Thị trường chứng khoán hôm nay 17/5: Thị trường bùng nổ, cổ phiếu đua nhau kéo trần đưa VN-Index tăng vọt 56 điểm
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 16/5: Sáng tăng, chiều giảm, chốt phiên VN-Index giảm gần 11 điểmThị trường chứng khoán hôm nay 13/5: VN-Index "thủng" mốc quan trọng 1.200 điểm, trở về vùng điểm năm 2018Thị trường chứng khoán hôm nay 12/5: VN-Index rơi gần 63 điểm, chứng khoán Việt giảm mạnh nhất thế giớiVN-Index lấy lại mốc 1.200 một cách dễ dàng
Theo Zingnews, sau chuỗi giảm dài vì bán tháo, thị trường chứng khoán trong nước hôm nay đã có phiên hồi phục rất tốt. Mở cửa phiên sáng ngày 17/5, VN-Index vẫn chìm trong sắc đỏ với tâm lý "dè dặt" của nhà đầu tư khi phần lớn lệnh mua được đẩy lên bảng điện chỉ dao động quanh mốc giá tham chiếu.
Tuy nhiên, khi nhận thấy bên bán không còn “thiết tha” bán tháo như trước, lực cầu giá cao bắt đầu được đẩy vào. Chứng khoán bất ngờ bứt tốc trong buổi chiều khi nhà đầu tư mua đuổi và cứ thế mở rộng đà tăng về cuối ngày.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng đến 56,42 điểm (4,81%) đạt mức cao nhất ngày tại 1.228,37 điểm. Như vậy, chỉ số này đã chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp, cũng như lấy lại mốc quan trọng 1.200 điểm khá vững chắc.
Xét về mặt tương đối, mức tăng 4,81% cũng là con số cao nhất VN-Index đạt được trong vòng hơn 25 tháng qua kể từ ngày 6/4/2020, đồng thời đưa Việt Nam trở thành thị trường chứng khoán tăng mạnh nhất Châu Á trong phiên 17/5.
Trong khi đó sàn niêm yết HNX cũng bứt phá 8,39 điểm (2,73%) lên 315,44 điểm. UPCoM-Index tăng 2,89% đạt 95,89 điểm.
Chứng khoán "bừng tỉnh", hơn 200 mã tăng trần
Nhóm vốn hóa lớn tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt xu hướng chung. Trong đó, riêng rổ VN30 đã tăng 64,47 điểm (5,31%) với toàn bộ 30 mã tăng giá, trong đó thậm chí có đến 13 mã tăng kịch trần tiêu biểu BID, BVH, FPT, MSN, GVR, MWG, PLX, POW...
Phần lớn nhóm có tỷ trọng vốn hóa lớn đều có mức tăng ấn tượng 5-6% như ngân hàng, công nghệ, năng lượng, nguyên vật liệu, công nghiệp, tiêu dùng, tiện ích,...
Đi vào từng nhóm ngành, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng tăng kịch trần như BID, VPB, CTG, TCB, MBB, STB, SHB, LPB, OCB. Các cổ phiếu khác đa phần cũng tăng mạnh. Duy nhất SSB đứng giá tham chiếu.
Với nhóm bất động sản, các cổ phiếu vốn hóa lớn đảo chiều xanh dù phiên sáng "đỏ lửa". Bộ đôi VIC - VHM tăng khiêm tốn so với mặt bằng chung khi lần lượt có thêm 1,3% và 1,67% giá trị; trong khi NVL tăng 4,4%, BCM tăng 2,64%, VRE tăng 4,38%, PDR tăng 4,4%. Các cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn tràn ngập sắc tím, có thể kể đến VCG, ITA, DXS, TCH, HDC, SCR, KHG, HHV, HTN, LDG, QCG, IJC, HQC, CII, HDG, SZC...
Nhóm cổ phiếu chứng khoán có một phiên thăng hoa với hàng loạt mã như HCM, VND, MBS, BSI, VCI, VIX,... tăng hết biên độ, SSI cũng bứt phá mạnh khi tăng sát trần 6,8% lên 29.150 đồng/cp.
