Các quy định pháp luật mới nhất về đất quy hoạch làm đường
Định nghĩa đất quy hoạch làm đường
Quy hoạch sử dụng đất nói chung có thể hiểu là toàn bộ hệ thống các biện pháp mang tính pháp chế của Nhà nước nhằm phân phối nguồn đất đai một cách có kế hoạch và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, xã hội dưới từng thời kỳ.
Quy hoạch đất làm đường là các biện pháp được Nhà nước áp dụng để phân phối nguồn đất phục vụ cho các hoạt động liên quan đến kết cấu hạ tầng đường bộ (như hoạt động làm đường) và đảm bảo phù hợp với các nội dung phát triển kinh tế, xã hội đã đề ra.
Quy định của pháp luật về đất quy hoạch làm đường
Về thẩm quyền quy tổ chức thực hiện quy hoạch đất làm đường bộ
Bộ Giao thông vận tải có thẩm quyền chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới đường bộ. Đồng thời, Bộ cũng cần định kỳ tổ chức đánh giá thực hiện quy hoạch, rà soát và điều chỉnh kịp thời quy hoạch, công bộ theo quy định; Cung cấp dữ liệu cần thiết để cập nhật vào hệ thống, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động quy hoạch; Triển khai xây dựng kế hoạch, tham mưu các giải pháp giúp triển khai quy hoạch có hiệu quả; Tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch; Phối hợp với các Bộ khác có liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sắp xếp nguồn ngân sách thực hiện quy hoạch.
Bên cạnh Bộ Giao thông vận tải thì các bộ, ngành khác tùy theo chức năng và quyền hạn, trách nhiệm cụ thể của mình mà phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các cấp phân bổ nguồn lực, giúp thực hiện hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch đất làm đường.
Về Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý chặt chẽ quỹ đất phục vụ triển khai quy hoạch làm đường; Rà soát, kiểm tra, điều chỉnh kịp thời quy hoạch làm đường trên địa bàn địa phương, đảm bảo nội dung quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển giao thông địa phương; Huy động nguồn lực đầu tư, đặc biệt là các tuyến đường địa phương được quy hoạch làm đường quốc lộ; Tổ chức quản lý các đoạn tuyến quốc lộ không đáp ứng yêu cầu.
Về công tác thẩm định quy hoạch sử dụng đất làm đường
Thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định như sau:
- Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch đất cấp quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện các công việc giúp cho Hội đồng thẩm định trong quá trình thẩm định quy hoạch đất.
- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch đất làm đường cấp tỉnh, cơ quan quản lý đất đai ở trung ương giúp Hội đồng thẩm định trong quá trình thẩm định.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch đất cấp huyện, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh, cấp huyện giúp Hội đồng thẩm định trong quá trình thẩm định.
Nội dung thẩm định quy hoạch sử dụng đất làm đường phải đảm bảo đầy đủ các nội dung như sau:
- Cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học của công tác lập quy hoạch sử dụng đất.
- Kết luận mức độ phù hợp của phương án quy hoạch sử dụng đất với định hướng quy hoạch tổng thể quốc phòng, an ninh của quốc gia và địa phương, phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch phát triển ngành khác.
- Hiệu quả đạt được về kinh tế - xã hội, môi trường từ quy hoạch.
- Kinh phí tổ chức thẩm định quy hoạch được xác định thành một mục riêng biệt.
- Đánh giá tính khả thi thực tế của phương án quy hoạch sử dụng đất đã nêu.
Về việc lấy ý kiến về quy hoạch sử dụng đất làm đường
Cơ quan tổ chức lập quy hoạch tổ chức lấy ý kiến đóng góp của người dân về quy hoạch đất làm đường. Về hình thức, nội dung, thời gian của tổ chức lấy ý kiến người dân về quy hoạch đất làm đường được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Đất đai năm 2013 như sau:
“a) Việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh được thực hiện thông qua hình thức công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được thực hiện thông qua hình thức tổ chức hội nghị, lấy ý kiến trực tiếp và công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện;
b) Nội dung lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các dự án công trình thực hiện trong kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
c) Thời gian lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là 30 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tổ chức lấy ý kiến.”
Về nội dung quy hoạch đất làm đường
Hệ thống đường cao tốc được quy hoạch làm 41 tuyến đường, tổng chiều dài tuyến cao tốc vào khoảng 9.014 km, cụ thể như sau:
a) Trục dọc Bắc - Nam:
- Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông tính từ cửa khẩu Hữu Nghị, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn kéo dài đến thành phố Cà Mau, thuộc tỉnh Cà Mau sẽ có chiều dài khoảng 2.063 km, quy mô lưu thông từ 4 đến 10 làn xe.
- Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây tình từ thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang đến lãnh thổ thành phố Rạch Giá thuộc tỉnh Kiên Giang có chiều dài khoảng 1.205 Km, quy mô lưu thông từ 4 đến 6 làn xe.
b) Khu vực phía Bắc quy hoạch gồm 14 tuyến với chiều dài vào khoảng 2.305 km, quy mô lưu thông từ 4 đến 6 làn xe.
c) Khu vực miền Trung và Tây Nguyên quy hoạch gồm 10 tuyến với chiều dài khoảng 1.431 km, quy mô lưu thông từ 4 đến 6 làn xe.
d) Khu vực phía Nam quy hoạch gồm 10 tuyến với tổng chiều dài vào khoảng 1.290 km, quy mô lưu thông từ 4 đến 10 làn xe.
