Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) lãi hơn 2.000 tỷ đồng trong năm 2022
BÀI LIÊN QUAN
TGĐ Chứng khoán Apec: Đầu tư chứng khoán rất dễ mắc "tâm bệnh", lúc lãi ngày trôi qua rất nhanh, khi thua lỗ thì gặm nhấm từng ngày, từng giờMôi giới thổ địa: “Cứ gần chốt giao dịch thì khách mua lại thua chứng khoán…”Nhiều doanh nghiệp địa ốc “bẻ lái” làm nhà ở xã hội, lý do là gì?Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX), "công ty mẹ" của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 2022 với doanh thu thuần đạt 3.423 tỷ đồng, tăng 67% so với năm 2021.
Trong cơ cấu doanh thu, riêng mảng dịch vụ giao dịch chứng khoán đóng góp 93% vào tổng doanh thu trên, còn lại là các mảng dịch vụ niêm yết chứng khoán, kết nối trực tuyến, sử dụng thiết bị đầu cuối, đấu thầu - đấu giá,...
Chi phí vốn đạt hơn 169 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam lên đến hơn 95%, lợi nhuận gộp ghi nhận 3.254 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ.
Ngoài hoạt động kinh doanh cốt lõi về chứng khoán, đơn vị này còn ghi nhận 113 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, gấp hơn 3 lần so với thực hiện năm 2021.
Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế VNX còn 2.089 tỷ đồng, tăng gần 53% so với thực hiện năm trước. Sau khi trích quỹ khen thưởng, phúc lợi, phần lợi nhuận đem nộp vào Ngân sách Nhà nước ghi nhận hơn 2.044 tỷ đòng.
Kết quả này là khá tích cực trong bối cảnh thị trường chứng khoán năm 2022 không thực sự thuận lợi khi VN-Index giảm gần 33% và giá trị giao dịch bình quân giảm 22%.
Tính đến thời điểm 31/12/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam có khối tài sản xấp xỉ 4.044 tỉ đồng, giảm hơn 560 tỷ so với đầu năm. Trong đó riêng khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng chiếm hơn 65% (khoảng 2.651 tỷ đồng).
Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, được tổ chức theo mô hình công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động theo mô hình mẹ - con dựa trên sự sắp xếp lại HNX và HoSE. Nhiệm vụ chính của VNX là thống nhất về mô hình tổ chức, cơ chế, chính sách, tư duy phát triển và hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ thị trường.