Thủ tục mua bán đất nông nghiệp chính xác nhất
Ông Sử (Ninh Bình) dự định mua một mảnh đất nông nghiệp ở xã bên cạnh. Ông dự định sẽ xây một nhà vườn trồng rau sạch theo hướng organic tại mảnh đất mới mua đó. Tuy nhiên trong quá trình làm thủ tục bị thiếu hồ sơ nên chưa thể hoàn thành giao dịch. Dưới đây là những thông tin pháp luật đầy đủ về thủ tục mua bán đất nông nghiệp.
Đất nông nghiệp là gì?
Theo Luật đất đai năm 2013 quy định 2 loại đất gồm theo mục đích sử dụng, đó là đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp.
Trong đó, đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho người dân phục vụ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Bao gồm các loại đất có đặc thù giống nhau là tư liệu sản xuất chính cho các mục đích như trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng..vv..
Đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất chủ yếu vừa là tài liệu lao động vừa là đối tượng lao động, đặc biệt không thể thay thế được của ngành nông- lâm nghiệp, là tiền đề của mọi quá trình sản xuất. Đất nông nghiệp tham gia vào các ngành sản xuất lương thực, thực phẩm như ngành thủy sản, ngành trồng trọt, chăn nuôi.
Các loại đất nông nghiệp
Tại điều 10 Luật đất đai 2013 chia đất nông thành 8 loại khác nhau gồm:
Đất nông nghiệp trồng cây hàng năm
Trên thực tế đất nông nghiệp có mục đích trồng cây hàng năm là loại đất dùng để trồng các loại cây có thời gian sinh trưởng và thu hoạch với thời gian rất ngắn như các loại cây hoa màu, cây trồng lúa. Để xác định phần đất này là đất trồng cây hàng năm cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào hiện trạng sử dụng đất sau đó cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Đất nông nghiệp dùng cho chăn nuôi
Đất nông nghiệp có mục đích dành cho chăn nuôi là loại đất nông nghiệp có mục đích chủ yếu cho chăn nuôi với mục đích nuôi gia súc, gia cầm vv..ví dụ như đất chuyên trồng cỏ tự nhiên làm thức ăn cho chăn nuôi
Đất trồng cây lâu năm
Đất nông nghiệp có mục đích trồng cây lâu năm là đất trồng các loại cây có thời gian sinh trưởng trên một năm. Thời gian sinh trưởng của cây từ khi gieo trồng tới khi thu hoạch có thời gian lâu hơn các loại cây trồng trên đất hàng năm.
Đất rừng sản xuất
Theo quy định của pháp luật đất đai, đất rừng sản xuất là một trong những bộ phận đất nông nghiệp rất quan trọng, là rừng tự nhiên nhưng được Nhà nước giao đất này cho các tổ chức nhằm mục đích quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
Đất rừng phòng hộ
Đất nông nghiệp là rừng phòng hộ là đất được sử dụng nhằm mục đích để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, là một phần để giúp chống xói mòn, hạn chế thiên tai, có tác dụng làm cân bằng môi trường sinh thái và điều hòa khí hậu.
Đất rừng đặc dụng
Đất nông nghiệp là rừng phòng hộ được thành lập với mục đích chủ yếu với mục đích để bảo tồn thiên nhiên, cân bằng hệ sinh thái rừng của quốc gia, ngoài ra để nhằm những mục đích phục vụ nghiên cứu khoa học, kết hợp phát triển kinh tế như danh lam thắng cảnh khu vui chơi nghỉ ngơi giải trí hay được xem là di tích lịch sử cần được bảo vệ.
Đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối
Đối với đất nuôi trồng thủy sản thường là đất để nuôi trồng thuỷ sản, thường là những phần đất nội địa bao gồm ao, hồ, sông, ngòi... những phần đất có mặt nước bao gồm cả trang trại được giao để nhằm mục đích nuôi trồng và phát triển về ngành thủy sản.
Đất làm muối được xác định là phần diện tích đất trong quy hoạch để sản xuất muối được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm: Đất sản xuất muối quy mô công nghiệp và đất sản xuất muối thủ công.
Đất nông nghiệp khác
Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi được cơ quan có thẩm quyền cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống phục vụ nông nghiệp.
Điều kiện mua bán đất nông nghiệp
Đối với người bán
Tại Điều 179 luật đất đai 2013 có quy định quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất như sau:
“1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế thì có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này;
b) Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng một xã, phường, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác;
c) Chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật....”.
Đối với người mua
Tại Điều 191 Luật Đất đai 2013 quy định điều kiện được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp. Nếu ông Sử không thuộc 2 trường hợp dưới đây thì sẽ đủ điều kiện mua đất nông nghiệp. 2 trường hợp này là:
Trường hợp 1: Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa, cụ thể:
- Tất cả các thành viên của hộ gia đình thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội thì hộ gia đình đó không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa.
- Cá nhân thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa.
Trường hợp 2: Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.