đ) Vành đai khu vực đô thị Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh:
- Vành đai khu vực đô thị Hà Nội quy hoạch gồm 3 tuyến với tổng chiều dài vào khoảng 429 km (trong đó không bao gồm các đoạn đi trùng các tuyến cao tốc khác), quy mô lưu thông đảm bảo gồm 6 làn xe.
- Vành đai đô thị Thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch gồm 2 tuyến với tổng chiều dài khoảng 291 km và quy mô lưu thông là 8 làn xe.
Hệ thống đường quốc lộ quy hoạch gồm 172 tuyến với tổng chiều dài vào khoảng 29.795 km, cụ thể như sau:
a) Trục dọc Bắc - Nam:
- Quốc lộ 1: Bắt đầu từ Cửa khẩu Hữu Nghị, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đến địa phận huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, đạt tổng chiều dài khoảng 2.482 km, đảm bảo đạt mức tiêu chuẩn cấp III với lưu thông 4 làn xe.
- Đường Hồ Chí Minh: Bắt đầu từ Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đến địa phận Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, với tổng chiều dài vào khoảng 1.762 km, yêu cầu đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp III và lưu thông 2 đến 4 làn xe.
b) Khu vực phía Bắc:
- Tuyến quốc lộ chính yếu sẽ quy hoạch gồm 21 tuyến với tổng chiều dài vào khoảng 6.954 km và quy mô tối thiểu cấp III, lưu thông 2 đến 6 làn xe, những khu vực địa hình khó khăn thì quy mô tối thiểu đạt cấp IV với 2 làn xe.
- Tuyến quốc lộ thứ yếu quy hoạch bao gồm 34 tuyến với tổng chiều dài vào khoảng 4.007 km và quy mô tối thiểu cấp III, lưu thông 2 - 4 làn xe. Nếu địa hình khó khăn thì quy mô tối thiểu đạt cấp IV với 2 làn xe.
- Các tuyến quốc lộ đi qua trên địa bàn Thủ đô Hà Nội tính từ vành đai 4 trở vào phải được tổ chức quản lý và thường xuyên bảo trì theo Luật Thủ đô.
c) Khu vực miền Trung - Tây Nguyên:
- Tuyến quốc lộ chính yếu quy hoạch bao gồm 24 tuyến với tổng chiều dài vào khoảng 4.407 km, quy mô lưu thông tối thiểu đạt cấp III với 2 - 4 làn xe, một số đoạn đi qua địa hình khó khăn thì quy mô tối thiểu đạt cấp IV với 2 làn xe.
- Tuyến quốc lộ thứ yếu quy hoạch sẽ gồm 47 tuyến, chiều dài khoảng 4.618 km, quy mô tối thiểu cấp III dành cho 2 đến 4 làn xe, một số đoạn địa hình khó khăn quy mô tối thiểu cấp IV, 2 làn xe.
d) Khu vực phía Nam:
- Tuyến quốc lộ chính yếu, quy hoạch gồm 17 tuyến có chiều dài khoảng 2.426 km, quy mô tối thiểu cấp III dành cho 2 đến 4 làn xe, nếu lưu lượng vận tải lớn thì quy mô cấp III cho 4 đến 6 làn xe.
- Tuyến quốc lộ thứ yếu quy hoạch gồm 27 tuyến với tổng chiều dài khoảng 3.139 km, quy mô quy hoạch áp dụng tối thiểu cấp III cho 2 đến 4 làn xe.
Cơ chế đền bù khi đất quy hoạch làm đường
Tại Khoản 1 Điều Điều 75 Luật Đất đai năm 2013 quy định điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích công cộng, cụ thể là để làm đường như sau:
“1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam mà có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp."
Bên cạnh đó, tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 47/2014/ NĐ -CP quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất có quy định Việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở quy định tại Điều 79 Luật đất đai năm 2013 như sau:
“a) Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư;
b) Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân còn đất ở, nhà ở khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng tiền. Đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở."
Có nên mua đất quy hoạch làm đường hay không?
Trên thực tế, các giao dịch mua bán đất đang trong diện được quy hoạch làm đường vẫn diễn ra rất nhiều. Tuy nhiên, việc thực hiện mua đất quy hoạch làm đường là tương đối mạo hiểm, bởi trong nhiều trường hợp còn có thể bị thua lỗ, không thể bán lại đất đã mua, không được Nhà nước đền bù dẫn đến mất trắng khoản tài chính bỏ ra thực hiện giao dịch này. Bên cạnh việc tìm hiểu đất muốn mua có nằm trong quy hoạch làm đường hay không thì khi mua đất, người mua cũng nên chủ động tìm hiểu một số thông tin khác liên quan đến chủ trương quy hoạch đất như thời gian thực hiện, diện tích quy hoạch, mức bồi thường, tiến độ quy hoạch,... để tránh được những rủi ro không đáng có.
Quy hoạch đất làm đường là hoạt động luôn cần diễn ra để kiến tạo một hệ thống giao thông hiện đại hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu của đời sống xã hội. Việc tìm hiểu quy định về quy hoạch đất làm đường sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để biết cách bảo vệ trọn vẹn quyền lợi hợp pháp của mình trong các giao dịch mua bán đất hiện nay.