Ở nhóm sản xuất, tình trạng phân hóa trong phiên sáng đã hoàn toàn thay đổi trong phiên chiều. HPG tăng 5,23%, VNM tăng 6,38%, SAB tăng 4,88%; MSN, GVR, DGC, DPM, GEX, VHC, DCM, HSG, SBT, PHR, HT1... đồng loạt tăng kịch trần.
Các cổ phiếu năng lượng, bán lẻ, hàng không cũng không thể không diễn biến tích cực: GAS tăng 6,21%, PGV tăng 0,35%, POW và PLX tăng kịch trần; MWG và FRT tăng kịch biên độ còn PNJ tăng 5,2%; VJC và HVN lần lượt có thêm 1,59% và 6,08% giá trị.
Cổ phiếu đầu cơ ghi nhận nhiều mã chạm giá trần. Nhóm Apec có APS, IDJ tăng hết biên độ và API tăng 8,1%. Nhóm Louis có TGG tăng trần, BII tăng 4,8%. Nhóm Gelex ghi nhận GEX, VGC, VIX, MHC trong sắc tím. Nhóm DNP Corp có HUT và NVT tăng kịch trần. Nhóm FLC Group tăng giá 5-6%...
Trên thị trường không có quá nhiều mã giảm giá nên không tác động nhiều đến xu hướng đi lên trong ngày. Những mã giảm mạnh có thể kể đến như YEG của Yeah1 mất 4,4%, VPG của Việt Phát giảm gần 4%, THD của Thaiholdings rơi mạnh 9,6%, KSF mất 7,7%.
Nhà đầu tư tranh mua cổ phiếu đã giúp cho hàng loạt cổ phiếu chuyển màu sang sắc xanh, tím. Độ rộng thị trường nghiêng hoàn toàn về phe mua, với tổng cộng 878 mã tăng giá (trong đó có đến 217 mã kịch trần) so với 159 mã giảm giá.
Mặc dù có mức tăng đột biến, thanh khoản thị trường vẫn không có nhiều cải thiện với tổng giá trị giao dịch trên 3 sàn đạt hơn 16.700 tỷ đồng, riêng sàn HoSE khớp lệnh giảm 3% về 13.260 tỷ đồng.
Có thể thấy tâm lý nhà đầu tư phần nào được "cởi trói" sau những thông tin tích cực được công bố. Cụ thể, liên quan đến việc công bố thông tin giao dịch tự doanh, Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HoSE) sẽ công bố thông tin số liệu tự doanh của công ty chứng khoán ngay trong chiều hôm nay (17/5), HNX đảm bảo công bố trước 23/5
Đồng thời, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng vừa chia sẻ thông tin Uỷ ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) đã chỉ đạo về việc giao dịch lô lẻ, HoSE đang test hệ thống với các công ty chứng khoán và tuần sau sẽ hoàn tất. Ngay sau khi hoàn tất, đầu tháng 6 có thể sẽ giao dịch lô lẻ.
Khối ngoại "ra hàng" lượng lớn cổ phiếu trong ngày thị trường thăng hoa
Tren HoSE, nhà đầu tư nước ngoài hôm nay lại là điểm trừ khi họ bán ròng 60 tỷ đồng với gần 1,8 triệu đơn vị cổ phiếu; với lực bán tập trung tại HPG với 173 tỷ đồng, SSI (142 tỷ đồng), STB (140 tỷ đồng) và VCB (100 tỷ đồng) . Ngược lại, khối ngoại gom CTG với giá trị mua ròng 72 tỷ đồng, lần lượt xếp theo sau danh sách mua ròng mạnh còn có GMD, VNM, MSN và FUEVFVND…
Tương tự, trên sàn HNX, nhà đầu tư ngoại bán ròng gần 700 nghìn cổ phiếu với giá trị bán ròng khoảng 11 tỷ đồng, tâm điểm bán SHS (11 tỷ đồng), tiếp tục bán ròng nhẹ tại các mã PVS, THD, NDN... Chiều mua khá dè dặt với IDJ là mã có giá trị mua ròng khoảng 1 tỷ đồng.
Trên sàn UpCOM, khối ngoại mua ròng nhẹ 1 tỷ đồng, tập trung gom BSR (7 tỷ đồng), QNS (2 tỷ đồng)… và bán ròng nhiều nhất tại VEA (6 tỷ đồng).