“Siết” tín dụng bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng tại TP Hồ Chí Minh
BÀI LIÊN QUAN
“Siết” mạnh tín dụng bất động sản ảnh hưởng đến thị trường và nhà đầu tư như ra sao?Phân khúc nào sẽ “lên ngôi” khi lạm phát tăng, “siết” tín dụng vào bất động sản?Siết tín dụng bất động sản càng làm khó người lao động mua nhà“Siết” tín dụng bất động sản
Cụ thể, Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố triển khai ý kiến của Thủ tướng về phát triển thị trường bất động sản thành phố ổn định, lành mạnh.
Cơ quan quản lý yêu cầu các tổ chức tín dụng quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động bất động sản, chuyển tiền thu được từ bất động sản ra nước ngoài.
Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước yêu cầu: "Thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người dân. Hạn chế tín dụng cho đầu tư bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ bất động sản".
Hiện nay, trong tổng dư nợ nền kinh tế thì tín dụng bất động sản chiếm khoảng 18 - 20%, tương đương 2 triệu tỷ đồng. Trong vòng 3 năm trở lại đây tăng trưởng cho vay trong lĩnh vực bất động sản bắt đầu hạ nhiệt, cụ thể, trong năm 2018 đạt mức trên 26%, tuy nhiên đến năm 2021 con số này đã giảm chỉ còn 12%.
Thời gian qua, tình trạng dòng vốn cho thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có những chỉ đạo về kiểm soát dòng vốn chảy vào lĩnh vực này từ kênh tín dụng và trái phiếu.
Ngày 12/4, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất và báo cáo lại khi phát hiện sai phạm.
Bên cạnh đó, các ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Cuối tháng 3/2022, Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank) chỉ đạo các chi nhánh, điểm giao dịch trong hệ thống về kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2022. Sacombank sẽ không cấp tín dụng cho khách hàng mới kể từ ngày 23/3/2022 đến hết ngày 30/6/2022.
Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với cán bộ, công nhân viên và người mua/xây/sửa bất động sản để ở. Sacombank cũng yêu cầu các đơn vị không thực hiện huy động - cho vay cầm cố sổ cùng lúc.
Từ ngày 25/3, Ngân hàng Techcombank cũng tạm dừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và vay thứ cấp mua bất động sản (gồm chưa hoặc đã có giấy chứng nhận).
Hạn chế tín dụng vào bất động sản là cần thiết
Trước động thái hạn chế tín dụng của một số ngân hàng hiện nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là hành động cần thiết. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng, nếu không siết chặt tín dụng vào bất động sản thì sẽ xuất hiện tình trạng ngân hàng cho vay sân sau, bắt tay với doanh nghiệp bất động sản mua trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ,… Đến một thời điểm nào đó, mức độ nguy hiểm sẽ lan rộng và ngoài tầm kiểm soát của cơ quan thanh tra giám sát.
Theo ông Nghĩa, xét về cơ cấu phát hành trái phiếu năm qua, có đến hơn 50% là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, 30% từ ngân hàng. Như vậy hơn 80% trái phiếu phát hành không thuộc lĩnh vực sản xuất. Trong những năm qua, phần lớn trái phiếu được phát hành không thuộc các lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại. Mà chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực có tính đầu cơ cao như ngân hàng, bất động sản.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho rằng, tín hiệu hạn chế cho vay bất động sản cảnh báo nguy cơ nguội dần của thị trường địa ốc.
“Việc siết chặt tín dụng vào bất động sản sẽ tạo ra cú sốc lớn cho thị trường. Điều này sẽ có, vì "thắt" nguồn tiền dĩ nhiên lượng giao dịch sẽ giảm. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, siết tín dụng là điều cần thiết và cũng không cần lo ngại vì siết tín dụng mà xuất hiện bong bóng bất động sản", TS. Hiếu nhận định.
Việc các ngân hàng hạn chế tín dụng vào bất động sản để đảm bảo an toàn của nền kinh tế là cần thiết. Hành động này sẽ có thể hạ nhiệt được các “cơn sốt đất” trong thời gian qua, góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ dùng đòn bẩy tài chính.
Tuy nhiên hạn chế làm sao thì cần tính toán thận trọng. Bởi những dự án bất động sản sẽ có chu kỳ triển khai từ 5 - 10 năm, nếu chỉ cần đình trệ vài năm sẽ dẫn tới thiếu hụt nguồn cung bất động sản cho thị trường. Trong thời gian dài, nguồn cung giảm nhưng nhu cầu của thị trường vẫn giữ nguyên, thậm chí có thể tăng. Điều này có thể dẫn đến sự mất cân bằng cán cân “cung - cầu”, dẫn đến giá nhà tăng theo quy luật của thị trường.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, thời gian vừa qua, thị trường bất động sản ghi nhận tình trạng nguồn cung khan hiếm. Dẫn đến việc lách luật gom sổ chia lô, phá rừng san đồi để tách thửa bán kiếm lời cùng các sai phạm trong hoạt động phát hành trái phiếu. Do đó, việc siết tín dụng là điều bắt buộc phải làm.
“Siết tín dụng sẽ không làm giá bất động sản đi xuống, có chăng thanh khoản sẽ giảm và giá đi ngang. Nguyên nhân bởi đối với những nhà đầu tư dài hạn, nhóm có dự trù tài chính tốt, sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Về phía doanh nghiệp bất động sản, nhiều doanh nghiệp lớn dựa vào vốn vay ngân hàng để phát triển dự án sẽ bị ảnh hưởng nặng vì không có vốn để phát triển dự án. Thậm chí dẫn đến việc co hẹp quy mô phát triển dự án. Những doanh nghiệp có dự án đang hình thành và đang bán sẽ bị ảnh hưởng vì người mua nhà bị động hơn, khó khăn trong tiếp cận vốn vay”, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết.