meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu để phát triển thương mại điện tử

Thứ tư, 31/05/2023-15:05
Ngày 31/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Theo Báo Tin tức, Chỉ thị nêu rõ: Trong những năm gần đây, kinh tế số Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, với sự đóng góp quan trọng của thương mại điện tử. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, quản lý thuế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, quy định và quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan đã tổ chức thực hiện và triển khai các giải pháp cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế, thương mại điện tử,… góp phần hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng, xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh chóng và bùng nổ, đã đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, quản lý thuế, bảo đảm nguyên tắc công bằng, quản lý rủi ro dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu lớn,… thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh trên nền tảng số và đặc biệt là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý đầy đủ các chủ thể tham gia, kiểm soát các giao dịch thanh toán, xác thực thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người nộp thuế. Việc tuân thủ các nguyên tắc này cũng góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, thân thiện, cùng phát triển và phát huy những giá trị to lớn mà lĩnh vực thương mại điện tử mang lại cho từng cá nhân, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam, đóng góp tương xứng vào ngân sách nhà nước.

Chuẩn hóa, số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu về thương mại điện tử theo lộ trình cụ thể

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện việc sửa đổi chính sách, pháp luật thuế liên quan đến thương mại điện tử, cắt giảm thủ tục hành chính, thu gọn đầu mối kê khai, tăng cường triển khai các giải pháp thu thuế tại nguồn, chống thất thu thuế, thực hiện nghiêm các chế tài xử lý vi phạm về thuế, hải quan; chỉ đạo Tổng cục Thuế xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số để áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế trên cơ sở dữ liệu lớn. Thời hạn hoàn thành chậm nhất trong năm 2023.


Nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử. Ảnh: Thu Hương/TTXVN
Nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử. Ảnh: Thu Hương/TTXVN

Đồng thời, chủ trì xây dựng kế hoạch chi tiết về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan để tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ số xuyên biên giới; xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kết nối, chia sẻ dữ liệu. Thời hạn hoàn thành chậm nhất trong quý III/2023.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện chuẩn hóa, số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu về thương mại điện tử theo lộ trình cụ thể của từng bộ, ngành.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trong việc hoàn thiện sửa đổi chính sách, pháp luật về quản lý nhà nước đối với thương mại điện tử, trong đó tăng cường chế tài xử lý hành vi vi phạm về lưu trữ và cung cấp thông tin theo quy định quản lý nhà nước về thương mại điện tử đối với các chủ thể của hoạt động thương mại điện tử; xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử phục vụ công tác quản lý thuế, hải quan và các công tác quản lý nhà nước khác theo yêu cầu của Chính phủ. Thời hạn hoàn thành chậm nhất trong năm 2025.

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch chi tiết về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu để tăng cường công tác quản lý thuế đối với các hình thức tổ chức hoạt động thương mại điện tử trong nước; xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kết nối, chia sẻ dữ liệu hiện hành. Thời hạn hoàn thành chậm nhất trong quý III/2023.

Cùng với đó, phối hợp trao đổi thông tin với Bộ Tài chính để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp để xử lý vi phạm về hoạt động thương mại điện tử theo quy định pháp luật đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động thương mại điện tử không kê khai, nộp thuế. Thời hạn hoàn thành chậm nhất trong năm 2023.

Bộ Công Thương chủ trì triển khai việc tích hợp tài khoản định danh điện tử, ứng dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip hoặc dữ liệu dân cư để xác thực chủ thể của hoạt động thương mại điện tử tham gia giao kết hợp đồng trên Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam; quản trị, vận hành, bảo đảm ổn định Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam. Thời hạn hoàn thành chậm nhất trong năm 2023.

Có giải pháp khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử ứng dụng tài khoản định danh điện tử, ứng dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip hoặc dữ liệu cư dân để xác thực thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Thời hạn hoàn thành chậm nhất trong năm 2023.

Bảo đảm an toàn thông tin mạng trong triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện việc sửa đổi chính sách, pháp luật về viễn thông; internet; quảng cáo trên môi trường mạng; quản lý cung cấp sản phẩm, dịch vụ số; sản phẩm, dịch vụ phần mềm và các sản phẩm, dịch vụ thông qua các nền tảng số trong nước và xuyên biên giới, nghiên cứu bổ sung chế tài xử lý đình chỉ, ngăn chặn, thu hồi giấy phép hoạt động ngành nghề,… mà Bộ Thông tin và Truyền thông trực tiếp quản lý khi có vi phạm pháp luật thuế. Phối hợp cung cấp thông tin, chia sẻ dữ liệu với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính về quản lý internet đối với các website có hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam, hoàn thành chậm nhất trong năm 2025; chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính bảo đảm an toàn thông tin mạng trong thương mại điện tử và thực thi các biện pháp xử lý vi phạm đối với website thương mại điện tử theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.


Diễn tập bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng. Ảnh tư liệu: TTXVN phát
Diễn tập bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch chi tiết về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu để tăng cường công tác quản lý thuế đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, quảng cáo trên môi trường mạng, các sản phẩm, dịch vụ phần mềm, các sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số và các sản phẩm, dịch vụ thông qua các nền tảng số trong nước và xuyên biên giới. Thời hạn hoàn thành chậm nhất trong quý III/2023.

Phối hợp với Bộ Tài chính trao đổi thông tin để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, đối chiếu thông tin đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; xử lý vi phạm đối với các tổ chức cung cấp cung cấp dịch vụ viễn thông, quảng cáo trên môi trường mạng, các sản phẩm, dịch vụ phần mềm, các sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số và các sản phẩm, dịch vụ thông qua các nền tảng số trong nước và xuyên biên giới vi phạm pháp luật thuế.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, thúc đẩy các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, dịch vụ viễn thông, dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền ứng dụng giải pháp xác thực thông tin trên nền tảng Căn cước công dân để bảo đảm chính xác danh tính chủ thể đăng ký cấp chứng thư số, dịch vụ viễn thông, tên miền. Thời hạn hoàn thành chậm nhất trong năm 2023.

