Sự phá sản ngân hàng là gì?
Sự phá sản của ngân hàng là gì?
Sự phá sản của ngân hàng trong tiếng Anh là Bank Failure. Sự phá sản của ngân hàng là việc đóng cửa một ngân hàng mất khả năng thanh toán, bởi cơ quan quản lý nhà nước. Các nhà quản lí tiền tệ có quyền đóng cửa các ngân hàng thương mại; chuyên viên giám sát ngân hàng tại các nước tương ứng đóng các ngân hàng điều lệ nhà nước. Các ngân hàng đóng cửa khi họ không thể đáp ứng nghĩa vụ của họ đối với người gửi tiền và những người khác.
Ngân hàng phá sản khi không thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính đối với các chủ nợ và người gửi tiền. Điều này có thể xảy ra bởi vì ngân hàng đã trở nên mất khả năng thanh toán, hoặc vì không còn đủ tài sản lưu động để thực hiện các nghĩa vụ thanh toán. Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến sự phá sản của ngân hàng xảy ra khi giá trị tài sản của ngân hàng giảm xuống dưới giá trị thị trường của các khoản nợ của ngân hàng, ở đây là nghĩa vụ của ngân hàng đối với các chủ nợ và người gửi tiền. Điều này có thể xảy ra vì ngân hàng mất quá nhiều tiền đầu tư. Không phải lúc nào cũng có thể dự đoán khi một ngân hàng phá sản.
Điều gì xảy ra khi một ngân hàng phá sản?
Khi một ngân hàng phá sản, nó có thể cố gắng vay tiền từ các ngân hàng có khả năng thanh toán khác để trả tiền cho người gửi tiền. Nếu ngân hàng phá sản không thể trả tiền người gửi tiền, thì sự hoảng loạn của ngân hàng có thể xảy ra khi người gửi tiền nỗ lực lấy lại tiền của họ đang gửi trong ngân hàng. Điều này có thể làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn vì thu hẹp tài sản lưu động khi người gửi tiền rút tiền mặt từ ngân hàng. Kể từ khi thành lập FDIC, chính phủ liên bang đã bảo hiểm tiền gửi ngân hàng lên tới 250.000 đô la Mỹ.
Khi một ngân hàng phá sản, FDIC lấy quyền kiểm soát và sẽ bán ngân hàng phá sản cho một ngân hàng có nhiều khả năng thanh toán hơn, hoặc tiếp quản hoạt động của chính ngân hàng đó. Lí tưởng là người gửi tiền có tiền trong ngân hàng phá sản sẽ không có sự thay đổi trong trải nghiệm sử dụng ngân hàng; họ sẽ vẫn có quyền truy cập vào tiền của mình và có thể sử dụng thẻ ghi nợ và kiểm tra như bình thường. Trong trường hợp một ngân hàng phá sản được bán cho ngân hàng khác, chủ tài khoản sẽ tự động trở thành khách hàng của ngân hàng đó, và có thể nhận được séc mới và thẻ ghi nợ mới.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008, vụ phá sản ngân hàng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ xảy ra khi Washington Mutual, với tài sản trị giá 307 tỉ USD đóng cửa. Một sự phá sản lớn của ngân hàng đã xảy ra chỉ vài tháng trước khi Indymac bị tịch thu. Sự đóng cửa lớn thứ hai là phá sản của 40 tỉ USD ở Continental Illinois năm 1984. FDIC duy trì danh sách cập nhật các ngân hàng phá sản trên trang web của mình.
Lưu ý đặc biệt khi ngân hàng phá sản
FDIC được thành lập vào năm 1933 bởi đạo luật ngân hàng. Trong những năm ngay trước đó, đánh dấu sự khởi đầu của cuộc Đại suy thoái lớn, một phần ba các ngân hàng Mỹ đã phá sản. Trong những năm 1920, trước sự suy đổ Thứ Ba Đen Tối năm 1929, trung bình khoảng 70 ngân hàng đã phá sản mỗi năm trên toàn quốc.
