Thị giá của những "siêu cổ phiếu" một thời đều đã bị "thổi bay" hơn 90% giá trị so với đỉnh
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 16/11: VN-Index "quay xe" ngoạn mục, hàng trăm cổ phiếu đua nhau khoe sắc tímVốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam "bốc hơi" nửa triệu tỷ kể từ đầu tháng 11Chứng khoán Mỹ tăng điểm trở lại sau báo cáo lạm phátThị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua một giai đoạn đầy khó khăn. Sắc đỏ bao trùm lên hầu hết các nhóm ngành, trong đó, bất động sản là một trong những nhóm ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ đầu năm.
Tính đến ngày 15/11, thị giá của nhiều cổ phiếu bất động sản đã "bốc hơi" từ 60-70%, thậm chí bộ ba "siêu cổ phiếu" một thời là CEO của C.E.O Group, DIG của DIC Corp và L14 của Licogi 14 còn bị thổi bay hơn 90% giá trị.
Tăng "bốc đầu" rồi "tuột dốc không phanh"
Nhìn lại giai đoạn cuối năm 2021, cơn sốt nhà đất tại diễn ra tại nhiều khu vực, qua đó kéo theo những đợt sóng tại nhóm cổ phiếu bất động sản, đặc biệt kéo thị giá của bộ ba "siêu cổ phiếu" DIG, CEO, L14 tăng bằng lần chỉ trong khoảng thời gian ngắn.
Cụ thể, vào tháng 11/2021, mã L14 nhận được nhiều sự chú ý khi "phi" một mạch từ mức 78.260 đồng (1/10/2021) lên 209.290 đồng/cổ phiếu chỉ trong 1 tháng. Sau tháng 12/2021, cổ phiếu này giao dịch ở vùng 2xx.000 đồng, sang những ngày đầu tháng 1/2022 cổ phiếu L14 nhanh chóng chinh phục mốc 300.000 đồng/cổ phiếu thậm chí vẫn tiếp tục tăng mạnh lên mức 440.000 đồng/cổ phiếu, đánh dấu mức giá cổ phiếu cao nhất trên cả 3 sàn thời điểm đó.
Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, sau khi con sóng nhà đất qua đi cộng thêm với những thông tin bất lợi liên quan đến thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu... đã khiến thị giá cổ phiếu L14 lao dốc nhanh và mạnh còn hơn cách mà cổ phiếu này đi lên.
Chốt phiên giao dịch ngày 15/11, cổ phiếu L14 ghi nhận phiên giảm sàn thứ 4 liên tiếp còn 18.300 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm hơn 96% so với mức đỉnh và hiện đã trôi về đáy hơn 3 năm.
Có thể thấy, tình trạng tăng sốc, giảm sâu cũng là đang diễn ra với cổ phiếu CEO của C.E.O Group. Cụ thể, chỉ trong 2 tháng cuối năm ngoái, thị giá của cổ phiếu này đã tăng gấp 8 lần lên 9x.000 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, tương tự như L14, sau khi đạt đỉnh, cổ phiếu CEO đã bắt đầu chuỗi ngày lao dốc không phanh và hiện chỉ còn ở mức 8.100 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 15/11), tương ứng với mức giảm hơn 915 sau 10 tháng, đồng thời trôi về vùng đáy 15 tháng.
Diễn biến tương tự, thị giá của DIG cũng từ vùng đỉnh 98.200 đồng/cổ phiếu vào hồi đầu năm nay rơi xuống giao dịch tại vùng giá 1x.000 đồng/cổ phiếu (tương đương giảm gần 90%). Vốn hóa thị trường theo đó cũng bị thổi bay hàng chục nghìn tỷ. Thành quả tăng giá của con sóng đầu cơ trước đó gần như cũng bị triệt tiêu toàn bộ.
Ngoài bộ 3 "siêu cổ phiếu" kể trên, một số cổ phiếu "cây thông" khác cũng chứng kiến chuỗi giảm mạnh từ mức hàng chục nghìn đồng/cổ phiếu rơi về mức giá "trà đá". Đơn cử như mã TGG của CTCP Louis Capital hay IDJ của Đầu tư IDJ Việt Nam,…
Sau chuỗi tăng nóng hơn 6 lần từ mức 11.xxx đồng/cổ phiếu lên mức đỉnh gần 75.000 đồng/cổ phiếu, mã TGG đã quay xe giảm sàn hàng chục phiên và "quay về nơi bắt đầu" vào thời điểm đầu năm nay.
Tương tự TGG, cổ phiếu IDJ cũng từng ghi nhận chuỗi tăng giá 6 lần trong vòng 3 tháng lên mức đỉnh 42.470 đồng/cổ phiếu vào ngày 18/11/2021 và giảm mạnh ngay sau đó. Mặc dù đã có nhịp hồi từ giữa tháng 2, nhưng với xu hướng downtrend của thị trường, từ tháng 4 đến nay thị giá của cổ phiếu này đã giảm gần 6 lần, còn nếu so với đỉnh thì mã này đã giảm gần 90%, chỉ còn 4.400 đồng/cổ phiếu.
Bên cạnh đó, khi nhắc đến những cổ phiếu giảm giá mạnh nhất so với đỉnh không thể bỏ qua trường hợp của cổ phiếu YEG của Yeah1. Theo đó, sau 6 phiên liên tiếp giảm sàn (từ 4-11/11), mã này đã nối dài mạch giảm trong 2 phiên gần đây để về mức đáy lịch sử 6.900 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 15/11). Như vậy, từ mức giá đóng cửa trong phiên giao dịch đầu tiên là 300.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí từng có thời điểm chạm ngưỡng 350.000 đồng/cổ phiếu, mã YEG đã liên tục giảm và đến nay đã "bốc hơi" 97,7% giá trị.
Làn sóng "call margin" đè nặng
Trong bối cảnh giá cổ phiếu liên tục lao dốc, thay vì chi tiền "đỡ giá" cổ phiếu, nhiều lãnh đạo của L14 hay DIG lại phải đối mặt với làn sóng "margin" đến từ các công ty chứng khoán.
Giải trình về việc cổ phiếu DIG liên tục giảm sàn trong những phiên gần đây, lãnh đạo công ty này cho biết, nguyên nhân cổ phiếu giảm trong những phiên gần đây đều do tác động tiêu cực của yếu tố vĩ mô cũng như niềm tin của nhà đầu tư suy giảm.
Cụ thể, trong văn bản giải trình của DIG nêu rõ: "Giá cổ phiếu suy giảm liên tục dẫn đến hiện tượng nhà đầu tư mất kiên nhẫn và bán tháo trên diện rộng với cả nhiều mã cổ phiếu khác thuộc cùng nhóm ngành hoạt động".
Theo đó, để hạn chế đà suy giảm cổ phiếu bất thường, lãnh đạo DIG cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực trong hoạt động nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất để gia tăng kết quả của hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như có nhiều biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ cùng các cơ quan ban ngành khẩn trương đưa ra chính sách, giải pháp hỗ trợ thị trường vốn, thị trường chứng khoán nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và lấy lại niềm tin từ phía nhà đầu tư.
Trong bối cảnh dòng tiền vào chứng khoán ngày càng ảm đạm do phần lớn lượng tiền đã rút ra để trở lại sản xuất kinh doanh hay chuyển sang kênh đầu tư an toàn hơn như gửi tiết kiệm ngân hàng, nguồn cung tăng mạnh sau các đợt phát hành cũng phần nào gây áp lực lên giá cổ phiếu. Bên cạnh đó, làn sóng "call margin" chưa có dấu hiệu dừng, thậm chí còn lan rộng khiến nhiều dự báo cho rằng thị trường trong ngắn hạn còn không ít khó khăn. Tuy nhiên, triển vọng dài hạn của chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực nhờ định giá hấp dẫn dựa trên cơ sở tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp khả quan.