Starbucks có CEO mới kể từ ngày 1/10
BÀI LIÊN QUAN
Gần 10 năm có mặt tại Việt Nam, Starbucks kinh doanh như thế nào?Trong khi ngành ăn uống ngày càng "héo hon", Starbuck vẫn công bố doanh thu 8,2 tỷ USD trong quý 2Starbucks dự định biến mình thành trạm sạc xe điệnMới đây, CNN dẫn lại thông tin từ thông báo mới của Starbucks cho biết, ông Laxman Narasimhan sẽ chính thức đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành mới của doanh nghiệp này kể từ ngày 1/10 tới. Đồng thời, ông Laxman Narasimhan cũng sẽ chính thức bắt đầu giữ vai trò quản lý cao nhất trong ban giám đốc của công ty bắt đầu từ tháng 4 năm sau. Tiếp đến, vị tân CEO này sẽ tham gia hội đồng quản trị của Starbucks.
Trước đó, ông Laxman Narasimhan từng đảm nhiệm chức Giám đốc điều hành tại Tập đoàn Reckitt Benckiser. Cách đây không lâu, tập đoàn này cũng đã phát đi thông báo về việc ông Laxman Narasimhan từ chức. Được biết, trước khi đầu quân cho Starbucks, ông Laxman Narasimhan là CEO của Reckitt Benckiser - được biết đến là nhà sản xuất các sản phẩm vệ sinh và sức khỏe có trụ sở tại Anh. Công ty này nổi tiếng với nhiều loại sản phẩm, bao gồm bao cao su Durex, Lysol và Mucinex...
Theo Reckitt Benckiser, lý do mà ông Laxman Narasimhan rời công ty là lý do cá nhân và gia đình. Sau đó, ông Laxman Narasimhan chuyển về Mỹ để có thể tiếp cận cơ hội mới. Trong quá trình công tác của mình, vị tân CEO tương lai của Starbucks cũng từng đảm nhiệm nhiều vị trí cấp cao tại PepsiCo (PEP), điển hình như vị trí giám đốc thương mại toàn cầu. Đồng thời, ông Laxman Narasimhan còn là đối tác cấp cao của McKinsey, chuyên tập trung vào lĩnh vực tiêu dùng và bán lẻ.
Với tư cách là Giám đốc điều hành mới của Starbucks, ông Laxman Narasimhan sẽ phải đối mặt với khá nhiều khó khăn và thách thức. Cụ thể, tại thị trường nội địa của mình, công ty này đang gặp phải trục trặc có liên quan đến vấn đề nhân sự. Theo đó, khoảng hơn 200 cửa hàng tại Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thành lập công đoàn với tên gọi Công nhân Liên hiệp.
Chính sự việc này đã dẫn đến một số hệ lụy tiêu cực, thậm chí cả cuộc chiến pháp lý. Tình trạng lạm phát dù chưa ảnh hưởng đến doanh số bán hàng, tuy nhiên nó đã đẩy giá thực đơn ngày càng tăng cao lên mức chóng mặt. Đáng chú ý, thị trường lớn thứ hai trên thế giới của Starbucks là Trung Quốc hiện vẫn đang bị ảnh hưởng khá nhiều bởi việc áp dụng chính sách “Zero Covid”.
Trong một tuyên bố có liên quan đến tân CEO, Mellody Hobson - Chủ tịch hội đồng quản trị Starbucks cho biết: “Ông Laxman Narasimhan cùng với kinh nghiệm thực tiễn vô cùng sâu sắc trong việc thúc đẩy việc chuyển đổi chiến lược tại các doanh nghiệp và hướng tới người tiêu dùng toàn cầu đã khiến ông ấy trở thành một lựa chọn vô cùng lý tưởng để có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới, đồng thời nhanh chóng nắm bắt được các cơ hội trước mắt”.
Được biết, trong khoảng thời gian chờ bổ nhiệm CEO mới, ông Howard Schultz - người từng tiếp quản vị trí từ ông Kevin Johnson vẫn tiếp tục giữ vai trò điều hành tạm thời tại Starbucks. Thời điểm hiện tại, ông Howard Schultz vẫn là thành viên HĐQT của công ty.
Các chuyên gia cũng phân tích rằng, ông Laxman Narasimhan sẽ bắt đầu vị trí quản lý cao nhất tại Starbucks tại thời điểm vô cùng quan trọng đối với thương hiệu đồ uống này. Đối với thị trường Mỹ, công ty hiện vẫn đang nỗ lực và cố gắng để chống lại làn sóng công đoàn hóa. Trong khi đó, những hạn chế nghiêm ngặt của dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của Starbucks tại thị trường Trung Quốc.
Trong khoảng thời gian 6 tháng trước khi ông Laxman Narasimhan chính thức tiếp quản vị trí Giám đốc điều hành của Starbucks, ông sẽ có thời gian để có thể làm việc với CEO hiện tại là ông Howard Schultz cùng với các lãnh đạo của công ty, nhân viên và cả khách hàng. Đồng thời, vị tân CEO này còn phải làm quen với kế hoạch đổi mới đã được ông Schultz đưa ra vào thời gian gần đây. Nhiều ý kiến cho rằng, thời điểm hiện tại Starbucks rất cần một cuộc đại tu để thay đổi toàn diện.
Theo như một thông báo được phát đi vào tháng 7 vừa qua, ông Howard Schultz cho biết, Starbucks đang không được thiết lập để có thể đáp ứng đầy đủ hàng loạt những hành vi, nhu cầu cũng như kỳ vọng phát triển của các đối tác hoặc các khách hàng. “Nó không được thiết kế cho tương lai, điều mà chúng tôi mong muốn cho cả bản thân cũng như cộng đồng mà chúng tôi đang phục vụ”, vị CEO hiện tại của Starbucks nhấn mạnh.
Theo nhiều nguồn tin, kế hoạch thay đổi của vị CEO này bao gồm cả việc cải thiện triệt để đối với trải nghiệm của nhân viên, đồng thời thiết kế lại các cửa hàng. Từ khi đưa ra chiến lược mới, công ty đã thực hiện các thay đổi, cụ thể là việc đóng một số cửa hàng.
Mới đây, Starbucks đã công bố doanh thu quý 2 là 8,2 tỷ USD. Đây là con số khiến mọi người ngạc nhiên, nguyên nhân bởi nhiều chuỗi nhà hàng khác như McDonald’s đều ghi nhận một thực trạng rằng, khách hàng trong thời gian qua đã không còn chi tiêu quá nhiều vào đồ uống, thức ăn, hoặc họ sẽ chuyển sang mua những món đồ có giá rẻ hơn trong menu. Tuy nhiên, đối với Starbucks, khách hàng của họ và đặc biệt là khách hàng thuộc Gen Z vẫn duy trì việc mua những món đồ đặc sắc của thương hiệu này, điển hình như Dứa Chanh Dây, Espresso đá lắc và cà phê Cinnamon Dolce Latte.
Ông Howard Schultz cho biết, những thức uống lạnh chiếm 75% doanh số đồ uống trong quý 2. Đây là đồ uống được Gen Z yêu thích, vì họ có thể yêu cầu nhân viên pha chế cũng như kết hợp những nguyên liệu khác nhau theo ý muốn của mình, từ đó thỏa sức sáng tạo những món mới lạ. Không chỉ thưởng thức đồ uống mới lạ, mục tiêu chính của họ là đăng ảnh check in mạng xã hội.
Trong thời gian tới, Starbucks sẽ tiếp tục duy trì và phát triển xu thế này. Tuy nhiên, lợi nhuận của Starbucks vẫn ít nhiều bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu tăng cao, các đợt phong tỏa vì dịch bệnh khiến các chuỗi cung ứng bị gián đoạn.