Thông tin pháp luật mới nhất về quy hoạch đất nghĩa trang
Nghĩa trang là gì?
Theo Nghị định số 35/2008/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang thì khái niệm nghĩa trang được hiểu như sau: “Nghĩa trang là nơi táng người chết tập trung theo các hình thức táng khác nhau, thuộc các đối tượng khác nhau và được quản lý xây dựng theo quy hoạch.”
Nghĩa trang được phân loại dựa trên các căn cứ khác nhau như:
- Phân loại theo công nghệ táng.
- Phân loại theo phương cách quản lý.
- Phân loại theo công nghệ táng.
- Phân theo vùng địa lý và theo phong tục tập quán truyền thống.
Thế nào là quy hoạch đất nghĩa trang?
Quy hoạch sử dụng đất nói chung là toàn bộ các biện pháp phân phối nguồn đất đai dưới các hoạt động mang tính pháp chế của Nhà nước để tổ chức sử dụng đất hợp lý.
Căn cứ Điều 9 Nghị định 35/2008/NĐ-CP thì quy hoạch đất nghĩa trang là một nội dung của đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn. Khi phê duyệt các quy hoạch này, cơ quan có thẩm quyền đồng thời phê duyệt quy hoạch đất sử dụng làm nghĩa trang.
Thẩm quyền thẩm định quy hoạch đất nghĩa trang
Theo Điều 44 Luật Đất đai năm 2013 thì thẩm quyền thẩm định quy hoạch đất nghĩa trang được quy định như sau:
“1. Thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất:
a) Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Hội đồng thẩm định trong quá trình thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
b) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.
Cơ quan quản lý đất đai ở trung ương có trách nhiệm giúp Hội đồng thẩm định trong quá trình thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm giúp Hội đồng thẩm định trong quá trình thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
2. Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp có trách nhiệm thẩm định và gửi Thông báo kết quả thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến cơ quan tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định tại Điều 42 của Luật này; cơ quan tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có trách nhiệm tiếp thu, giải trình theo nội dung thông báo kết quả thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tổ chức kiểm tra, khảo sát thực địa các khu vực dự kiến chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.”
Các yêu cầu về quy hoạch đất nghĩa trang hiện nay
- Phù hợp với các điều kiện địa hình, điều kiện địa chất, địa chất thủy văn và khả năng khai thác quỹ đất.
- Phù hợp với tổ chức phân bố dân cư và kết nối công trình hạ tầng kỹ thuật.
- Đáp ứng nhu cầu táng trước mắt và lâu dài của khu vực lập quy hoạch.
- Bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
- Khuyến khích quy hoạch các nghĩa trang phục vụ cho nhiều địa phương khác nhau và các nghĩa trang có sử dụng hình thức táng mới văn minh, hiện đại nhằm tiết kiệm đất, kinh phí xây dựng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, cần tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật được Bộ xây dựng ban hành liên quan đến quy hoạch đất nghĩa trang như: khi lựa chọn địa điểm nghĩa trang, phải nghiên cứu khả năng phục vụ cho nhiều vùng, liên đô thị; Nghĩa trang xây dựng mới phải bố trí ở ngoài đô thị, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị hoặc dân cư nông thôn, đặc biệt là không làm ảnh hưởng đến môi trường dân cư xung quanh, không ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho sinh hoạt, ở cuối hướng gió so với khu dân cư; Nghĩa trang hung táng (mai táng thi hài trong một khoảng thời gian nhất định và sẽ cải táng), nghĩa trang chôn cất một lần không được bố trí trong nội thị và các nghĩa trang hiện có trong đô thị không đạt tiêu chuẩn môi trường phải ngừng sử dụng và có kế hoạch di chuyển.
Yêu cầu đối với quy hoạch xây dựng nghĩa trang gồm các hoạt động: Xác định cụ thể vị trí, quy mô, ranh giới của nghĩa trang; Xác định các hình thức táng sử dụng trong nghĩa trang; Xác định các chỉ tiêu kỹ thuật; Phân khu chức năng, phân lô mộ, nhóm mộ, hàng mộ, khoảng cách giữa các mộ tuân thủ theo quy định đồng thời phải thuận tiện cho việc thực hiện các nghi lễ táng; Phải có các quy định về kích thước, kiểu dáng các mộ, bia mộ; các yêu cầu đối với thiết kế công trình trong nghĩa trang; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các công trình nhà hoả táng nhà lưu giữ tro cốt (nếu có). Các công trình phục vụ, các công trình khác có liên quan phải được quy hoạch xây dựng đồng bộ bảo đảm vệ sinh môi trường; Đánh giá tác động môi trường; UBND cấp tỉnh quy định phân cấp trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng nghĩa trang trên địa bàn tỉnh theo các quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng.
Về quy mô nghĩa trang thì quy mô sử dụng đất nghĩa trang cần được dự báo trên cơ sở dự báo về dân số đô thị. Chỉ tiêu sử dụng đất cho một phần mộ cũng phải đảm bảo theo quy định cụ thể với từng hình thức táng. Nếu là mộ hung táng và chôn cất một lần thì diện tích tối đa không quá 5m2 /mộ còn mộ cải táng thì không quá 3m2 /mộ.
Về tỷ lệ sử dụng đất trong nghĩa trang thì tỷ lệ sử dụng đất cũng khác nhau với mỗi hình thức táng. Nghĩa trang hung táng và chôn cất một lần: tối đa 70% diện tích đất dùng để chôn cất; tối thiểu 30% diện tích đất cho công trình giao thông và các công trình phụ trợ. Nghĩa trang cát táng: tối đa 50% diện tích đất dùng để chôn cất; tối thiểu 50% diện tích đất cho công trình giao thông và các công trình phụ trợ.
Nội dung của quy trình quy hoạch đất nghĩa trang
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì quy hoạch đất nghĩa trang được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Xác định ranh giới nghĩa trang, khảo sát và đánh giá hiện trạng khu đất quy hoạch xây dựng nghĩa trang bao gồm:
- Xác định ranh giới khu đất quy hoạch xây dựng nghĩa trang.
- Xem xét, đánh giá hiện trạng khu vực quy hoạch xây dựng nghĩa trang, các điều kiện tự nhiên, cảnh quan, địa hình, địa chất thủy văn, hạ tầng kỹ thuật, môi trường khu vực quy hoạch xây dựng, các quy định của quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch ngành có liên quan, quy hoạch nghĩa trang, cơ sở hỏa táng trong các đồ án quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch đô thị có liên quan.
Bước 2: Xác định hình thức táng, quy mô, tính chất và các chỉ tiêu sử dụng đất bao gồm:
- Xác định hình thức nghĩa trang.
- Lựa chọn hình thức táng phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, tín ngưỡng, phong tục và tập quán tốt, văn hoá, văn minh và bảo đảm tiết kiệm đất, hạn chế ô nhiễm môi trường; Các hình thức táng, chỉ tiêu sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật, đề xuất lựa chọn loại cây trồng phù hợp trong các lô mộ, nhóm mộ, đường giao thông chính và khu vực công cộng trong nghĩa trang.
- Dự báo quy mô nghĩa trang.
Bước 3: Quy hoạch sử dụng đất và không quan cảnh quan xung quanh bao gồm:
- Các yêu cầu về quy hoạch sử dụng đất và không gian kiến trúc cảnh quan.
- Quy hoạch các khu chức năng chính trong nghĩa trang.
- Quy định về kích thước, kiểu dáng các mộ, bia mộ hay các yêu cầu khác đối với thiết kế công trình nghĩa trang.
Bước 4: Quy hoạch hệ thống hạ tầng, kỹ thuật nghĩa trang bao gồm:
- Quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật.
- Quy hoạch hệ thống giao thông, cấp nước, cấp điện.
- Quy hoạch xử lý chất thải rắn và khí thải, nước thải.
Bước 5: Nhận xét và đánh giá môi trường chiến lược bao gồm:
- Căn cứ pháp lý ĐMC trong quy hoạch xây dựng nghĩa trang.
- Quy trình thực hiện ĐMC cho quy hoạch xây dựng nghĩa trang.
- Nội dung ĐMC cho quy hoạch xây dựng nghĩa trang.
Bước 6: Tham khảo ý kiến cộng đồng.
Bước 7: Chuẩn bị hồ sơ trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch đất nghĩa trang bao gồm:
- Chuẩn bị hồ sơ thuyết trình.
- Chuẩn bị hồ sơ bản vẽ.
- Trình phê duyệt quy hoạch.
Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt phải được công bố công khai, cụ thể:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia tại trụ sở cơ quan và trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh tại trụ sở cơ quan và trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
- Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện tại trụ sở cơ quan, trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện và công bố công khai nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện có liên quan đến xã, phường, thị trấn tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.
Thời hạn công bố công khai quy hoạch được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt và việc công khai được thực hiện trong suốt kỳ quy hoạch. Tuy nhiên, nếu việc quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật hoặc đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất, trừ một số trường hợp khác theo luật định.
Thời hạn sử dụng đất quy hoạch làm nghĩa trang là bao lâu?
Căn cứ Điều 125 Luật đất đai 2013 quy định người sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài trong các trường hợp sau đây:
“1. Đất ở do hộ gia đình, cá nhân sử dụng;
2. Đất nông nghiệp do cộng đồng dân cư sử dụng quy định tại khoản 3 Điều 131 của Luật này;
3. Đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên;
4. Đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng ổn định mà không phải là đất được Nhà nước giao có thời hạn, cho thuê;
5. Đất xây dựng trụ sở cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 147 của Luật này; đất xây dựng công trình sự nghiệp của tổ chức sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính quy định tại khoản 2 Điều 147 của Luật này;
6. Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;
7. Đất cơ sở tôn giáo quy định tại Điều 159 của Luật này;
8. Đất tín ngưỡng;
9. Đất giao thông, thủy lợi, đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, đất xây dựng các công trình công cộng khác không có mục đích kinh doanh;
10. Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa;
11. Đất tổ chức kinh tế sử dụng quy định tại khoản 3 Điều 127 và khoản 2 Điều 128 của Luật này.”
Như vậy, theo khoản 10 của Điều luật nói trên thì đất làm nghĩa trang là đất được sử dụng ổn định lâu dài.
Có thể thấy rằng, việc quy hoạch đất nghĩa trang một cách đồng bộ, hoàn chỉnh phải bao gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các công trình nhà hỏa táng, nhà lưu giữ tro cốt, các công trình phục vụ, các công trình khác có liên quan nhằm đáp ứng khâu vận hành của nghĩa trang theo hướng văn minh, tiết kiệm quỹ đất. Pháp luật về quy hoạch đất nghĩa trang cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh để nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất này trong lĩnh vực đất đai, cũng như đảm bảo về đạo đức và quan niệm tâm linh của con người.