Thủ tướng: Giá điện Việt Nam không thể như các nước phát triển
BÀI LIÊN QUAN
EVN kiến nghị tăng giá điện, nhiều doanh nghiệp thấp thỏmEVN đề xuất điều chỉnh giá điện như giá xăng dầu Nhiều nguy cơ tăng giá điện trong thời gian tớiTheo vnexpress.net, tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu ngày 3/2, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt khung giá điện bán lẻ bình quân làm căn cứ cho việc điều hành giá và huy động các nguồn điện, kể cả việc nhập khẩu điện từ Lào.
Trả lời việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết chính sách về giá điện "cần khẩn trương làm nhưng phải phù hợp với nền kinh tế, thu nhập người dân".
"Giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển. Giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Bộ Công Thương phải suy nghĩ thấu đáo, điều hành không giật cục, dung hoà được lạm phát và tăng trưởng, tức là vừa phải đẩy mạnh sản xuất nhưng kiểm soát được lạm phát", ông lưu ý.
Năm ngoái EVN ước lỗ khoảng 31.000 tỷ đồng và đã đề xuất tăng giá bán lẻ điện. Bộ Công Thương cho biết đang rà soát và sẽ có lộ trình tăng hợp lý.
Hiện giá điện bán lẻ bình quân của Việt Nam là 1.864,44 đồng một kWh (tương đương 0,08 USD/kWh), duy trì từ tháng 3/2019 đến nay.
Theo Globalpetrolprices, mức này hiện thấp hơn 50% so với Philippines - nước có giá điện cao nhất khu vực (0,172 USD/kWh); thấp hơn Indonesia (2.310 đồng một kWh), Thái Lan (3.273 đồng một kWh)... và hầu hết các nước phát triển khác.
Ngược lại, giá điện bình quân của Việt Nam cao hơn Lào (quốc gia có tới 70% thuỷ điện giá rẻ), một số quốc gia như Nga, Bangladesh, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ...
Ngoài yêu cầu giá điện phù hợp với nền kinh tế và thu nhập người dân, lãnh đạo Chính phủ cũng dành nhiều thời gian phân tích 4 vấn đề còn lại liên quan tới điện gồm nguồn, truyền tải, phân phối, sử dụng. Trong đó, ông đánh giá nguồn điện phải sử dụng tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước, trong đó có tiềm năng điện gió, điện mặt trời.
Ông yêu cầu, tránh tình trạng xây dựng nguồn ồ ạt nhưng không có truyền tải; khâu phân phối điện phải phù hợp với điều kiện đất nước và từng khu vực. Việc sử dụng điện cần hiệu quả, tiết kiệm.
Thủ tướng cũng đề cập tới Quy hoạch điện VIII - dự thảo đang trong quá trình hoàn thiện. Ông nói bản thân rất trăn trở khi gần hai năm quy hoạch này chưa được ban hành.
"Tiến độ quy hoạch rất cần nhưng chất lượng cần hơn để có lợi cho đất nước, người dân, nên không thể nóng vội", Thủ tướng nêu.
Liên quan sửa Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu, Thủ tướng nói tinh thần sẽ là bớt khâu trung gian, giảm thủ tục, tăng kiểm tra, giám sát; bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu (sản xuất trong nước và nhập khẩu), không để thiếu hụt hàng trong mọi tình huống.
Tại Hội nghị sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chia sẻ về kinh tế Việt Nam hiện nay với bối cảnh thách thức nhiều hơn cơ hội. Những khó khăn của kinh tế thế giới năm 2022 chưa thể khắc phục ngay, sẽ kéo dài sang đầu năm 2023. Nhu cầu thế giới giảm sút do kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp khó khăn, đặc biệt tại các nền kinh tế lớn vốn là thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam.
Điểm sáng trong tháng đầu năm, theo Thủ tướng, là cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu 3,6 tỷ USD, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 20%. Nhưng sụt giảm của nhu cầu thế giới là thách thức lớn cho xuất khẩu Việt Nam năm nay. Sản xuất công nghiệp tháng 1 giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái; đơn hàng giảm... Áp lực lạm phát tháng 1 lớn khi tăng 0,52% so với tháng 12/2022.
"Năm ngoái chúng ta đã vượt qua được các thách thức, còn năm nay áp lực lạm phát sẽ còn lớn. Trong nước, năng lực chống chịu sức cạnh tranh có hạn, tránh "cơn gió ngược" thế nào để thoát ra được?", Thủ tướng đặt vấn đề.
Trong bối cảnh cả cung và cầu giảm, lãnh đạo Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương cần giải pháp căn cơ để thúc đẩy đa dạng hoá sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng để đẩy mạnh sản xuất, tạo việc làm và bảo đảm các cân đối lớn, năng lượng.
Thủ tướng đề nghị tập trung cho 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực) và 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và xây dựng nền kinh tế tự cường, tự chủ trong lĩnh vực công nghiệp.
Nhìn nhận sụt giảm nhu cầu thế giới là thách thức lớn, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm nay là 6% so với 2022.
Nhiều hạn chế trong sản xuất, xuất khẩu được ông Diên chỉ ra, sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế, hay xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI. Sức mua trong nước hồi phục chậm chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng...
"Do vậy, thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu vẫn là chìa khóa để duy trì tăng trưởng chung của toàn ngành kinh tế", ông Diên nói.
Một trong số giải pháp được Bộ trưởng Công Thương nhắc tới là đa dạng thị trường xuất khẩu, tận dụng 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có hiệu lực, nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu... để sản xuất, xuất khẩu diễn ra thông suốt, bám đuổi mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đạt 6%.
Hiện, các thị trường như Mỹ, Đức, Anh, Hà Lan... chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu, nhưng khu vực Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ La Tinh có tốc độ tăng trưởng cao, còn dư địa để khai thác. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tạo thuận lợi hoá thương mại, tháo gỡ "rào cản" kỹ thuật để hàng hoá Việt Nam tăng hiện diện tại các thị trường này; đàm phán, ký kết FTA với Israel và tận dụng tốt cơ hội Trung Quốc mở cửa sau khi kiểm soát được dịch bệnh.
Bộ trưởng Công Thương cũng kiến nghị sửa và ban hành mới những cơ chế, chính sách đủ mạnh nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp bối cảnh mới. Một trong số đó là chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại.
Về quy hoạch, ông kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh xây dựng và phê duyệt các quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia làm căn cứ để đẩy nhanh thu hút các dự án đầu tư phát triển hạ tầng, sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ logicstics, năng lượng, khoáng sản...