Thủ tướng: Tiếp tục gỡ khó cho thị trường bất động sản
BÀI LIÊN QUAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện kế hoạch năm 20234 công điện của Thủ tướng giúp “phá băng” thị trường trái phiếu, bất động sảnThủ tướng ban hành liên tiếp 4 Công điện chỉ đạo xử lý một loạt vấn đề nóngTheo vnexpress.net, yêu cầu này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu trong phiên họp Chính phủ thường kỳ, ngày 2/2.
Nhận xét về kinh tế xã hội tháng đầu năm nay, Thủ tướng nói "kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng các cân đối lớn tiềm ẩn rủi ro". Ông phân tích, trong các động lực tăng trưởng, thị trường xuất khẩu thu hẹp và có dấu hiệu chậm lại... Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 8% so cùng kỳ 2022 (ngành chế biến, chế tạo giảm 9,1%). Thu hút đầu tư nước ngoài, tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, triển khai các chương trình phục hồi còn chậm, dàn trải...
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tín dụng cho doanh nghiệp và coi đây là "nút thắt cần gỡ để khơi thông cho các thị trường khác liên quan, như trái phiếu doanh nghiệp". Trong tháng 2 này, Chính phủ và các cơ quan liên quan sẽ tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Bất động sản là ngành đang đóng góp 11% GDP, có quan hệ mật thiết với nhiều ngành nghề, tạo ra nhiều việc làm. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường này gặp không ít khó khăn khi dòng vốn tín dụng bị siết lại, cung dư thừa so với nhu cầu và thị trường còn thiếu minh bạch... Những yếu tố này khiến giao dịch bất động sản giảm, nhiều dự án ngừng trệ không tiếp tục triển khai do đói vốn...
Cuối năm ngoái, Chính phủ đã lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với sự tham gia của các bộ, ngành. Tổ công tác vừa qua đã làm việc với một số địa phương, doanh nghiệp bất động sản lớn để lắng nghe và tìm hướng xử lý khó khăn cho các đơn vị.
Thủ tướng cũng giục Bộ Tài chính sớm hoàn thiện, trình Chính phủ để ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán ra thị trường quốc tế.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý các bộ, ngành tập trung nguồn lực cho ba chiến lược đột phá, gồm tiêu dùng, tăng trưởng và xuất khẩu. Chính sách điều hành đưa ra cần tránh giật cục, thay vào đó tìm điểm cân bằng, hài hoà giữa lãi suất và tỷ giá, tăng trưởng và lạm phát.
Các cơ quan cần cân đối nguồn lực để thực hiện đúng lộ trình cải cách chính sách tiền lương vào tháng 7 tới.
Thủ tướng nhấn mạnh không được để thiếu hụt năng lượng, bảo đảm hệ thống phân phối, cung ứng xăng dầu và sớm sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu theo hướng giảm khâu trung gian.
Về giá điện, ông đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương sửa đổi khung giá điện và điều chỉnh giá theo lộ trình phù hợp, không giật cục.
Năm nay, tổng vốn đầu tư công khoảng 700.000 tỷ đồng, Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, nhất là công trình giao thông trọng điểm. "Đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án, bố trí kế hoạch vốn", ông nêu.
Các bộ, ngành tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài và hoàn thiện phương án xử lý 4 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại để trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến.
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng đầu năm tăng 0,52% so với tháng 12/2022 và tăng 4,89% so với cùng kỳ năm trước. Đến ngày 17/1, tín dụng tăng 0,65% so với cuối năm trước. Xuất siêu tháng 1 đạt 3,6 tỷ USD, thu ngân sách đạt hơn 11% dự toán; vốn FDI đăng ký mới 1,2 tỷ USD...
Tuy nhiên, Bộ này cũng nhìn nhận khó khăn, thách thức đang gia tăng từ bên ngoài lẫn bên trong nền kinh tế. Sức ép điều hành tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và bảo đảm ổn định vĩ mô tăng cao.