Trong 10 tháng đầu tiên của cuộc Đại suy thoái, 744 ngân hàng phá sản, và chỉ riêng trong năm 1933, khoảng 4.000 ngân hàng Mỹ phá sản. Vào thời điểm FDIC được thành lập, những người gửi tiền đã mất 140 tỉ USD do sự phá sản của ngân hàng, và không có bảo hiểm tiền gửi liên bang bảo vệ những khoản tiền gửi này, họ đã không có cách nào để lấy lại tiền.
Kể từ sau khủng hoảng tài chính thế giới, “too big to fail” hay cơ chế ngăn ngừa phá sản ngân hàng (đặc biệt là các ngân hàng lớn), trở thành tâm điểm của không ít chỉ trích. Một vài ý kiến cho rằng, nếu tạo điều kiện cho ngân hàng yếu kém chấm dứt hoạt động, sẽ nhanh chóng làm “trong sạch” phần còn lại của hệ thống tài chính, ngân hàng. Mặt khác, một số nhà kinh tế kiên trì bảo vệ những giá trị truyền thống của “too big to fail”.
Với lý lẽ cho rằng, các ngân hàng lớn có vai trò đặc biệt trong việc dẫn dắt hệ thống tài chính - kinh tế. Họ là những tổ chức “đứng mũi chịu sào” khi luôn nhận về mình những rủi ro đa dạng và khó kiểm soát nhất. Thay vì sa vào cuộc tranh luận khó tìm đến kết luận chung giữa hai luồng quan điểm, bài viết giải thích cơ chế cốt lõi của hoạt động ngân hàng nhằm đề cập một góc nhìn cơ bản nhưng đa chiều về loại hình kinh doanh rất đặc thù, kinh doanh ngân hàng. Qua đó, có thể phần nào hình dung và chia sẻ với những khó khăn của các nhà hoạt động chính sách khi đứng trước bài toán không dễ có lời giải: Cho phép phá sản hay không để xảy ra phá sản ngân hàng?
Rủi ro nội tại của ngân hàng - điều khó tránh khỏi
Bên cạnh những đóng góp kể trên, trong quá trình hoạt động của ngân hàng, tất yếu cũng đi kèm với không ít rủi ro. Các rủi ro này có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân nội tại, mà nổi bật là rủi ro thanh khoản, lẫn các yếu tố ngoại lai, như khủng hoảng niềm tin.
Có thể thấy, rủi ro thanh khoản bắt nguồn từ chính bản chất của hoạt động ngân hàng, đó là huy động để cho vay. Nếu như các ngân hàng cất trữ toàn bộ nguồn vốn huy động trong két sắt, để đảm bảo khả năng thanh toán cho người gửi tiền, lúc này, ngân hàng sẽ không còn là trung gian tài chính mà chỉ đơn thuần là một tổ chức nhận bảo quản tiền gửi. Do đó, thay vì cất trữ toàn bộ, các ngân hàng chỉ dự trữ một tỷ lệ nguồn vốn nhất định, phần còn lại dùng để cho vay và đầu tư.
Khi dòng tiền thu từ cho vay và đầu tư không khớp kỳ hạn với dòng tiền thanh toán vốn huy động, ngân hàng gặp phải rủi ro thanh khoản. Mức chênh lệch kỳ hạn càng lớn, khả năng thanh toán khi người gửi tiền đến rút tiền gửi càng thấp, rủi ro của ngân hàng càng cao. Chính vì vậy, để duy trì hoạt động liên tục, ngân hàng luôn phải xây dựng các công cụ nhằm quản trị và giảm thiểu rủi ro thanh khoản.