Đánh giá khả năng đáp ứng, nhu cầu mở rộng của Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) để làm cơ sở nâng cấp, sẵn sàng phục vụ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp liên quan tới hoạt động thương mại điện tử, bảo đảm thông suốt và bảo mật, an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng. Thời hạn hoàn thành chậm nhất trong năm 2023; đôn đốc, phối hợp và hướng dẫn thực hiện việc bảo đảm an toàn thông tin mạng trong triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu để phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế và bảo đảm an ninh tiền tệ.

Chuyển đổi sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trong việc hoàn thiện việc sửa đổi chính sách, pháp luật chuyên ngành thuộc chức năng, nhiệm vụ bảo đảm mục tiêu chung phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh mạng, an ninh tiền tệ, trong đó nghiên cứu sử dụng định danh xác thực điện tử trong các giao dịch thương mại điện tử. Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch chi tiết về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu đối với: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện chuyển đổi sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14; tổ chức, cá nhân trong nước có hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông, quảng cáo trên không gian mạng, dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, ví điện tử, chuyển tiền; các sản phẩm, dịch vụ phần mềm; các sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số và các sản phẩm, dịch vụ thông qua các nền tảng số trong nước và xuyên biên giới tại Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện định danh và xác thực điện tử; đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu hộ tịch, thuế, ngân hàng, viễn thông… phục vụ định danh, xác thực cá nhân, tổ chức phòng ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế trong hoạt động thương mại điện tử; tích hợp sử dụng tài khoản định danh điện tử để kê khai, đăng ký nộp thuế trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) và các nền tảng khác do Cơ quan thuế hướng dẫn.

Nghiên cứu phát triển hoặc tích hợp ứng dụng cổng thanh toán, ví điện tử, các tiện ích khác trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VneID) để tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia các hoạt động thương mại điện tử; phối hợp với Bộ Công Thương ứng dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp, định danh và xác thực điện tử để xác thực chủ thể tham gia giao kết hợp đồng điện tử trên Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông ứng dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp, định danh và xác thực điện tử để xác thực chủ thể đăng ký cấp chứng thư số thuê bao viễn thông, di động; hướng dẫn, thúc đẩy doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để nghiên cứu sử dụng định danh và xác thực điện tử trong các giao dịch thương mại điện tử. Thời hạn hoàn thành chậm nhất trong năm 2025.

Bộ Công an chủ trì phân tích, tổng hợp dữ liệu dân cư, định danh, xác thực điện tử và dữ liệu làm giàu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phát hiện sớm các hành vi trốn thuế, phục vụ truy thu và quản lý về thuế; chủ trì nghiên cứu cơ chế cung cấp, khai thác dữ liệu mở cho các doanh nghiệp, tổ chức khảo sát, phát triển thị trường thương mại điện tử; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn, thúc đẩy các tiện ích thanh toán trực tuyến, chữ ký số trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VneID) để tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia hoạt động thương mại điện tử, thời hạn hoàn thành chậm nhất trong năm 2023.

Phát triển các tiện ích thanh toán điện tử để thúc đẩy thương mại điện tử

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trong việc hoàn thiện việc sửa đổi chính sách, pháp luật về hệ thống thanh toán quốc gia, bảo mật thông tin của các tổ chức tín dụng để phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ. Tiếp tục thúc đẩy, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển các tiện ích thanh toán điện tử để thúc đẩy thương mại điện tử.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan trong việc thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán hỗ trợ công tác quản lý thuế đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong thương mại điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế và quy định pháp luật liên quan.

Đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch chi tiết về việc chỉ đạo, hướng dẫn ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Thời hạn hoàn thành chậm nhất trong quý III/2023.

Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan tiếp tục đẩy mạnh kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến lĩnh vực thuế, thương mại điện tử trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh; phối hợp với Bộ Công an đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo đúng yêu cầu nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo: Báo Tin tức
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Chưa thể cấm ngay Temu, 1688 và Shein, Bộ Công Thương và Tổng cục Thuế nói gì?

Mạng 5G lúc nhanh, lúc chậm: Viettel lý giải nguyên nhân?

Meey Group xác lập Kỷ lục Doanh nghiệp sở hữu Bộ giải pháp Công nghệ BĐS nhiều sản phẩm nhất Việt Nam

Xu hướng ứng dụng công nghệ trong giao dịch bất động sản ngày càng phổ biến

AI phần lớn đã đánh bại các CEO con người trong một thí nghiệm nhưng lại bị sa thải nhanh hơn

Tấn công mạng ngày càng phức tạp: Ra mắt chương trình đào tạo chuyên gia bảo vệ dữ liệu cá nhân

Nhu cầu về AI và các ngành công nghệ khác đã thúc đẩy sức mạnh tính toán của Trung Quốc tăng liên tục

YouTube Shorts vừa được tích hợp mô hình AI mới, giúp việc sáng tạo trở nên dễ dàng hơn

Tin mới cập nhật

Vì sao khó giảm lãi suất cho vay mua NOXH?

2 ngày trước

Khách hàng “ngậm đắng nuốt cay” vì dự án bất động sản vướng pháp lý

4 ngày trước

Người dân TP.HCM bức xúc về cách tính tiền sử dụng đất

5 ngày trước

Nghịch lý thị trường bất động sản: Giá cao, tỷ lệ hấp thụ tốt nhưng kết quả kinh doanh èo uột

5 ngày trước

Cơ hội tăng giá nhiều lần của đất nền phía Nam sẽ khó xuất hiện

5 ngày trước