Thủ tục mua bán đất nông nghiệp
a) Lập hợp đồng mua bán đất nông nghiệp
Hai bên nhận chuyển nhượng và chuyển nhượng đến văn phòng công chứng nơi có đất yêu cầu công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
b) Hồ sơ yêu cầu công chứng
- Dự thảo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Giấy tờ cá nhân như: Chứng minh thư/Căn cước công dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn…
c) Đăng ký biến động đất đai
Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký biến động đất đai
Sau khi đã công chứng hợp đồng, hai bên đến Văn phòng đăng ký đất đai nộp hồ sơ thực hiện quyền chuyển nhượng đất.
Trong trường hợp chuyển nhượng một phần thì yêu cầu Văn phòng đăng ký đất đai đo đạc tách thửa đối với diện tích đất cần thực hiện quyền chuyển nhượng trước khi nộp hồ sơ thực hiện quyền chuyển nhượng.
Hồ sơ gồm có:
- Đơn xin đăng ký biến động (theo mẫu).
- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (có công chứng).
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Chứng minh thư/Căn cước công dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản sao).
Khi mua bán đất nông nghiệp cần thực hiện đầy đủ các thủ tục để đảm bảo tính pháp lý cho giao dịch.
Bước 2: Văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xử lý những việc sau:
- Văn phòng đăng ký đất đai sẽ gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
- Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Trường hợp phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất.
- Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi UBND cấp xã để trao đổi với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Bước 3: Người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có)
Bước 4: Nhận kết quả theo phiếu hẹn
Lưu ý: Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Ông Sử nên thực hiện đầy đủ các thủ tục như trên để quá trình mua bán đất nông nghiệp được thuận lợi.
Các loại phí phải nộp khi chuyển nhượng đất nông nghiệp
a) Thuế TNCN khi chuyển quyền sử dụng đất:
Theo điểm c tiểu mục 1.2 mục 1 Công văn 17526/BTC-TCT, thuế suất đối với chuyển nhượng bất động sản là 2% trên giá chuyển nhượng từng lần đối với chuyển nhượng bất động sản.
Trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất thì được miễn thuế TNCN theo Khoản 2 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007.
Theo Khoản 4 Điều 12 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định cách tính như sau:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Giá chuyển nhượng x Thuế suất 2%.
b) Lệ phí trước bạ:
Theo Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 45/2011/NĐ-CP của Chính phủ, lệ phí trước bạ của nhà đất là 0,5%.
Đồng thời, Theo Thông tư 34/2013/TT-BTC, cách tính lệ phí trước bạ phải nộp như sau:
Số tiền lệ phí trước bạ phải nộp (đồng) = Giá trị tài sản tính lệ phí trước bạ (đồng) x Mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ (%).
c) Lệ phí địa chính:
Đây là khoản thu vào tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức được ủy quyền giải quyết các công việc về địa chính.
Tùy từng điều kiện cụ thể của từng địa bàn và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà quy định mức thu cho phù hợp, đảm bảo nguyên tắc:
+ Mức thu tối đa áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; phường nội thành thuộc thành phố hoặc thị xã trực thuộc tỉnh.
d) Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất: Mức thu tối đa không quá 100.000 đồng/giấy đối với cấp mới; tối đa không quá 50.000 đồng/lần cấp đối với cấp lại (kể cả cấp lại giấy chứng nhận do hết chỗ xác nhận), cấp đổi, xác nhận bổ sung vào giấy chứng nhận.
Trường hợp giấy chứng nhận cấp cho hộ gia đình, cá nhân chỉ có quyền sử dụng đất (không có nhà và tài sản khác gắn liền với đất) thì áp dụng mức thu tối đa không quá 25.000 đồng/giấy cấp mới; tối đa không quá 20.000 đồng/lần cấp đối với cấp lại (kể cả cấp lại giấy chứng nhận do hết chỗ xác nhận), cấp đổi, xác nhận bổ sung vào giấy chứng nhận.
e) Chứng nhận đăng ký biến động về đất đai: Không quá 28.000 đồng/1 lần.
f) Trích lục bản đồ địa chính, văn bản, số liệu hồ sơ địa chính: Không quá 15.000 đồng/1 lần.
+ Mức thu áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân tại các khu vực khác: Tối đa không quá 50% mức thu áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; phường nội thành thuộc thành phố hoặc thị xã trực thuộc tỉnh.
g) Phí công chứng hợp đồng:
Theo Khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch 62/2013/TTLT-BTC-BTP quy định. Mức thu lệ phí chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản được xác định theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch:
Mức thu lệ phí chứng thực đối với các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được tính tính dựa trên giá trị tài sản hoặc hợp đồng.
Trên đây là những thông tin pháp luật chính xác nhất về thủ tục mua bán đất nông nghiệp. Hy vọng sẽ giúp ông Sử cũng như những người muốn mua đất nông nghiệp với mục đích sử dụng cho sản xuất nông nghiệp diễn ra thuận lợi, nhanh chóng và đúng quy định.