Vấn đề nằm ở chỗ, đôi khi một ngân hàng đang có thanh khoản tốt vẫn có thể sụp đổ chỉ bởi một vài tin đồn thất thiệt. Điều này xảy ra khi người dân nhất loạt yêu cầu ngân hàng thanh toán tiền gửi trước hạn, khiến trạng thái cân bằng thanh khoản mà ngân hàng mất nhiều công sức để thiết lập bỗng chốc bị gián đoạn. Dù cho có trang bị nhiều công cụ quản trị rủi ro thanh khoản đến đâu, việc dự báo trước thời điểm phát sinh tin đồn cũng rất khó khăn.
Do vậy, ngay cả khi có được trạng thái thanh khoản tốt, các ngân hàng cũng không thể chủ quan. Tại mọi thời điểm, tin đồn thất thiệt hoàn toàn có thể châm ngòi cho những yêu cầu thanh toán tăng đột biến từ phía người gửi tiền, đe doạ vượt qua tất cả các ngưỡng chịu đựng đã được dự báo và phá vỡ hoàn toàn trạng thái thanh khoản của cả các ngân hàng vốn đang được cho là an toàn.
Phá sản ngân hàng và những hệ luỵ khó lường trước
Như tất cả các loại hình kinh doanh khác, hoạt động ngân hàng luôn đi kèm với những rủi ro nhất định. Đứng trước những rủi ro này, tất yếu sẽ tồn tại một số ngân hàng hoạt động kém hiệu quả hơn các ngân hàng khác. Tuy nhiên xét tới những đặc thù của hoạt động kinh doanh ngân hàng, việc cân nhắc “phá sản” đối với các ngân hàng yếu kém đòi hỏi phải cẩn trọng và có trách nhiệm ở mức độ “sâu sắc”. Lý thuyết kinh tế cho rằng, chính sự cạnh tranh, thể hiện bởi quá trình đào thải những tổ chức hoạt động kém hiệu quả, sẽ đem tới nhiều lợi ích hơn cho khách hàng. Mặc dầu vậy, thị trường ngân hàng là thị trường kinh doanh hàng hóa đặc biệt - tiền tệ -, không phải là thị trường cạnh tranh hoàn hảo.
Sự biến mất của một ngân hàng không đem lại lợi ích rõ ràng cho bất cứ một bên nào như kỳ vọng. Trong khi đó, hậu quả của phá sản ngân hàng vô cùng rõ nét. Một cuộc khủng hoảng tại một, vài ngân hàng nhỏ lẻ có thể bùng phát thành khủng hoảng hệ thống. Đặc biệt, nếu chúng không được xử lí một cách thận trọng và phù hợp có thể đe dọa trực tiếp tới sự ổn định kinh tế, xã hội của quốc gia.
Thật vậy, với vai trò trung gian tài chính, ngân hàng có mối liên hệ với hầu hết các chủ thể trong nền kinh tế, từ hộ gia đình, khối doanh nghiệp, khối Nhà nước tới khối xuất nhập khẩu; thông qua tất cả các kênh như: tiêu dùng, ngân sách, đầu tư, thương mại v.v. Trên khía cạnh xã hội, ngân hàng trực tiếp hoặc gián tiếp cung cấp vốn cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, năng lượng, giáo dục, y tế v.v. Do tính kết nối thành một mạng lưới của các tổ chức tài chính, sự phá sản của một ngân hàng có thể nhanh chóng kích hoạt tình trạng khó khăn cùng lúc tại nhiều ngân hàng và các bên liên quan khác, nguy cơ dẫn tới đổ vỡ dây chuyền là kết cục không mong đợi đã từng xảy ra ở nhiều quốc gia.
Nhiều nghiên cứu được thực hiện ở những giai đoạn lịch sử khác nhau, thống nhất rằng, thiệt hại do phá sản ngân hàng gây ra không những trải rộng trên nhiều lĩnh vực, mà còn có xu hướng kéo dài, khó kiểm soát, khó đảo ngược, và mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng.