Thị trường bất động sản đi theo xu hướng nào trong giai đoạn khủng hoảng?
Theo Thanh Niên Việt, chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh cho biết, trước bối cảnh trầm lắng của thị trường BĐS hiện nay cũng là một cơ hội để thị trường có sự thanh lọc mạnh mẽ. Những chủ đầu tư vững tài chính, các dự án đáp ứng nhu cầu thực, chuẩn bị kỹ càng về quy hoạch và pháp lý thì chắc chắn "lên ngôi".
Một nguyên tắc sinh tồn quan trọng trong bối cảnh hiện nay là các doanh nghiệp BĐS cần tái cấu trúc doanh nghiệp, giữ niềm tin với người mua. Bắt nguồn từ việc các doanh nghiệp phải đưa ra thị trường mức giá sản phẩm đúng với giá trị thực.
Thực trạng phát triển dự án ồ ạt của ngày trước đã khiến nhiều doanh nghiệp bị cuốn theo giá cả, lợi nhuận mà đẩy giá bán lên cao.
Tuy giá bán cao hơn nhưng chất lượng sản phẩm lại không tương xứng. Đây là các doanh nghiệp đang đẩy vào thị trường những mức giá bất hợp lý, chạy theo các cơn sốt ảo.
Trong giai đoạn khủng hoảng, thị trường phát hiện các doanh nghiệp năng lực yếu kém và dần loại bỏ. Trong khi các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính vững mạnh, nhiều kinh nghiệm và uy tín, đưa ra các sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thực thì sẽ trụ vững và tiếp tục pháp triển.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - Ông Nguyễn Chí Thanh cho biết, từ giữa năm ngoái tới nay, hàng loạt khó khăn đè lên thị trường khiến BĐS rơi vào thời kỳ trầm lắng kéo dài.
Các đối tượng trên thị trường địa ốc đều có tâm lý e ngại khi tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp đều bị kiểm soát. Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp BĐS bị bắt do sai phạm. Vì thế mà niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư càng suy giảm, gây tác động không ít tới nguồn cung và tính thanh khoản trên thị trường.
Số lượng dự án được cấp phép mới và giao dịch trên thị trường thấp nhất từ trước tới nay. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, trong năm 2022, có khoảng 130 dự án phát triển nhà ở được cấp phép trên cả nước, chỉ bằng 52,7% so với năm 2021.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng đưa ra các chỉ số cho thấy bức tranh tương tự. Trong những năm gần đây, tổng nguồn cung nhà ở thương mại như biệt thự, liền kề, chung cư… liên tục giảm sút. Chẳng hạn năm 2022, nguồn cung chỉ bằng khoảng 90% năm 2021, bằng 54% so với năm 2020, 44% so với năm 2019, 28% so với năm 2018. Tỷ lệ hấp thụ tính riêng quý IV/2022 là khoảng 15%.
Nhu cầu BĐS trong 2 năm qua liên tục tăng cao, nhưng thị trường không có nhiều dự án mới mở bán. “Nốt trầm” trên thị trường đến từ hai diễn biến trái chiều. Đây là tình trạng thanh khoản khó ở các loại hình BĐS mang tính đầu tư cao, chỉ mua đi bán lại rất dễ bị thổi giá.
Thanh khoản trên thị trường vẫn có các chỉ số tích cực đối với dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Trước bối cảnh khó khăn, các phân khúc đáp ứng nhu cầu ở thực vẫn “lên ngôi”. Phân khúc BĐS này tiếp tục đóng vai trò chủ đạo về thanh khoản trên thị trường trong thời gian tới.