Thuê người xếp hàng mua tới 14 lượng vàng giá bình ổn, bán chênh kiếm lời
BÀI LIÊN QUAN
Xuất hóa đơn điện tử khi mua bán vàng: Nhiều nơi muốn có phải...chờPhát hành chứng chỉ vàng có thể “trị” đầu cơ tích trữ?Bán vàng online: Nếu không tăng nguồn cung sẽ chỉ ổn định được thời gian ngắnXếp hàng mua vàng
Theo Bộ Công an, sau khi nhận được công văn đề nghị của Ngân hàng Nhà nước, Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ liên quan đến thông tin lan truyền việc thiếu vàng để bán, tại nhiều điểm bán vàng có đối tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn cho thị trường và gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Qua quá trình trinh sát, nắm tình hình, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, các tổ công tác của phòng An ninh kinh tế đã xác định, một số đối tượng có biểu hiện thuê người xếp hàng mua vàng tại một số chi nhánh được giao bán vàng “bình ổn” của Vietcombank, BIDV và Agribank.
Ban đầu, các tổ công tác xác định có khoảng 4-5 nhóm riêng biệt thuê người xếp hàng mua vàng tại một số điểm bán. Sau khi lấy được số xếp hàng và mua được vàng sẽ tập trung giao cho người gom vàng cũng là một thành viên trong nhóm. Một số người sẽ tiếp tục đến điếm bán khác của ngân hàng để xếp hàng.
Theo dõi di biến động của các đối tượng, trinh sát xác định điểm đến là các cơ sở kinh doanh vàng bạc. Điển hình trong số này là cửa hàng ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, có 4 người đi xếp hàng mua vàng, 3 người trong số này đã mua được 4 lượng vàng mang về cửa hàng. Tổng cộng, cửa hàng này đã mua được 14 lượng vàng SJC “giá Nhà nước”.
Ngày 17/6, Phòng An ninh kinh tế phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã lập 3 tổ công tác kiểm tra cửa hàng này, đã phát hiện chồng chủ cửa hàng đang mua một lượng vàng SJC của một cá nhân với giá 81 triệu đồng, thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, không có hóa đơn chứng từ.
Tại thời điểm tổ công tác kiểm tra, chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ với một số mặt hàng trang sức mỹ nghệ đang bày bán. Theo đó, nhà chức trách đã lập biên bản, tạm giữ tang vật vi phạm là 1 lượng vàng SJC và 232 nhẫn trang sức vàng, 48 nhẫn trang sức trắng.
Cũng trong đợt kiểm tra, tại một cửa hàng vàng khác trên phố Hà Trung, tổ công tác phát hiện doanh nghiệp đang mua một lượng vàng SJC từ một cá nhân.
“Thông qua việc mua vàng với giá cao hơn ngân hàng bán ra cho thấy có hiện tượng người kinh doanh cửa hàng vàng bạc sẵn sàng chi tiền chênh lệch để mua được vàng miếng SJC, đi ngược quan điểm bình ổn thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước”, Trung tá Nguyễn Đắc Tài, Đội trưởng An ninh tiền tệ, Phòng An ninh kinh tế Hà Nội cho biết.
Có một điểm chung ở những cửa hàng đã kiểm tra là đều không được cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng SJC, ngoại tệ nhưng vẫn mua với giá cao để tích trữ, sau đó bán với giá cao hơn, gây bất ổn thị trường vàng. Hành vi của các cơ sở trên đang bị xem xét xử lý.
Dịch vụ sôi động cả trên “chợ mạng”
Kể từ trung tuần tháng 6, để tránh tình trạng xếp hàng, chen lấn tại các điểm bán, cả 5 đơn vị được Nhà nước giao bán vàng bình ổn gồm 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC đã chuyển hướng sang bán vàng trực tuyến (online).
Tuy nhiên, việc giới hạn số lượng người đăng ký cũng như lượng vàng được mua tại 1 lần đăng ký khiến tình trạng “xếp hàng” vẫn xảy ra, chỉ khác địa điểm từ trực tiếp sang online. Mỗi ngày, website của những đơn vị này có hàng chục nghìn lượt truy cập, nhưng các ngân hàng chỉ nhận đủ lượng khách hàng có thể phục vụ tại quầy một ngày.
Nhiều khách hàng phản hồi, ngay cả khi thao tác trước để chờ đến đúng giờ “mở cửa” gửi đi thì cũng nhận được thông báo “đã đủ số lượng khách hàng đã đăng ký mua vàng SJC của ngày hôm nay” từ ngân hàng. Điều này đã dẫn đến tình trạng nhiều người nhận “xếp hàng” hộ trên không gian trực tuyến.
Tại một số hội nhóm về mua bán vàng trên các trang mạng xã hội, không khó để có thể thấy những bài đăng nhận đăng ký mua vàng online thuê, với tiền công dao động từ 500.000– 1 triệu đồng/lượng, cùng với đó là lời khẳng định “nhận vàng mới lấy tiền”.
Ngoài dịch vụ “xếp hàng hộ”, tại những hội nhóm này còn có rất nhiều bài đăng với nội dung chào bán, thu mua vàng SJC với giá cao. Chẳng hạn “mình ngày mua được 2-3 lượng vàng SJC, cần tìm mối thanh khoản luôn trong ngày”, “mình có 2 lượng vần bán tại Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội”, “em cần tìm mua SJC giá 79 tại Hà Nội”, “mình có 5 cây SJC khu vực Tân Bình, được giá tốt thì bán luôn”, “mình sẵn 4l tại TP.HCM giá công khai 79,5…dưới mỗi bài đăng này đều là những bình luận “sẵn, giá 81”, “81 đồng ý thì inbox giao dịch”, “vừa mới bán 2 cây”…
So với mức giá “bình ổn” 76,98 triệu đồng/lượng hiện nay, giá mua bán vàng miếng SJC trên “chợ mạng” đang chênh khoảng 2,5 – 4 triệu đồng/lượng. Nếu so với mức giá mua vào của Công ty SJC đang niêm yết là 74,98 triệu đồng/lượng, thì những người này đang thu mua với giá cao hơn tới gần 6 triệu đồng/lượng.
Trước đó, các chuyên gia đưa ra nhận định, nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bán vàng “nhỏ giọt” như hiện nay, sẽ phát sinh ra một thị trường khác bán với giá cao hơn, hay nói cách khác là tình trạng 2 giá trên thị trường vàng. Và thực tế đã chứng minh có nhiều người sẵn sàng bỏ ra khoản chênh lên đến vài triệu đồng để mua lại vàng miếng từ những người “xếp hàng” thành công với những mục đích khác nhau.
Do vậy, các chuyên gia đều cho rằng, về lâu dài, vẫn phải trả vàng về cho thị trường, việc sửa đổi Nghị định 24, xóa bỏ độc quyền thương hiệu vàng quốc gia, trao việc nhập khẩu vàng cho các doanh nghiệp để “thị trường hóa” mặt hàng này 1 cách toàn diện.