đã tăng tới 8.494 đồng/ lít, từ mức 23. 876 đồng. Xăng E5 RON 92 tăng 7.951 đồng/ lít, từ mức 23.159 đồng.
Tính đến nay, mặt hàng xăng, dầu đã có tổng cộng 14 lần điều chỉnh giá. Trong đó, chỉ có duy nhất 01 lần được điều chỉnh theo hướng giảm (kỳ điều chỉnh ngày 12/4), còn lại 13 lần đều tăng từ vài trăm đồng cho đến cả nghìn đồng/ lít.
Với việc giá xăng, dầu liên tiếp tăng cao đã khiến giá cả các mặt hàng trên thị trường nói chung cũng nhích lên. Tại kỳ công bố dữ liệu cuối tháng 5 vừa qua, Tổng cục Thống kê cho biết, so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,38% (khu vực thành thị tăng 0,34%; khu vực nông thôn tăng 0,42%). Đáng chú ý, trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính thì có tới 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước.
Nguyên nhân chính làm CPI tăng được Tổng cục Thống kê chỉ ra là giá xăng, dầu tăng cao. Điều này được phản ánh rõ nhất ở nhóm mặt hàng giao thông, tăng mạnh nhất 2,34% so với tháng trước, góp phần khiến CPI chung tăng 0,23 điểm phần trăm. Giá dịch vụ giao thông công cộng cũng tăng 1,06% so với tháng trước do giá nhiên liệu tăng.
Như vậy, rõ ràng giá xăng, dầu tăng cao đã ảnh hưởng tới giá cả chung, bởi đây là nguyên liệu đầu vào cho mọi loại hình sản xuất, kinh doanh. Điều này sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế vĩ mô trong thời gian tới, nếu không có các biện pháp bình ổn, kiểm soát hiệu quả từ phía Nhà nước.
Xăng, dầu đang “cõng” bao nhiêu loại thuế, phí?
Về nguyên nhân tăng giá xăng, dầu trong thời gian qua, theo các chuyên gia, bên cạnh lý do từ thị trường quốc tế, áp lực từ cuộc xung đột Ukraine – Nga, các bất ổn chính trị, kinh tế toàn cầu… thì giá xăng, dầu trong nước hiện đang phải “cõng” rất nhiều loại thuế, phí.
Trong cơ cấu tính giá xăng hiện nay đang tồn tại 4 sắc thuế. Trong đó thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá đầu vào.
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu năm 2016, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam là những hàng hóa phải chịu thuế nhập khẩu.
Hiện tại, dù đã có một số nhà máy lọc hóa dầu nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước nên nước ta vẫn phải nhập khẩu thường xuyên mặt hàng xăng dầu. Vì vậy, giá xăng bán ra hiện nay bao gồm cả thuế nhập khẩu. Theo quy định, xăng, dầu đang chịu mức thuế nhập khẩu 10%.
Còn theo điểm g khoản 1 Điều 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 sửa đổi năm 2014 quy định, xăng các loại là mặt hàng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (dầu không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt).
Theo biểu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Điều 7 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 sửa đổi năm 2014, thuế suất cụ thể đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8%, xăng E10 là 7% trên giá nhập tại cảng.
Thuế bảo vệ môi trường cũng là sắc thuế chiếm tỉ trọng lớn trong giá thành của xăng, dầu. Theo khoản 1 Điều 3 Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010, xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut đều là đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường với mức thuế từ 1.000 đồng/lít đến 4.000 đồng/lít. Cụ thể với xăng E5RON92 là 3.800 đồng, xăng RON95 là 4.000 đồng, dầu diesel là 2.000 đồng…
Tuy nhiên, từ ngày 01/4/2022 đến hết 31/12/2022, thuế môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, đã được Quốc hội thống nhất giảm. Cụ thể, đối với xăng, mức giảm lòa 50%, từ 4.000 đồng xuống còn 2.000 đồng/ lít. Đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; Mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg; Dầu hỏa giảm 700 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.
Sắc thuế thứ 4 trong cơ cấu giá xăng, dầu là thuế giá trị gia tăng. Điều 3 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 quy định rõ, hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài) là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.
Mức thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng cho xăng dầu là 10% tính trên giá bán.
Vừa qua, Chính phủ đã có chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 tức là thuế giá trị gia tăng giảm còn 8% nhưng nhóm xăng dầu lại không nằm trong mục được giảm thuế này.
Một lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết, việc tính thuế trên tỷ lệ phần trăm giá xăng dầu nên giá càng tăng cao thì thuế thu được càng nhiều. Vị doanh nhân này cũng cho rằng, thu ngân sách từ đầu năm tới nay đã tăng tới hơn 18%, trong bối cảnh người dân còn khó khăn do dịch bệnh vừa mới được kiểm soát, do đó, cần rà soát các loại thuế hiện đang được áp dụng đối với xăng, dầu, cân đối phù hợp nhằm ổn định thị trường, tránh “sốc” cho người dân cũng như doanh nghiệp.
Làm thế nào để “kìm cương” giá xăng?
Trước tình hình giá xăng dầu tăng cao, trong khi đó cơ cấu thuế, phí lại chiếm tỉ trọng lớn, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp đã đề xuất cơ quan hữu quan cân nhắc giảm thuế, phí để “kìm cương” giá xăng.
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, cơ cấu về giá xăng dầu hiện nay của Việt Nam, các loại thuế, phí chiếm khoảng 30 - 32% (tương đương 10 - 11 nghìn đồng/lít). Như vậy nếu không có thuế phí thì giá xăng Việt Nam sẽ khoảng 20 nghìn đồng/lít (tương đương 0,86 USD/lít).
Hiện nay, trên thế giới các quốc gia cũng phải đối mặt với cơn bão giá nhiên liệu, đặc biệt là tại châu Âu. Tại một số nước, Chính phủ đã lựa chọn phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, nhập khẩu, thậm chí tính tới việc bỏ hẳn đánh thuế với xăng dầu trong bối cảnh lạm phát leo thang hiện nay.
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cần xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đầu tiên trước sức ép tăng giá xăng, dầu hiện nay. Sau đó có thể cân nhắc các sắc thuế khác. Còn theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) ông Nguyễn Quốc Việt, bên cạnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng cũng nên cân nhắc giảm trong ngắn hạn sẽ góp phần hạ nhiệt giá xăng, dầu đang rất nóng như hiện nay.
Trong bối cảnh giá cả nguyên liệu đầu vào trên thế giới rất khó lường như hiện nay, còn trong nước giá xăng, dầu đã gây sức ép lớn tới lạm phát và đảo lộn đời sống người dân, theo các chuyên gia, phía cơ quan quản lý cần tính toán, cân đối lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và lợi ích nhà nước. Có thể mạnh dạn giảm hai sắc thuế là giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt từ nay tới cuối năm, sau đó sẽ cân nhắc để điều chỉnh phù hợp với tình hình.
Theo Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải, ngoài thuế bảo vệ môi trường có thể xem xét giảm thêm thuế nhập khẩu, bởi "cái gì làm được thì nên giảm". Song Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, cần tính toán vì không phải giảm nhiều là tốt vì "cũng phải đánh đổi khi giảm thuế".